Trump bình thản trước quan ngại của đồng minh khi Triều Tiên phóng tên lửa

28/07/2019 - 15:30

PNO - Khi được hỏi liệu có lo lắng gì trước vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng: “Không, không hề...". Trong khi đó, Hàn Quốc và Nhật Bản tỏ ra lo lắng...

Phát ngôn về hành động phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn loại mới vào ngày 25/7 vừa qua, Bình Nhưỡng cho biết đó là lời cảnh báo đối với “những ai” ủng hộ kế hoạch của Seoul triển khai F-35, loại chiến đấu cơ tàng hình mới nhất của Mỹ và cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ dự định tiến hành trong tháng 8 tới.

Khi được hỏi liệu có lo lắng gì trước vụ phóng tên lửa, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng: “Không, không hề. Chúng tôi đã xem những gì xảy ra. Đó là các tên lửa tầm ngắn mà nhiều nước cũng đang sở hữu”. Ông nhắc lại rằng mình đang có mối quan hệ rất tốt với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Thách thức an ninh mới đối với Hàn Quốc và khu vực

Theo ông Trump, Triều Tiên không nói vụ phóng tên lửa là một lời cảnh báo đối với Hoa Kỳ. “Tôi nghĩ rằng chúng tôi đang làm rất tốt vấn đề Bắc Triều Tiên”. Trump muốn nhấn mạnh rằng vụ việc không gây ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ được ông mô tả tốt đẹp với ông Kim.

Có vẻ như Tổng thống Mỹ đang cố gắng kêu gọi Triều Tiên tham gia vào đàm phán phi hạt nhân hóa cấp chuyên viên, thể theo đồng thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ ba diễn ra hồi tháng trước. Đây cũng là lần đầu tiên Triều Tiên phóng tên lửa kể từ khi lãnh đạo hai nước gặp nhau và đồng ý khôi phục các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bị đình trệ kể từ cuộc gặp thượng đỉnh thất bại ở Hà Nội vào tháng 2/2019.

Trump binh than truoc quan ngai cua dong minh khi Trieu Tien phong ten lua
Các vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên từ lâu bị cấm bởi các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc nhưng Bình Nhưỡng bác bỏ vì cho rằng mình có quyền tự vệ. Ảnh: KCNA

Tuy nhiên, tình hình không mấy sáng sủa nếu nhìn thấy các quan ngại từ phía Hàn Quốc lẫn Nhật Bản cũng như thái độ cứng rắn của Bình Nhưỡng khi thử loại vũ khí “dẫn đường chiến thuật mới” từ gần thị trấn ven biển phía đông Wonsan.

Theo Thông tấn xã Hàn Quốc, tên lửa đạn đạo tầm ngắn thế hệ mới của Triều Tiên đã thể hiện sự tăng cường đáng kể sức mạnh của nước này cho việc tiến hành các cuộc tấn công chiến lược chống lại Hàn Quốc và thậm chí cả Nhật Bản. Điều này đặt ra thách thức an ninh mới đối với Seoul và hơn thế nữa, cho cả khu vực.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết 2 tên lửa mà Bắc Triều Tiên phóng đi hôm thứ Năm cho thấy một quỹ đạo phức tạp, bay xa hơn 600km ở cao độ cực đại 50km. Loại tên lửa đạn đạo mới mang nhiều nét tương đồng với Iskander của Nga. Các chuyên gia cho rằng đây là phiên bản cuối cùng gần như hoàn chỉnh của KN-23, mật danh do tình báo Hàn Quốc và Mỹ đặt cho loại tên lửa mà Triều Tiên thử nghiệm lần đầu tiên tại cuộc duyệt binh tháng 2/2018.

Giáo sư Kim Dong-yup (Đại học Kyungnam) cho rằng các tên lửa nhiên liệu rắn có thể bay khoảng 500km, điều này đặt toàn bộ Bán đảo Triều Tiên trong phạm vi của nó. “Bình Nhưỡng dường như thiết kế tên lửa với tầm bay tối đa khoảng 700km và tầm bắn có thể được điều chỉnh theo trọng lượng của đầu đạn. Nếu được bắn từ Wonsan, tên lửa mới có thể tiếp cận các khu vực Nhật Bản như Fukuoka và Hiroshima”, ông nói.

Triều Tiên từng được cho là có các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn Scud-B/C/ER với tầm bắn ước tính 700km. Về đạn đạo tầm trung, họ có tên lửa Pukguksong-2 và Nodong, cả hai đều có thể bay xa hơn khoảng 1.000 km. Ngoài ra, ba loại tên lửa đạn đạo liên lục địa, gồm Hwasong-13, Hwasong-14 và Hwasong-15, có khả năng vươn tới hầu hết lục địa Hoa Kỳ.

Thế nhưng, điều gây lo ngại đối với loại vũ khí mới đây chính là nó bay thấp như Iskander nên có thể tận dụng tốt các đặc điểm địa lý và quỹ đạo phẳng khi không vượt quá độ cao 50km, đồng nghĩa có thể vô hiệu hóa các hệ thống phòng thủ chống tên lửa tiên tiến.

“Iskander có khả năng thay đổi đường bay trên toàn bộ quỹ đạo của nó, biến nó thành phương tiện chiến thuật rất hiệu quả. Iskander bay theo chiều ngang, sau đó lao tới tấn công mục tiêu ở góc rơi gần 90 độ, nhằm tránh bị đánh chặn. Và những tính năng như vậy sẽ không bị các hệ thống radar của Hàn Quốc bao phủ”, chuyên gia tên lửa Đại học Hàng không vũ trụ Hàn Quốc Chang Young-keun cho hay.

Theo Bộ Quốc phòng, hiện tại quân đội Hàn Quốc vận hành các hệ thống tên lửa Patriot và các tên lửa đất đối không tầm trung, hay M-SAM để chống lại các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Hoãn đàm phán Mỹ-Triều đến tháng sau

Bộ Phòng vệ Nhật Bản cũng thừa nhận tên lửa mới có thể bay tới Nhật Bản và khó bị đánh chặn. Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Suga Yoshihide cho biết ngoại trưởng Nhật Bản đã tiến hành điện đàm với người đồng cấp phía Mỹ và Hàn Quốc, đồng thời, các bộ và cơ quan chính phủ đang nỗ lực hết sức để thu thập, phân tích thông tin về vụ việc.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên KCNA loan tin nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã thị sát vụ phóng loại vũ khí dẫn đường chiến thuật mới và tỏ vẻ hài lòng khi loại tên lửa này có khả năng bay ở độ cao thấp và khó bị đánh chặn.

Trump binh than truoc quan ngai cua dong minh khi Trieu Tien phong ten lua
Kim Jong Un theo dõi vụ bắn thử hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn ngày 25/7. Ảnh: KCNA

Giải thích với các quan chức hàng đầu khoa học quốc phòng về tình hình “khó chịu” ở phía nam Bán đảo Triều Tiên, ông Kim tỏ ra cứng rắn khi nói rằng vũ khí tấn công của Bình Nhưỡng chứng minh cho lực lượng hiếu chiến của quân đội Hàn Quốc thấy sự tuyệt vọng thế nào với thứ vũ khí và thiết bị cực kỳ hiện đại của mình. Ông Kim nhấn mạnh đây là công việc ưu tiên hàng đầu, là hoạt động bắt buộc để an ninh của đất nước phát triển ổn định.

Theo ông Kim, Seoul thể hiện hành vi “hai mặt” kỳ lạ khi “bắt tay hòa bình”, tuyên bố thỏa thuận chung trước nhân dân thế giới, nhưng đằng sau, lại ra sức trang bị vũ khí tấn công tối tân và duy trì tập trận chung với Mỹ. “Chúng ta không thể ngừng phát triển các hệ thống vũ khí siêu mạnh nhằm loại bỏ các mối đe dọa tiềm tàng và trực tiếp đối với an ninh của đất nước luôn tồn tại ở miền nam”, Kim nói.

Trái với sự bình thản của tổng thống, ngay khi vụ phóng tên lửa được báo cáo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Morgan Ortagus đã lên tiếng kêu gọi Bắc Triều Tiên dừng các hành động khiêu khích và nối lại đàm phán với Washington.

Bà Ortagus nói Mỹ muốn Bắc Triều Tiên thông qua con đường ngoại giao giải quyết những vấn đề mà Tổng thống Donald Trump đã thảo luận cùng nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Tất cả các bên cần tuân thủ nghĩa vụ của mình được quy định trong các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Bà nhấn mạnh chính quyền của Tổng thống Trump dự kiến tiếp tục đàm phán với Bắc Triều Tiên và kêu gọi nước này đàm phán cấp chuyên viên.

Trump binh than truoc quan ngai cua dong minh khi Trieu Tien phong ten lua
Bộ Phòng vệ Nhật Bản cho biết hai tên lửa của Bắc Triều Tiên có đường bay “bất thường” so với tên lửa đạn đạo thông thường. Ảnh: NHK

Trả lời hãng tin Fox News liên quan đến các vụ thử tên lửa của Triều Tiên, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo khẳng định các cuộc đàm phán mới vẫn có thể diễn ra nhưng các cuộc hội đàm cấp chuyên viên giữa Mỹ và Bắc Hàn có thể sẽ hoãn đến tháng sau hoặc lâu hơn. Trước đó, khi đề cập đến hội đàm về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên với hãng truyền thông Bloomberg, ông Pompeo cho hay hội đàm dự kiến diễn ra trong tháng này.

Bình luận ngay trong ngày Bắc Triều Tiên phóng tên lửa, Ngoại trưởng Mỹ nói: “Ai cũng đang nỗ lực chuẩn bị cho đàm phán và cố tạo lợi thế cho mình. Vụ phóng tên lửa có thể là một chiến thuật đàm phán của họ”.

Trong khi các quan chức cấp cao Hoa Kỳ tỏ ra nhẹ nhàng, các đồng minh của họ không khỏi nhấp nhổm. Hệt như cái nhìn của Lực lượng liên quân Hoa Kỳ - Hàn Quốc (USFK): nếu Kim Jong Un ra lệnh phá dỡ một địa điểm thử tên lửa cũng như phá hủy cơ sở thử nghiệm hạt nhân tại Punggye-ri, thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn tiến tới mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa cho cả khu vực.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI