Cùng lên tiếng là cách chúng ta chống bạo lực gia đình

26/03/2022 - 09:08

PNO - Sáng 26/3, Báo Phụ Nữ TPHCM phối hợp cùng Công ty TNHH Kao Việt Nam và Hội LHPN Q. Bình Tân tổ chức buổi truyền thông chuyên đề “Bạo lực gia đình: Đừng im lặng!” cho đối tượng nữ công nhân, lao động trên địa bàn Q. Bình Tân.

 

Buổi truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình cho nữ công nhân
Ban tổ chức chương trình tặng hoa cho các chuyên gia tư vấn tâm lý, pháp lý - Ảnh: Phùng Huy
Ban tổ chức chương trình tặng hoa cho các chuyên gia tư vấn tâm lý, pháp lý - Ảnh: Phùng Huy

Sự kiện diễn ra tại Hội trường UBND Q. Bình Tân. Tham dự chương trình có bà Tạ Thị Nam Hồng - Phó tổng biên tập Báo Phụ Nữ TPHCM, bà Nguyễn Thị Thanh Giang - Quản lý đào tạo, hành chính Công ty TNHH Kao Việt Nam, bà Huỳnh Đặng Hà Tuyên - Chủ tịch Hội LHPN Q. Bình Tân, thạc sĩ Lê Thị Thanh Nhã - nguyên Phó trưởng phòng Gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng chi hội Luật sư Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM, luật sư Nguyễn Sơn Lâm - Phó chi hội trưởng chi hội Luật sư Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM và hơn 200 dì, chị là những công nhân, lao động trên địa bàn Q. Bình Tân.

Bà Tạ Thị Nam Hồng - Phó tổng biên tập Báo Phụ Nữ TPHCM phát biểu khai mạc chương trình - Ảnh: Tam Nguyên
Bà Tạ Thị Nam Hồng - Phó tổng biên tập Báo Phụ Nữ TPHCM phát biểu khai mạc chương trình - Ảnh: Tam Nguyên

Phát biểu tại chương trình, bà Tạ Thị Nam Hồng - Phó tổng biên tập Báo Phụ Nữ TPHCM cho biết, tiền thân là cơ quan ngôn luận của Hội LHPN TPHCM, với tôn chỉ, mục đích là tuyên truyền những chính sách của thành phố, thực hiện nhiệm vụ nâng cao kiến thức cho phụ nữ, đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em, trong suốt quá trình hình thành cho đến nay, Báo Phụ Nữ luôn trung thành với tôn chỉ này. Báo luôn nỗ lực trong mọi khả năng của mình để đảm bảo quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em được thực hiện.

“Hôm nay, đến với chương trình, chúng tôi mong các chị em có cơ hội giãi bày, chia sẻ những tâm sự mà bản thân, gia đình đã trải qua. Hãy lắng nghe các chuyên gia và cùng họ mổ xẻ để qua đó nâng cao kiến thức về tâm lý, pháp luật để tự bảo vệ chính mình và gia đình mình”, bà Tạ Thị Nam Hồng gửi gắm.

Bàn tư vấn riêng dành cho nữ công nhân - Ảnh: Tam Nguyên
Bàn tư vấn riêng dành cho nữ công nhân - Ảnh: Tam Nguyên

Là khách mời của chương trình, thạc sĩ Lê Thị Thanh Nhã - nguyên Phó trưởng phòng Gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM đã mở rộng không gian của câu chuyện bạo lực gia đình ra câu chuyện bạo lực trên cơ sở giới, mà ở đó, đối tượng bị bạo lực không chỉ là phụ nữ và trẻ em gái, còn là những đối tượng yếm thế trong xã hội. Bạo lực gia đình không chỉ xảy ra ở riêng một độ tuổi nào, mà có thể xảy ra trong suốt cuộc đời một con người, từ khi chưa được sinh ra (dưới hình thức phá thai lực chọn giới tính) cho đến khi chết.

“Bạo lực giới cũng có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, mọi bối cảnh, trong gia đình, tại nơi làm việc hoặc nơi công cộng hay trong xã hội. Bạo lực giới có thể gây ra từ những người bạn, các thành viên trong gia đình, người quen, người xa lạ, đồng nghiệp, người có quyền lực cũng như từ cộng đồng hay cơ quan nhà nước với nhiều hình thức, từ bạo lực thể chất, tinh thần, bạo lực kinh tế, bạo lực tình dục… gây ra những tổn thương dài lâu về thể chất và tinh thần không thoát ra được đối với người bị bạo lực, dẫn đến tan vỡ gia đình. Những đứa trẻ là nạn nhân của bạo lực có xu hướng trở thành người có hành vi bạo lực trong tương lai, ảnh hưởng xấu đến văn hóa cộng đồng”, bà Lê Thị Thanh Nhã nói.

Theo Th.S Nhã, nguyên nhân cơ bản của bạo lực giới là bất bình đẳng giới, cùng với thái độ và tư tưởng cho rằng phụ nữ có thân phận thấp kém so với nam giới, thiếu tôn trọng quyền của phụ nữ và tư tưởng luôn muốn kiểm soát cuộc sống của họ.

Từ câu chuyện bạo lực, Th.S Lê Thị Thanh Nhã đã nói về những quyền được bảo vệ của phụ nữ và trẻ em, cũng như giới thiệu cách để họ lên tiếng, xử lý khi bị bạo lực hoặc phát hiện bạo lực ngay từ mỗi gia đình, mỗi thành viên gia đình: “Đừng im lặng! Một người lên tiếng, hai người lên tiếng sẽ khiến câu chuyện được lan tỏa đến nhiều người. Đó là cách chúng ta góp phần đấu tranh phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới”, Thông qua buổi chia sẻ, bà đã cung cấp và hy vọng lan tỏa hệ thống thông tin các số điện thoại đường dây nóng phòng, chống bạo lực gia đình đến với chị em. Ngoài số điện thoại đường dây nóng của chính quyền địa phương, một số đường dây nóng tiếp nhận ca bạo lực gia đình tại TPHCM gồm:

- 111 (Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em)

- 18009069 phối hợp Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM và Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM (số 8 Ngô Thời Nhiệm - 32 Trần Quốc Thảo, Q.3, TP.HCM)

- 113 (Công an TPHCM)

- 1900545559 (Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên TPHCM)

- 1900636700 (nhóm Hành động công tác xã hội Việt Nam)

- Địa chỉ hỗ trợ tư vấn tâm lý miễn phí cho nạn nhân và người gây bạo lực: Văn phòng tham vấn tâm lý trị liệu Ladies of Việt Nam (666/46/29 đường 3/2, P.14, Q.10, TP.HCM. ĐT: 08 99 34 44 78)

- Đường dây khẩn Báo Phụ nữ: 0913 159315 - Báo Phụ nữ 311 Điện Biên Phủ, P.4, Quận 3, TP.HCM.

Bên cạnh chuyên đề bạo lực gia đình, bàn tư vấn pháp lý miễn phí theo nhu cầu cho các chị em đã hoạt động sôi nổi bên ngoài hội trường. Hai luật sư dày dặn kinh nghiệm trong bảo vệ phụ nữ, trẻ em là Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội Trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM và Luật sư Nguyễn Sơn Lâm - Chi hội Phó Chi hội luật sư Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM đã trực trong suốt chương trình, trợ giúp, tư vấn chị em các vấn đề về bạo lực, ly hôn, chia tài sản... với mong muốn tháo gỡ những vướng mắc, bức xúc cá nhân liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em.

"Chúng tôi đã vào các khu dân cư, nhà trọ vào những buổi tối để tuyên truyền, mong các chị có khát vọng vươn lên, tự đấu tranh giữ lấy quyền của mình. Qua bao nhiêu vụ bạo hành, chúng tôi luôn kêu gọi chị em không được im lặng vì im lặng là tội ác. Bạo lực gia đình sẽ ảnh hưởng đến những đứa trẻ, lứa tuổi vị thành niên gây ra nhiều sang chấn tâm lý. Tôi khuyên những người phụ nữ phải mạnh dạn tố cáo, để chấm dứt bạo lực gia đình. Làm điều đó, các chị không chỉ bảo vệ mình mà còn giữ cho tương lai của chính con mình".

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ

Thu Lê - Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI