Trump tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, ai được ai mất?

11/05/2019 - 08:17

PNO - Quyết định tăng thuế suất từ 10% lên 25% đánh vào 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc của Tổng thống Donald Trump là một đòn đánh thẳng vào người tiêu dùng Mỹ, khiến họ phải mua hàng ngàn mặt hàng với giá đắt hơn.

Trump tang thue doi voi hang hoa Trung Quoc, ai duoc ai mat?
Mỹ tuyên bố tăng thuế đánh vào 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc - Ảnh: CNN

Hầu hết hàng nhập khẩu bị áp thuế suất mới 25% là hàng hóa công nghiệp hoặc trung gian được sử dụng  làm bộ phận cấu thành trong các sản phẩm được sản xuất tại Hoa Kỳ. Nhưng khoảng một phần tư các mặt hàng trong danh sách là hàng tiêu dùng, bao gồm ba lô, găng tay và mũ bóng chày, xe đạp, túi xách, đồ nội thất bằng tre và đèn chùm. Thuế suất mới cũng đánh vào thuyền buồm, xuồng máy, ca nô và - thật kỳ lạ - cả đồng hồ đậu xe.

Thuế quan là thuế

Thuế quan đóng vai trò như một loại thuế đối với doanh nghiệp nhập khẩu một mặt hàng nhất định. Các nhà xuất khẩu phải trả thuế 25% khi sản phẩm của họ đến Hoa Kỳ. Tiền được trả khi giao hàng và nộp vào Kho bạc Hoa Kỳ.

Tháng 9/2018, chính quyền Trump áp mức thuế 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, sau một đợt áp hàng rào thuế quan trước đó đối với 50 tỷ USD hàng hóa từ đại lục đã có hiệu lực vào mùa hè. Kể từ 10/5, Mỹ tuyên bố áp thuế 25% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu.

Thuế suất mới chỉ áp dụng đối với hàng hóa được xuất khẩu vào ngày 10/5 và sau đó, không kể số hàng hóa đang trên đường vận chuyển trong tuần này nhưng chưa đến Mỹ.

Ai phải trả thuế suất mới?

Trong một số trường hợp, các nhà sản xuất Trung Quốc có thể quyết định giảm một số chi phí thuế quan để duy trì tính cạnh tranh trên thị trường Mỹ.

Mặc dù ông Trump liên tục lập luận rằng Trung Quốc đang nộp thuế trực tiếp vào kho bạc của chính phủ Mỹ, một số báo cáo gần đây phát hiện các công ty và người tiêu dùng Mỹ đang phải chịu phần lớn gánh nặng của thuế quan hiện hữu. Một tài liệu cho thấy mức thuế này đã khiến các công ty trong nước và người tiêu dùng phải trả thêm 3 tỷ USD mỗi tháng cho đến cuối năm 2018.

Vấn đề là, tùy thuộc vào các nhà cung cấp và nhà bán lẻ quyết định xem có nên giảm chi phí tăng thêm hay chuyển một phần chi phí đó cho người tiêu dùng cùng gánh hay không.

Nước Mỹ có được lợi khi tăng thuế?

Tổng thống Trump đã vận động khôi phục ngành sản xuất của Mỹ và nhiều lần nói rằng ông muốn “sản xuất quay trở lại nước Mỹ”.

Sáng thứ sáu vừa qua, ông Trump viết trên Twitter: “Hãy làm các sản phẩm của bạn trên đất Mỹ, sẽ không có thuế quan!”

Nhưng trên thực tế, nhiều chủ doanh nghiệp Mỹ nói rằng các nhà máy trong nước không thể đáp ứng nhu cầu sản xuất của họ. Thay vào đó, họ phải xem xét chuyển một phần chuỗi cung ứng của mình đến các nhà máy bên ngoài Trung Quốc.

Tiếp theo sẽ là chuyện gì?

Mối đe dọa leo thang thuế quan không có gì mới mẻ. Tổng thống Trump lần đầu tìm cách thực hiện điều này vào ngày 1/1 nếu các cuộc thương thuyết không tiến triển, và sau đó ông đẩy thời hạn chót đến ngày 1/3. Khi quá thời hạn này, dường như căng thẳng thương mại đã giảm bớt và các doanh nghiệp điều chỉnh theo mức bình thường mới.

Vòng thảo luận thương mại Mỹ-Trung khép lại hôm 10/5 mà không đạt được thỏa thuận mới, khiến cho tương lai cuộc chiến thuế quan Mỹ-Trung thêm mờ mịt.

Ngay sau động thái của Washington, Bắc Kinh cam kết thực hiện "các biện pháp đối phó cần thiết" đối với việc tăng thuế quan có hiệu lực trong đêm, nhưng không đưa ra thông tin cụ thể về cách họ sẽ đáp trả thế nào. Trung Quốc đã áp thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ để đáp trả thuế quan trước đây của ông Trump và ngừng mua đậu nành Mỹ trong khoảng 6 tháng.

Nhưng ông Trump đã bỏ ngỏ một mối đe dọa khác là tăng thuế đối với số hàng hóa Trung Quốc còn lại mà ông chưa đánh thuế. Động thái tiếp theo sẽ đánh vào hầu hết các thiết bị điện tử tiêu dùng, đồ chơi và giày đến từ Trung Quốc, nhưng trước khi ban hành thuế quan mới, sẽ cần một quy trình đánh giá chính thức quy mô liên bang.

Hoàng Diệu (Theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI