Trót yêu và sự mạo hiểm của Việt Trinh

15/10/2015 - 16:01

PNO - Sau bảy năm vắng bóng trên màn bạc, nữ diễn viên Việt Trinh tái xuất với vai trò DV kiêm đạo diễn trong bộ phim điện ảnh Trót yêu.

Phim sẽ khởi chiếu từ ngày 16/10, bộ phim có tựa ban đầu là Hãy ẵm em ra biển được biên kịch Châu Thổ (cũng là đồng ĐD của phim) lấy ý tưởng từ câu chuyện cảm động được lan truyền mạnh mẽ trên mạng trước đây.

Nội dung xoay quanh việc một cặp vợ chồng đứng trước nguy cơ ly hôn vì người thứ ba. Người vợ, sau những phút tức giận, khóc hết nước mắt vì bị chồng phản bội đã quyết tâm cứu lấy hôn nhân bằng cách khơi lại cảm xúc yêu thương vợ chồng.

Cô đề nghị chồng cùng đi nghỉ ở biển, nơi hai người từng đến hồi mới cưới, mỗi ngày người chồng phải ẵm mình vào phòng ngủ y như đêm tân hôn năm nào...

Biên kịch Châu Thổ vốn có thế mạnh về đề tài tình yêu, hôn nhân, gia đình đã cùng đồng ĐD Việt Trinh xây dựng nên đường dây câu chuyện chặt chẽ, tâm lý nhân vật được khai thác khá tinh tế.

Những tình huống, những mẫu nhân vật trên phim rất “đời”. Đó là ông chồng thành đạt, điển trai có “bóng hồng” vây quanh (Huy), người vợ giỏi giang, xinh đẹp, mải lo kiếm tiền quên mất việc chăm lo hạnh phúc gia đình (Vy).

Đó là cô trợ lý trẻ trung nóng bỏng, lúc nào cũng hối thúc sếp bỏ vợ để chung sống với mình (Uyên), là đứa con của hai vợ chồng thiếu vắng sự quan tâm của cha mẹ (Bối Bối).

Trot yeu va su mao hiem cua Viet Trinh
Việt Trinh tiếp tục thành công trong dạng vai sở trường

Hôn nhân theo năm tháng cũ mòn khi người trong cuộc không tích cực làm mới bản thân. Tình yêu cũng lụi tàn khi một trong hai người không quan tâm người kia. Huy và Vy tự đẩy gia đình đến bờ vực của đổ vỡ bởi chính sự vô tâm của mình.

Vy điên cuồng giận dữ đập phá đồ đạc trong nhà khi phát hiện chồng ngoại tình, Huy ẵm Vy quăng xuống hồ bơi khi nghe vợ đề nghị “hãy ẵm em” là những tình tiết cao trào minh chứng cho sự tàn phá của hôn nhân theo thời gian.

Diễn biến tâm lý của các nhân vật tỏ ra hợp lý. Từ chỗ lạnh lùng, chán vợ sau một tháng thực hiện lời đề nghị “ẵm em mỗi ngày”, Huy bắt đầu quan tâm, lo lắng cho Vy hơn.

Còn với người tình, sự cuồng nhiệt, đam mê của Huy dần nhường chỗ cho cảm giác xa cách, nguội lửa yêu thương sau một thời gian không gặp mặt. Câu chuyện của bộ ba Huy-Vy - Uyên như một lời cảnh tỉnh về hôn nhân thời hiện đại khi nhiều người chạy theo đồng tiền, bỏ quên những giá trị gia đình.

Việt Trinh có màn tái xuất đáng chú ý với vai Vy. Vai bi là thế mạnh của Việt Trinh, và nhân vật Vy cho nữ DV khoe kỹ năng diễn xuất những cảnh rơi nước mắt. Tuy nhiên, Việt Trinh trở lại bằng vai sở trường khiến người xem thất vọng vì lặp lại hình tượng cũ.

Gần như cứ thấy Vy xuất hiện là lại thấy cô khóc. Nữ DV tiết lộ, xong phần quay phải đến bác sĩ nhãn khoa để khám mắt do một vài tổn thương nhỏ. “Nữ hoàng phim bi” vẫn xứng danh với Việt Trinh như cách đây hơn hai thập niên.

Nhưng phim ảnh thời nay đã khác, gu thưởng thức của khán giả cũng thay đổi, những dạng vai khóc lóc, sầu thảm quá mức sẽ làm người xem thấy mệt mỏi, giảm hiệu ứng đồng cảm với nỗi đau của nhân vật.

Để cân bằng với những cảnh bi, Trót yêu xen kẽ vài cảnh gây cười do cặp đôi Hiếu Hiền - Cát Phượng thể hiện. Tuy nhiên, những tình tiết hài hước này khá ngô nghê, cười không nổi, chẳng hạn cảnh nhân vật của Hiếu Hiền và Cát Phượng đeo khẩu trang rình nhà người tình của Huy, cảnh Hiếu Hiền ngoại tình bị Cát Phượng bắt quả tang.

Giữa lúc màn ảnh rộng tràn ngập phim hài, hành động, việc Châu Thổ-Việt Trinh cho ra đời một bộ phim tâm lý tình cảm - thể loại từng giúp Việt Trinh lên hàng “sao”, cho thấy sự mạnh dạn của bộ đôi này. Nhưng đây cũng là lựa chọn mạo hiểm. Khán giả có thể hào hứng với “món lạ”, song cũng có thể thờ ơ vì Trót yêu không hợp gu xem phim hiện nay.

Hương Nhu

Biên kịch - đạo diễn Châu Thổ:

Trót yêu là phim điện ảnh thương mại đầu tiên của hãng Senafilm và của tôi cùng ĐD Việt Trinh kể từ sau Duyên trần thoát tục. Chúng tôi đều xuất thân là dân làm phim điện ảnh nhưng một thời gian dài tập trung vào làm phim truyền hình.

Hiện phim chiếu rạp đã sôi động trở lại nên chúng tôi muốn tham gia. Chọn đề tài hôn nhân gia đình, thể loại tâm lý xã hội đúng là hướng đi khá mạo hiểm vì phim Việt Nam hiện nay chủ yếu làm để lấy tiếng cười hoặc khiến người xem sợ hãi.

Chúng tôi chọn tâm lý xã hội vì đây là thế mạnh của mình. Làm một bộ phim phải để lại bài học gì đó cho người xem chứ không chỉ để mua vui, giải trí, xem rồi quên. Sau Trót yêu, dự kiến cuối năm, chúng tôi thực hiện bộ phim Ảo vọng, vẫn với thể loại tâm lý xã hội.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI