Trừ điểm giấy phép lái xe: Cần tránh gây phiền hà, tiêu cực

28/02/2024 - 06:03

PNO - Bộ Công an đang lấy ý kiến các cơ quan, hiệp hội về dự thảo báo cáo giải trình một số nội dung mới trong dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ. Trong dự thảo luật, Bộ Công an đề xuất áp dụng quy định về điểm và trừ điểm giấy phép lái xe.

Có trừ điểm lẫn phục hồi điểm

Theo Bộ Công an, mỗi năm, ngành công an cả nước xử lý hơn 3 triệu trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông. Điều này cho thấy ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn kém. Tai nạn giao thông tuy đã giảm nhưng còn ở mức cao, chủ yếu do người lái xe không chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ; việc quản lý người lái xe sau khi sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) đang bị buông lỏng; cơ quan chức năng chưa có các biện pháp quản lý phù hợp, nhất là quản lý việc chấp hành pháp luật của người lái xe.

Cũng theo Bộ Công an, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện hành quy định biện pháp tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng về trật tự, an toàn giao thông.

Thực tế, việc áp dụng quy định này đã tác động trực tiếp đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống hằng ngày của người dân nhưng hiệu quả quản lý đối với quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe vẫn chưa thực sự tốt.

Từ đó, bộ này cho rằng, cần thiết quy định về điểm và trừ điểm GPLX. Đây sẽ là một biện pháp quản lý nhà nước (không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính) nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

Quy định này sẽ góp phần quản lý người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cho đến khi tham gia giao thông, quá trình chấp hành pháp luật về giao thông, vi phạm và tái phạm.

Chính phủ sẽ ban hành quy định cụ thể về thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục trừ điểm, phục hồi điểm trên GPLX. Thủ tục trừ điểm, phục hồi điểm sẽ theo hướng đơn giản, hợp lý, tránh phiền hà cho người vi phạm thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu về sát hạch, cấp GPLX, xử phạt vi phạm hành chính.

Khi có quyết định xử phạt (đối với hành vi vi phạm có quy định trừ điểm), tài xế sẽ nhận được thông báo của cơ quan xử phạt về việc GPLX bị trừ điểm, hệ thống cơ sở dữ liệu sẽ tự động trừ điểm, tự động phục hồi điểm cho tài xế nếu không tái phạm sau 1 năm kể từ lần trừ điểm gần nhất.

Nhiều ý kiến cho rằng nếu áp dụng hình thức trừ điểm giấy phép lái xe với các lỗi vi phạm sẽ giúp tài xế ý thức hơn
Nhiều ý kiến cho rằng nếu áp dụng hình thức trừ điểm giấy phép lái xe với các lỗi vi phạm sẽ giúp tài xế ý thức hơn

Tài xế sẽ ý thức hơn

Nên quy định về điểm và trừ điểm GPLX hay không là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận trong kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV (kéo dài từ 23/10 - 29/11/2023) khi cho ý kiến đối với dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ.

Đại biểu Trần Thị Thu Phước (tỉnh Kon Tum) dẫn chứng nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng mà một phần nguyên nhân là do ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông chưa cao, từ đó ủng hộ việc trừ điểm GPLX. Theo bà, đây sẽ là biện pháp quản lý nhà nước tác động trực tiếp đến ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông. Tài xế sẽ bị trừ số điểm nhất định tùy vào hành vi vi phạm; nếu bị trừ nhiều lần đến hết điểm thì sẽ bị tước GPLX và buộc phải học và thi lại bằng lái.

Với quy định về điểm và trừ điểm GPLX, đồng thời công khai dữ liệu quản lý về điểm số, các nhà tuyển dụng có thể tham khảo dữ liệu khi tuyển dụng người làm công việc lái xe.

Đồng tình với đề xuất trừ điểm GPLX, đại biểu Quốc hội, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - kể, khi ông thi GPLX ở bang California (Mỹ), chính quyền địa phương áp dụng quy định tài xế vi phạm sẽ bị trừ điểm tùy theo mức độ phạm lỗi; GPLX bị trừ hết điểm sẽ bị thu hồi và phạt hành chính.

Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - nhận định, việc trừ điểm GPLX sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm của tài xế thông qua việc họ phải thường xuyên theo dõi thông tin trên cơ sở dữ liệu, luôn chú ý chấp hành pháp luật khi điều khiển xe trên đường để không bị trừ hết điểm.

Quan trọng hơn, quy định này sẽ giúp cơ quan quản lý giám sát, theo dõi, đánh giá được việc chấp hành pháp luật của tài xế; doanh nghiệp cũng có thể tham khảo khi ký hợp đồng lao động, giám sát việc tài xế chấp hành các quy định trong suốt quá trình làm việc.

Cần minh bạch, tránh phiền hà, tiêu cực

Là tài xế có nhiều năm kinh nghiệm, anh Hoàng Long (TP Hà Nội) đồng tình với đề xuất của Bộ Công an. Dưới góc độ của người lái xe, anh Long cho rằng, đề xuất này “có tình, có lý” bởi người vi phạm vẫn có thể tiếp tục lái xe thay vì bị tước GPLX và phải “nằm nhà” trong nhiều tháng như lâu nay. Việc quy định phải học và thi lấy bằng lái lại nếu bị trừ hết điểm sẽ khiến tài xế chấp hành quy định tốt hơn do không muốn mất thời gian, tiền bạc cho việc học và thi lại.

Tuy nhiên, anh Long cũng cho rằng, quy định về trừ điểm GPLX phải thực sự chặt chẽ, minh bạch, không gây phiền hà cho cá nhân, tổ chức. Các cơ quan có thẩm quyền cần quy định chi tiết số điểm trừ cho từng lỗi, lỗi nào mới bị trừ điểm, quy trình trừ điểm ra sao, liệu có xảy ra tình trạng tiêu cực, “chung chi” hay không.

Chị Phan Thu Phượng (TP Hà Nội) nhắc lại câu chuyện bấm lỗ GPLX từng được áp dụng cách đây nhiều năm nhưng sau đó bãi bỏ. Với quy định về điểm và trừ điểm GPLX, chị cho rằng cần xây dựng khung điểm rõ ràng, chặt chẽ, áp dụng triệt để công nghệ thông tin trong quá trình triển khai.

Trong khi đó, một số người cho rằng, các chế tài pháp luật đối với vi phạm giao thông hiện nay đã khá đầy đủ và chặt chẽ, vấn đề là áp dụng có nghiêm hay không. Nếu thấy chưa đủ tính răn đe, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu sửa đổi, tăng chế tài (mức phạt tiền, thời gian tước GPLX), từ đó nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. 

Các nước trừ điểm bằng lái xe ra sao?

Nhiều quốc gia từ lâu đã áp dụng hệ thống tính điểm phạt hoặc điểm trừ bằng lái. Ở Trung Quốc, người lái xe có 12 điểm mỗi năm, bắt đầu tính từ ngày 1/1. Hành vi vượt đèn đỏ bị trừ 6 điểm; vượt tốc độ trên 50% hoặc lái xe với biển số bị hỏng hoặc không rõ ràng bị trừ 12 điểm.

Theo quy định được ban hành vào năm 2013, hành vi lái xe khi đã uống rượu bị trừ 12 điểm. Nếu không còn điểm, GPLX sẽ bị tịch thu và tài xế phải trải qua khóa đào tạo 2 tuần ở một trung tâm đặc biệt, nộp phạt và thi lấy lại giấy phép.

Ở Singapore, điểm cải thiện trình độ lái xe (DIPS) là hệ thống tích lũy điểm trừ dành cho những người có GPLX hợp lệ. Tùy mức độ vi phạm, người được cấp giấy phép có thể tích lũy từ 3 đến 12 điểm phạt. Nếu vi phạm giao thông nghiêm trọng, tài xế có thể bị trừ hơn 12 điểm, có thể bị truy tố trước tòa và phải đối mặt với các hình phạt khắc nghiệt hơn như phạt tiền nặng hơn, phạt tù, tước GPLX.

Nhật Bản cũng áp dụng hệ thống tích lũy điểm trừ. Mọi người đều bắt đầu từ 0 điểm và mỗi hành vi vi phạm giao thông sẽ bị trừ một lượng điểm nhất định. Điểm có thể tồn tại trên GPLX trong 3 năm hoặc hơn tùy theo hoàn cảnh. Việc đình chỉ giấy phép có thể xảy ra tùy theo tình huống nhưng sẽ được lưu vĩnh viễn trong hồ sơ cá nhân.

Khi giấy phép được trả lại, giới hạn điểm tối thiểu để bị đình chỉ giấy phép lần nữa sẽ giảm xuống khiến việc bị đình chỉ giấy phép ngày càng dễ hơn. Việc đình chỉ giấy phép có thể được áp dụng khi GPLX có ít nhất 6 điểm trừ. Ở mức 15 điểm, giấy phép có thể bị thu hồi hoặc hủy bỏ.

Ở tất cả các bang của Úc, tài xế có GPLX đầy đủ, không hạn chế sẽ bị tước quyền lái xe sau khi “tích lũy” 12 điểm phạt trở lên trong 3 năm (riêng ở bang New South Wales là 13 điểm trong 3 năm và những người làm tài xế chuyên nghiệp sẽ được cho thêm 1 điểm trừ, thành 14 điểm). Thời gian đình chỉ GPLX là 3 tháng, cộng thêm 1 tháng cho mỗi 4 điểm vượt quá ngưỡng tích lũy.

Ngoài ra, hầu hết các tiểu bang của Úc quy định đình chỉ giấy phép ngay lập tức đối với một số trường hợp đặc biệt, bao gồm lái xe quá tốc độ, lái xe khi đã uống rượu, dùng các chất gây nghiện.

Tấn Vĩ (tổng hợp)

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI