Trúng đấu giá biển số đẹp rồi bỏ cọc, làm sao ngăn chặn?

19/12/2023 - 06:11

PNO - Tình trạng người trúng đấu giá biển số ô tô nhưng không hoàn thành nghĩa vụ tài chính (bỏ cọc) đã xảy ra nhiều lần. Làm gì để ngăn chặn tình trạng này?

Bỏ cọc, đấu giá lại vẫn bỏ cọc

Hôm 6/12, Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam - đơn vị được Bộ Công an ký hợp đồng tổ chức đấu giá biển số xe ô tô - tiếp tục đưa hàng trăm biển số xe lên sàn đấu giá trực tuyến. Trong số này, biển số 30K-567.89 của TP. Hà Nội nhận được nhiều sự quan tâm. Sau 1 giờ đấu giá, biển số nói trên được một đại gia chốt giá thành công với mức 12,57 tỉ đồng - mức giá “khủng”, thể hiện tiềm lực kinh tế của người trúng đấu giá. Thế nhưng, nhiều người băn khoăn, liệu người trúng đấu giá có hoàn thành nghĩa vụ tài chính hay không?

Cục Cảnh sát giao thông trao biển số cho người trúng đấu giá đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính
Cục Cảnh sát giao thông trao biển số cho người trúng đấu giá đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính

Lo ngại ấy là có cơ sở, bởi biển số 30K-567.89 từng được đấu giá thành công 2 lần trước đó với mức giá hơn 13 tỉ đồng (lần thứ nhất) và gần 17 tỉ đồng (lần thứ hai), nhưng do người trúng đấu giá đã bỏ cọc nên phải đưa ra đấu giá lần thứ ba. Ở 2 lần đấu giá trước, ngân sách chỉ thu về được 80 triệu đồng số tiền đặt cọc.

Trường hợp vừa nêu không phải là duy nhất, mà thời gian qua đã có hàng loạt biển số đẹp từng được đấu giá thành công với mức từ vài tỉ đến vài chục tỉ đồng rồi bị xù. Điển hình như biển số 51K-888.88 được chốt trong đợt đấu giá đầu tiên với mức hơn 32 tỉ đồng, 30K-567.89 hơn 13 tỉ đồng, 30K-555.55 hơn 14 tỉ đồng, 36A-999.99 hơn 7,4 tỉ đồng… Tuy nhiên, sau đó người trúng đấu giá đều bỏ cọc, các biển số phải đưa ra đấu giá lại.

Đại diện Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam cho biết, quy chế đấu giá hiện nay do công ty xây dựng và ban hành dựa theo Nghị quyết 73/2022 của Quốc hội và Nghị định 39/2022 của Chính phủ, trong đó nêu rõ: trường hợp người trúng đấu giá bỏ cọc sẽ bị mất khoản tiền đặt cọc và biển số được đưa ra đấu giá lại.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, với quy định về đấu giá tài sản nói chung, quy chế đấu giá biển số xe ô tô nói riêng, như hiện nay, sẽ rất khó để ngăn chặn tình trạng người trúng đấu giá bỏ cọc. Bởi lẽ, hành vi bỏ cọc đấu giá không bị nghiêm cấm. Đối với đấu giá biển số xe ô tô, nếu bỏ cọc, người trúng đấu giá sẽ mất 40 triệu đồng tiền đặt trước cho mỗi biển số. Số tiền này là khá khiêm tốn. Nếu có chủ đích, họ sẽ bỏ khoản tiền này để đạt được mục đích khác.

Để ngăn chặn, theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, cần sửa đổi quy định pháp luật liên quan đến đấu giá tài sản theo 2 hướng: buộc người tham gia đấu giá tài sản phải chứng minh là đảm bảo được khả năng tài chính nếu trúng đấu giá (nhằm đảm bảo khả năng thanh toán sau khi trúng đấu giá) và xử phạt theo phần trăm giá trị tài sản trúng đấu giá nếu bỏ cọc (nhằm tăng tính răn đe đối với hành vi bỏ cọc, tránh tình trạng tham gia đấu giá và trả giá vô tội vạ).

Tăng tiền đặt cọc hay phạt tiền?

Tại phiên thảo luận về dự án Luật Đấu giá tài sản sửa đổi vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất hàng loạt giải pháp để ngăn chặn tình trạng bỏ cọc trong đấu giá tài sản, bao gồm cả trường hợp đấu giá biển số xe. Đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) nhận định, việc bỏ cọc đấu giá khiến lũng đoạn, rối rắm thị trường, gây dư luận xã hội không tốt, do đó cần có chế tài xử lý trường hợp này.

Biển số 30K-567.89 được đưa ra đấu giá 3 lần
Biển số 30K-567.89 được đưa ra đấu giá 3 lần

Ví dụ nâng mức đặt tiền cọc cao hơn, nếu bỏ cọc thì không được tham gia đấu giá các lần sau. “Có như thế mới giữ được kỷ cương trong hoạt động đấu giá tài sản, hạn chế tình trạng có tiền muốn làm thế nào thì làm, làm xáo trộn thị trường” - ông Phạm Văn Hòa nói, đồng thời đề nghị nếu xảy ra bỏ cọc thì người đứng thứ hai được quyền trúng đấu giá, không phải đấu giá lại, tránh tốn kém.

Ủng hộ việc tăng mức tiền cọc, đại biểu Trần Nhật Minh (tỉnh Nghệ An) nhận định, người có nhu cầu thực sự, tham gia đấu giá thường đã có sự chuẩn bị nguồn tài chính để mua tài sản đấu giá, thậm chí họ chuẩn bị đủ đến 100% số tiền dự kiến sẽ bỏ ra, cho nên sẽ không băn khoăn về mức tiền đặt trước là bao nhiêu. Do vậy, tăng mức tiền đặt trước sẽ là rào chắn an toàn đối với những đối tượng không có nhu cầu mua tài sản đấu giá mà chỉ đăng ký tham gia với mục đích thông đồng, dìm giá để trục lợi; hạn chế được thấp nhất tình trạng bỏ cọc đang diễn ra khá phổ biến.

Ngược lại, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (tỉnh Long An) lại cho rằng nếu nâng mức tiền đặt trước lên quá cao có thể ảnh hưởng đến quyền tự do tham gia giao dịch, giảm tính cạnh tranh và sẽ ít người tham gia đấu giá. Để giải quyết câu chuyện bỏ cọc, bà đề xuất nếu người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính và không chứng minh được lý do bất khả kháng thì ngoài bị mất tiền đặt trước còn phải bị phạt tiền.

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Tất Hiếu (tỉnh Vĩnh Phúc) gợi ý, có thể phạt từ 30 - 50% giá trị tài sản trúng đấu giá đối với những người trúng đấu giá nhưng không hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) lại cho rằng, đấu giá tài sản là quan hệ dân sự, vì vậy ở mọi trường hợp phải tôn trọng và bảo vệ quyền được từ bỏ tài sản trúng đấu giá. Ông đề xuất, thay vì phạt hợp đồng thì cần điều chỉnh về tiền đặt trước. Ví dụ, khi nào mức giá đấu cao gấp 2 lần giá khởi điểm thì phải bổ sung tiền đặt trước (tăng thêm), cứ như vậy lặp đi lặp lại mỗi lần mức giá đạt gấp đôi giá cũ. 

Linh hoạt mức tiền đặt cọc

Bà Đỗ Thị Hồng Hạnh - Tổng giám đốc Công ty Đấu giá Hợp danh Lạc Việt - đề xuất giải pháp, mỗi khách hàng tham gia đấu giá sẽ được mở một ví tiền trên website của đơn vị đấu giá. Mỗi khi trả giá, khách hàng phải nộp tiền vào tài khoản mới có thể trả giá; nếu không đủ tiền sẽ không được trả giá cao hơn số tiền có trong ví. Kết thúc đấu giá, nếu khách hàng là người trúng đấu giá thì số tiền trong tài khoản đấu giá sẽ được trừ vào số tiền trúng đấu giá, khách không trúng đấu giá sẽ được rút tiền.

Nhưng muốn như vậy thì thời gian đấu giá phải kéo dài 1 ngày chứ không thể trong 1 giờ như hiện tại. Ngoài ra, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu chế tài nếu người trúng đấu giá bỏ cọc thì không được tham gia đấu giá trong một thời gian nhất định.

Lãnh đạo một công ty đấu giá tại Hà Nội cho hay, với việc đấu giá thành công hàng ngàn biển số xe thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước có thể phân tích dữ liệu, chia thành các nhóm biển số tương ứng với giá trị đã đấu giá thành công. Với nhóm biển số có giá trị thấp thì tiền đặt cọc duy trì 40 triệu đồng như hiện nay.

Nhưng với nhóm biển số có giá trị cao, hay còn gọi là biển số “đẹp”, thì tiền đặt cọc phải nâng cao hơn, tương ứng với số tiền trúng đấu giá dự kiến. Quy định linh hoạt như vậy sẽ giúp hạn chế việc bỏ cọc, nhất là các biển số được nhiều người quan tâm.

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI