Trực thăng “sos” : Có tiền cũng không dễ thuê

18/05/2013 - 11:56

PNO - PN - Với những ưu điểm như nhanh chóng, tiện dụng với các địa hình, cấp cứu bằng trực thăng là phương án đã được nhiều nước phát triển trên thế giới sử dụng để cứu hộ, cứu nạn và vận chuyển bệnh nhân cấp cứu. Tại...

Một giờ bay 160 triệu đồng

Câu chuyện thuê trực thăng chở người đi cấp cứu gần đây đang được dư luận quan tâm, nhất là sau vụ ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ bị đột quỵ, được trực thăng đưa về TP.HCM cứu chữa. Nhờ sự cấp cứu kịp thời, sau thời gian điều trị tại BV Chợ Rẫy, bệnh nhân này đã qua cơn nguy kịch và có dấu hiệu hồi phục. Tiếp đó là việc Liên doanh dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro) thuê trực thăng ra giàn khoan Tam Đảo 2 ngoài khơi biển Bà Rịa - Vũng Tàu để chở năm ngư dân đang trong tình trạng hôn mê trên giàn khoan về BV Lê Lợi (Vũng Tàu) cấp cứu. Đến nay, sức khỏe năm ngư dân này đã tạm ổn. Trước đó, cô giáo Trần Thị Thảo (37 tuổi, trú tại xã Thạch Đồng, TP. Hà Tĩnh) bị xe tải đâm, dập nát hoàn toàn chân phải cũng được người thân thuê trực thăng cấp cứu. Tương tự, một kỹ sư người Nhật leo núi tại Sơn La bị tai nạn gãy xương cổ, nhờ có trực thăng cấp cứu mà được cứu chữa kịp thời. Rõ ràng dịch vụ cấp cứu bằng trực thăng rất hữu ích nhưng vì sao ở nước ta vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc dùng máy bay trực thăng làm du lịch, cấp cứu đã ra đời nhiều năm nhưng vẫn chưa thực sự phổ biến vì chi phí còn quá cao so với thu nhập người dân (giá thuê máy bay trực thăng là 8.000 USD/1 giờ bay, hơn 160 triệu đồng). Tuy nhiên, theo một cán bộ Công ty trực thăng Việt Nam thì có tiền chưa hẳn đã thuê được, do thủ tục cấp phép đường bay, cất cánh, hạ cánh phải tuân thủ các quy định, thường thì muốn duyệt xong hồ sơ phải mất... hai ngày (ngoại trừ những trường hợp đặc biệt). Ngoài ra, cơ sở hạ tầng hiện nay cũng chưa đáp ứng, hầu hết các BV đều chưa có bãi đáp hoặc bãi đáp không phù hợp. Như việc vận chuyển ông Nguyễn Thanh Sơn về TP.HCM, do sân bay trực thăng của BV Chợ Rẫy lâu ngày không sử dụng nên trực thăng không thể hạ cánh được, phải hạ cánh ở một điểm khác rồi dùng ô tô chuyển tới BV.

Truc thang “sos” : Co tien cung khong de thue

Rất ít bệnh nhân được cấp cứu bằng trực thăng

Cần có quy hoạch để phát triển trực thăng cấp cứu

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Phó Giám đốc BV đa khoa Sài Gòn cho biết, cấp cứu có vai trò hết sức quan trọng, góp phần giúp bệnh nhân vượt qua cơn hiểm nghèo, thoát khỏi nguy cơ tử vong. Việc phát triển mạng lưới hệ thống cấp cứu phụ thuộc vào điều kiện phát triển của xã hội. Trên thế giới hiện nay, hệ thống cấp cứu tại nhiều nước phát triển rất đa dạng, từ đường bộ cho đến đường không và đường thủy. Ở Việt Nam, ngoài hoạt động cấp cứu bằng đường bộ, hoạt động cấp cứu bằng đường không và đường thủy còn mang tính nhỏ lẻ, có thể do chi phí còn cao và có những quy định phức tạp, nhất là việc quản lý bay còn nghiêm ngặt, cơ sở vật chất hạ tầng chưa đồng bộ… Dù sao thì cũng đã đến lúc chúng ta cần có những quy hoạch cần thiết để phát triển hoạt động này.

Giá thuê trực thăng ở Việt Nam tuy còn khá cao nhưng so với đời sống kinh tế - xã hội đang phát triển, vẫn có một bộ phận người dân có thể chấp nhận được. Bên cạnh đó, cấp cứu đường không còn rất quan trọng trong những trường hợp thảm họa như bão lụt, động đất, cháy, nổ... Do đó, việc nghiên cứu phát triển hoạt động cấp cứu đường không là rất cần thiết.

Để cấp cứu bằng đường không phổ biến hơn, bên cạnh chủ trương của ngành y tế cần có sự phối hợp của các ban ngành khác. “Cần có những chính sách hỗ trợ về kinh tế, cơ sở vật chất, quy chế quản lý bay… Thiết nghĩ, không chỉ ở các BV mà ở các nhà hàng, khách sạn cao tầng tại trung tâm TP cũng cần có bãi đáp trực thăng để có thể cấp cứu kịp thời khi xảy ra sự cố,... tránh trường hợp như vụ cháy ITC trước đây”, bác sĩ Phan Văn Nghiệm nói.

 Hoài Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI