"Trụ cột" Đức, Pháp lên tiếng, EU-Nga sẽ sớm thân tình

18/02/2016 - 15:28

PNO - Ông Viktor Orban nhấn mạnh, hiện có nhiều nước trong Liên minh châu Âu ủng hộ quan điểm này và nhận thấy sự cần thiết phải hợp tác với Nga.

EU-Nga sẽ sớm bình thường hóa

Quan hệ giữa Nga và phương Tây đã xuống mức thấp nhất kể từ sau chiến tranh Lạnh, khi Liên minh châu Âu (EU) đã cáo buộc nước này liên quan đến cuộc khủng hoảng chính trị tại miền Đông Ukraine, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế với Moscow.

Tuy nhiên, mới đây, phát biểu tại cuộc hộp báo chung sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Hungary Viktor Orban đang có chuyến thăm Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 17/2 cho biết quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) sẽ sớm trở lại bình thường.

Quan hệ Nga - EU sẽ sớm trở lại bình thường.

Ông Putin khẳng định: “Quả bóng hiện không nằm trong chân Nga. Nhưng chúng tôi bình tĩnh về tiến trình chính trị này, chúng tôi chắc chắn rằng tiến trình chính trị sẽ xảy ra sớm hay muộn. Quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu sẽ sớm được bình thường hóa”.

Đồng quan điểm với Tổng thống Nga, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tin tưởng Liên minh châu Âu sẽ không kéo dài các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga khi lệnh trừng phạt hết hiệu lực vào cuối tháng 6 tới.

Ông Viktor Orban nhấn mạnh, hiện có nhiều nước trong Liên minh châu Âu ủng hộ quan điểm này và nhận thấy sự cần thiết phải hợp tác với Nga.

Đức, Pháp muốn bỏ trừng phạt với Nga ngay lập tức

Dấu hiệu về khả năng sớm bình thường hóa quan hệ giữa Nga và EU đã có những biểu hiện từ trước đó. Thể hiện rõ nhất qua việc 2 quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn tại châu Âu như Đức và Pháp đã thể hiện quan điểm này.

Phát biểu tại một cuộc gặp với các nghị sỹ Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) hôm 16/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, bà muốn "sớm dỡ bỏ ngay hôm nay" các biện pháp trừng phạt áp đặt nhằm vào Nga. Song quyết định dỡ bỏ trừng phạt phải được thực hiện trên cơ sở thực tế, điều kiện vẫn chưa được đáp ứng tại các khu vực miền Đông Ukraine do lực lượng đòi độc lập kiểm soát.

Thủ tướng Angela Merkel muốn sớm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Theo nhà lãnh đạo Đức, Moscow cần thực thi hoặc tác động để lực lượng đòi độc lập tuân thủ mọi điều khoản trong thoả thuận hoà bình Minsk về giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Hồi tháng 12/2015, Liên minh châu Âu (EU) đã gia hạn trừng phạt kinh tế Nga thêm 6 tháng, theo đó các biện pháp trừng phạt sẽ có hiệu lực tới cuối tháng 7/2016.

Về vấn đề dỡ bỏ trừng phạt với Nga, trước đó Pháp cũng đã nhiều lần đánh tiếng về việc sớm bình thường hóa quan hệ với Moscow do những ảnh hưởng tiêu cực liên quan đến kinh tế. Hôm 5/1, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng bày tỏ rằng, ông muốn phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga, nếu cuộc đàm phán sắp diễn ra trong tháng này về cuộc khủng hoảng ở Ukraine đạt kết quả tích cực.

Mặc dù ông Hollande không nói rõ lệnh trừng phạt nào có thể được xóa bỏ, nhưng ông bày tỏ rằng: Tổng thống Nga Vladimir Putin “không muốn sáp nhập miền Đông Ukraine - ông ấy đã nói với tôi như thế”.

Tại Liên minh châu Âu, vào mọi thời điểm, vai trò của trục Pháp - Đức luôn đóng vai trò quan trọng đối với những quyết sách cũng như chiến lược hành động. Bởi vậy, có được sự ủng hộ của Đức và Pháp, giới chuyên gia tin rằng quan hệ EU-Nga sẽ sớm trở lại bình thường.

Yên Sở (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI