Trục lợi máu của tình nguyện viên không ai hay biết thì lạ quá

08/06/2022 - 13:17

PNO - Dù có máu “nghĩa hiệp”, “thi ân bất cầu báo”, nhưng chúng ta phải cảnh giác, không để ai giả danh làm từ thiện, chiếm đoạt tiền bạc và cả máu của mình.

Ngày mẹ tôi còn sống cứ một hai tháng là phải vào bệnh viện tiếp máu. Những bịch máu bệnh viện truyền cho được lấy từ trái tim nhân hậu của những ai, gia đình tôi không thể biết, nhưng đã duy trì sự sống cho mẹ tôi nhiều năm liền. Biết rõ ý nghĩa của những giọt máu được hiến tặng, nhiều năm tôi tham gia hiến máu tình nguyện mỗi khi Đoàn Thanh niên của công ty phát động.

Rất nhiều người sẵn sàng hiến máu nhân đạo mà không ca
Rất nhiều người sẵn sàng hiến máu nhân đạo nên kẻ xấu lợi dụng để trục lợi (ảnh minh họa)

Mặc dù xác định là bất vụ lợi, chủ yếu là việc thiện nguyện, nhưng mỗi lần hiến máu tôi đều nhận được quà và tiền, kèm theo là giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện. Có lần tôi hỏi các anh chị em tổ chức lấy máu sao phải tặng quà, khi đến đây mọi người đã xác định cho máu rồi mà? Họ vui vẻ trả lời đó là chế độ quy định. “Anh đến cho máu là tụi em mừng rồi. Cám ơn anh. Xin nhận quà đừng ngại”. Vì vậy đọc tin vụ “hút máu… tình nguyện viên” xảy ra ở Viện Tim TPHCM (gọi tắt là Viện Tim) tôi rất ngạc nhiên.

Tuy nhiên, đã có lúc mẹ tôi đã có những lúc phải chờ vài ba ngày ở bệnh viện mới có máu để truyền, nên tôi biết không phải bệnh viện lúc nào cũng có sẵn máu để đáp ứng mọi nhu cầu. Vì vậy Viện Tim mới phải yêu cầu gia đình bệnh nhân mổ tim phải góp vào ngân hàng máu 2 đơn vị máu để chủ động nguồn máu.

Ông H.T.A có thể ngang nhiên nhận máu của tình nguyện viên mà lấy tiền từ những gia đình cần máu, rõ ràng có sự chủ quan thiếu kiểm tra của bệnh viện. Ông ta không phải là nhân viên của Viện Tim nhưng có lẽ do hoạt động từ thiện giúp đỡ gia đình bệnh nhân nhiều năm nên biết rõ cơ chế vận hành của viện, quen biết nhiều nhân viên và nhiều nhân viên cũng nhận ra ông.

Mặt nào đó ông ta cũng có giúp đỡ cho bệnh nhân cũng như hỗ trợ nhân viên bệnh viện. Thí dụ như hướng dẫn người nhà thực hiện các thủ tục cần thiết trong quá trình khám, nhập viện, xét nghiệm… Từ đó, ông H.T.A. đã lập lờ giữa việc giúp đỡ gia đình bệnh nhân và lợi dụng để lấy tiền máu từ người nhà của bệnh nhi. Tôi không tin không có ai từ lãnh đạo đến nhân viên của Viện Tim biết chuyện làm của ông H.T.A.

Vì nếu họ không biết thì làm sao gia đình bệnh nhân biết để liên lạc với ông ta. Nhưng có lẽ không nạn nhân nào tố cáo, không ai kiểm tra, giám sát, thu thập chứng cứ nên ông ta mới có thể làm bậy trong thời gian dài.

Cũng đáng tiếc là không ai trong số tình nguyện viên quay lại Viện Tim để tiếp xúc với gia đình mình đã giúp đỡ. Nếu có chắc đã phát hiện ra máu mình đã được bán như thế nào, không đợi cho đến khi phóng viên điều tra mọi người mới biết.

Tin mới nhận được là Sở Y tế TPHCM đã có buổi làm việc với Viện Tim nhằm thống nhất quy trình phối hợp cung ứng máu. Nhiều nạn nhân sau khi biết chuyện cũng sẵn sàng đứng ra tố cáo ông H.T.A. Các cơ quan chức năng chắc chắn sẽ vào cuộc để xử lý thích đáng kẻ xấu.

Nhưng từ sự việc trên làm người ta nhớ lại những chuyện chăn dắt các cụ già, các em bé, đi ăn xin ngoài đường phố, chuyện làm từ thiện của các nhân vật nổi tiếng không rõ ràng, để bà N.P.H làm “loạn” trên mạng xã hội. Từ đó nhắc nhở chúng ta dù có máu “nghĩa hiệp” để “thi ân bất cầu báo”, nhưng phải cảnh giác không được để ai giả danh làm từ thiện, chiếm đoạt tiền bạc, mồ hôi và cả máu của mình.

Bài học từ chuyện xảy ra ở Viện Tim cũng nhắc nhở cho mọi bệnh viện. Trong quá trình hoạt động của mình nên chăng thường xuyên tổ chức rà soát đánh giá thực tiễn mọi mặt hoạt động khám chữa bệnh diễn ra hàng ngày. Từ đó mới có thể phát hiện những sơ hở để chấn chỉnh kịp thời tránh xảy ra những hậu quả nghiêm trọng rất đáng tiếc.

Nguyễn Huỳnh Đạt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI