“Trữ lượng lớn” của hội họa miền Nam ngày càng hấp dẫn

15/10/2020 - 07:15

PNO - Việt Nam đã manh nha hình thành thị trường nghệ thuật nội địa, thế hệ sưu tập thứ năm (định hình chủ yếu trong thế kỷ XXI) ngày càng đông hơn, giàu hơn, tự chủ hơn.

Việc tác phẩm Jeunes filles au jardin (Thiếu nữ trong vườn, sơn mài, 120cm x 135cm, 1982) của Nguyễn Siên (1916 - 2014) vừa được nhà đấu giá Aguttes (Pháp) bán 207.760 eur, trong khi mức giá ước định chỉ từ 4.000 - 6.000 eur, khiến nhiều người bất ngờ. Vì lâu nay tranh Việt trên thị trường quốc tế thường bị “đồng nghĩa” là tranh của các họa sĩ Đông Dương sống chủ yếu ở miền Bắc và Pháp.

Sự đồng nghĩa ấy đến từ nhiều lý do. Đầu tiên, là một thực tế lịch sử, so với người Mỹ, thì người Pháp và cả châu Âu “khoái” hội họa Việt Nam hơn, nên từ sớm đã sưu tập, mua đi bán lại. Ngay từ các phiên đấu xảo đầu tiên (Exposition 1902) tại Hà Nội và Paris đầu thập niên 1930, mỹ thuật Việt Nam đã hiện diện khá thường xuyên, tạo được dấu ấn. Thứ hai, tuy Nam - Bắc một nhà, nhưng trong quá khứ, hoàn cảnh có đôi chút khác nhau đã làm cho diện mạo mỹ thuật có nhiều nét khác biệt, tùy từng thời điểm.

Tác phẩm Thiếu nữ trong vườn của Nguyễn Siên vừa gây ngạc nhiên về giá bán
Tác phẩm Thiếu nữ trong vườn của Nguyễn Siên vừa gây ngạc nhiên về giá bán

Thứ ba, là điểm quan trọng nhất, so với Sài Gòn thì Hà Nội có truyền thống sưu tập lâu hơn, đông người hơn, vì thế, tranh của các họa sĩ trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương - những người vốn ở gần hơn, theo nghĩa rộng của từ này - được yêu thích trước, được yêu thích hơn, cũng là bình thường.

Câu nói “Miền Nam đi trước về sau” không chỉ đúng ở khía cạnh kháng chiến, mà còn đúng ở nhiều lĩnh vực khác, trong đó có mỹ thuật. Trong một tổng kết về mỹ thuật miền Nam giai đoạn 1954-1975, nhà nghiên cứu mỹ thuật Huỳnh Hữu Ủy nhận định: “Những trường phái nghệ thuật lớn với ngôn ngữ mới mẻ nhất như một tiếng gọi mãnh liệt đối với tuổi trẻ. Nhãn quan truyền thống cần phải được thay thế bằng một cách nhìn khác để có thể thích ứng với thế giới mới, một thế giới đã đổi thay rất nhiều vì nền khoa học hiện đại với những phát minh tối tân đã tràn ngập khắp nơi. Những bậc thầy của hội họa thế giới đã đến với giới trẻ làm nghệ thuật Việt Nam thời bấy giờ như Gauguin, Matisse, Van Gogh, Picasso, Miro, Chagall, Mondrian, Modigliani, Dufy, Kandinsky, Klee, Braque... Thế giới màu sắc và đường nét nở rộ tưng bừng trong nhiều bút pháp. Hai đường lối gây nhiều ảnh hưởng lớn nhất trong thời kỳ này là Modigliani và Paul Klee dù rằng rất khác biệt nhau nhưng lại chính là hai điểm nối kết lớn của nền hội họa mới”.

Lâu nay trên thị trường, với họa giới và dân nhà nghề thì không nói làm gì, nhưng với người bên ngoài, điểm danh các tên tuổi của miền Nam (vào nghề từ trước năm 1975) đâu có dễ dàng. Thậm chí, hỏi các sinh viên mỹ thuật, các phóng viên văn hóa - văn nghệ bình thường về những cái tên như Thái Tuấn, Duy Thanh, Ngọc Dũng, Nguyễn Văn Rô, Nguyễn Anh, Nguyễn Thương, Lê Văn Bình, Tố Phượng, Tố Oanh, Trương Thị Thịnh, Nguyễn Trí Minh... đâu phải mấy người biết. Nhưng không lấy đây làm quá buồn, vì sự không biết của họ đến từ những lý do mà họ không tự quyết định được.

Với dân chơi tranh bình thường, những tên tuổi nổi danh của hội họa miền Nam sẽ là Lê Văn Đệ, Tạ Tỵ, Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Lâm, Đỗ Quang Em, Đinh Cường, Trịnh Cung... Chứ kể đến Nghiêu Đề, Nguyên Khai, Thuận Hồ, Hồ Thành Đức, Nguyễn Siên, Văn Đen, Nguyễn Phước, Nguyễn Đồng, Nguyễn Thị Hợp... là bắt đầu... rối. 

Trong khi đó, mỹ thuật miền Nam còn nhiều tên tuổi thú vị khác, như Hiếu Đệ, Lưu Đình Khải, Nguyễn Sao, Ngy Cao Uyên, Lê Tài Điển, Cù Nguyễn, Mai Chửng, Dương Văn Hùng, Hoàng Ngọc Biên, Rừng, Vị Ý, Lê Ngọc Huệ, Vĩnh Phối, Tôn Thất Văn, Đỗ Mai Lan, Trương Đình Quế, Lê Thành Nhơn, Huy Tường, Nguyễn Thanh Thu, Đặng Hoài Nam, Nguyễn Quỳnh, Cao Bá Minh, Phạm Hoán, Lâm Triết, Trịnh Hữu Định, La Hon, Hồ Nguyễn, Nguyễn Trọng Khôi, Duy Liêm, Huỳnh Kim Ngọc, Trần Vạn Lộc, Nguyễn Hữu Nhật, Thái Lãng, Đỗ Trọng Nhơn, Đằng Giao, Bé Ký, Lê Triều Điển... Và còn nhiều hơn thế nữa.

Đây không phải là những cái tên kể để cho có số lượng, mà thực sự họ là những tác giả có cá tính và thành tựu sáng tạo riêng, dày dặn, chuyên nghiệp. Chắc chắn trong tương lai gần các tác phẩm của họ sẽ còn tiếp tục quay trở lại và gây ngạc nhiên giống như Văn Đen, Nguyễn Văn Rô, Nguyễn Siên, Trương Thị Thịnh, Nguyễn Trí Minh... trong thời gian qua.

“Có thể nói là một sự bùng nổ của nghệ thuật mới bắt đầu được khơi dậy. Và rồi thì, những trường phái nghệ thuật lớn đều trở thành nơi thử thách của các họa sĩ trẻ, từ lập thể, dã thú, biểu hiện, đến siêu thực, trừu tượng, vô hình dung, tân hiện thực. Phải kể đến những nghệ sĩ trẻ quy tụ chung quanh nhóm nghệ thuật tiền phong của Sài Gòn là Hội họa sĩ trẻ Việt Nam” - Huỳnh Hữu Ủy nhận định.

Vậy tại sao gần đầy hội họa miền Nam được lùng kiếm? Thứ nhất, thế hệ người Việt trẻ trưởng thành ở hải ngoại đã bắt đầu trả lời câu hỏi ta là ai bằng những hành động cụ thể hơn, trong đó có việc bảo tồn di sản văn hóa, giáo dục và sưu tập nghệ thuật. Thứ hai, những nhà sưu tập kỳ cựu của Việt Nam, đặc biệt ở Hà Nội, đã mở rộng bộ sưu tập của mình vào Gia Định và Huế, nên sau những Tạ Tỵ, Lê Văn Đệ, Tôn Thất Đào… giờ sẽ là những tên tuổi khác.

Quá trình lùng kiếm của họ cho thấy rằng số sinh viên miền Nam học Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương nhiều hơn ta tưởng lâu nay, ví dụ họa sĩ Ủ Văn An quê ở Gò Đen, tỉnh Long An, đâu phải ai cũng biết. Ông học khóa X (từ năm 1934 đến 1939), cùng với các họa sĩ Hầu Hinh (người Lào), Vương Hữu Dũng, Nguyễn Văn Quế, Nguyễn Văn Yến, Nguyễn Văn Mậu, Phạm Gia Giang… Thứ ba, cũng là quan trọng nhất, Việt Nam đã manh nha hình thành thị trường nghệ thuật nội địa, thế hệ sưu tập thứ năm (định hình chủ yếu trong thế kỷ XXI) ngày càng đông hơn, giàu hơn, tự chủ hơn. Chính họ muốn mở lối đi riêng so với đồng nghiệp sưu tập hiện thời và cả các thế hệ tiền bối, nên lùng kiếm nhiều tên tuổi tạm thời bị 
quên lãng.

Gần đây, tại sự kiện đình đám là Triển lãm tác phẩm của các họa sĩ đương đại hàng đầu trên thị trường mỹ thuật, với 18 tác giả, TP.HCM có bảy người, trong đó có các tên tuổi thành danh từ trước năm 1975 như Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ... Để thấy, "mỏ quặng" của hội họa miền Nam ngày càng phát lộ và ngày càng hấp dẫn trên thị trường. 

Lý Đợi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI