“Chuyển hết thu nhập vào tài khoản”, bảy tiếng ấy như sét đánh ngang tai anh Hoàng Tân (nhân viên kinh doanh một công ty sản xuất dụng cụ thể dục thể thao Q.Bình Tân, TP.HCM). “Sếp ơi! Sếp hại em rồi! Sếp biết đâu em có nỗi khổ riêng!”, anh Tân lầm bầm, mặt tái xanh tái xám.
Dù làm việc tại nhà mùa dịch, nhưng nhà gần công ty, không khó khăn gì để anh đến công ty nhận tiền trực tiếp rồi rút lui ngay, không nấn ná, tiếp xúc nhiều người. Anh cũng hứa sẽ đeo khẩu trang, sát khuẩn và đứng xa thủ quỹ, thậm chí đeo găng tay khi nhận tiền.
Vậy mà sếp vẫn phớt lờ đòi hỏi của anh về việc giữ nguyên phương thức chi trả lương như trước giờ. “Chi cho khổ vậy? Chuyển khoản hết là xong. Mùa dịch mà! Ở yên trong nhà”, sếp trả lời ngắn gọn, đanh thép khiến anh cạn lời lẽ.
Công ty trả tiền mặt, trả tiền mặt một phần và chuyển khoản một phần hay chuyển khoản tất cả thu nhập thì có gì khác nhau vì tổng số tiền vẫn vậy. Có khác chăng chỉ là mất công đi rút tiền và tốn vài ngàn đồng phí. Nhưng thật ra là khác, quá khác, khác một cách “nghiệt ngã”.
Đó là nỗi bồn chồn, lo lắng của anh Tân mà cũng là nỗi lòng của nhiều ông chồng trót nộp thẻ ATM cho vợ.
Trước đây làm ở công ty xây dựng, lương thưởng tự nhận tự xài, anh Tân chỉ chịu trách nhiệm phần đóng học phí cho hai con và đóng tiền điện nước cho cả nhà.
Nhận thấy anh Tân vẫn rủng rỉnh tiền để đi nhậu, đi đâu đó bí ẩn mà trang phục láng coóng, thơm phức hay thường xuyên đổi xe máy, điện thoại xịn, vợ anh thấy mình đã “hố” khi buông lỏng hầu bao chồng.
Nhân cơ hội anh chuyển sang làm ở công ty sản xuất dụng cụ thể dục thể thao, chị đổi liền chiến thuật: dỗ ngọt anh đưa thẻ ATM cho chị giữ, chị sẽ lo mọi chi phí trong ngoài.
Lúc đầu cũng băn khoăn, sợ vợ biến thành “ngân hàng một chiều”, gửi tiền thì dễ rút tiền thì khó, nhưng sau một ngày tính toán thiệt hơn, anh đã đi đến hành động cao cả là dâng thẻ cho “nội tướng”.
Anh không quên nói câu thòng: “Nhưng mỗi lần rút tiền, em phải đưa lại một ít cho anh dằn túi, cà phê cà pháo hay hờ khi bị bể bánh xe nghen!”. Vợ anh gật đầu, ngoéo tay.
Nhiều tháng trôi qua, vợ anh giữ đúng lời hứa và anh ổn. Nhưng anh ổn không phải chỉ vì vợ giữ đúng lời hứa đưa tiền dằn túi anh.
“Đàn ông nông nổi giếng khơi/ Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu” là đây khi anh ma mãnh giấu ém xài riêng số tiền mặt công ty chi trả hoa hồng cho hợp đồng bán dụng cụ thể thao mà anh mang về cùng một ít khoản khác (số tiền dao động tùy thời điểm đắt hay ế hàng). Phần tài khoản chuyển vào thẻ ATM chỉ là lương cứng.
Giờ đến mùa dịch, công ty chuyển khoản hết vào thẻ, anh lấy gì nuôi “con heo đất màu đen” của mình. Tuy trong giai đoạn giãn cách, anh cũng chẳng có nhu cầu gì riêng cho bản thân, ngặt nỗi chuyện gì sẽ xảy ra khi bị lộ tổng thu nhập thực lãnh của mình? Vợ có để yên cho anh không?
Nếu nói dối là thu nhập tháng này tăng đột biến cũng khó nghe, vì mùa COVID-19, giữ nguyên mức thu nhập như giai đoạn an lành đã là may phước rồi.
Nếu nói trong số tiền chuyển khoản này có cả phần hoa hồng của thằng cha đồng nghiệp vì đứng tên chung hợp đồng bán hàng thì cũng không thông vì vợ anh biết rành nghiệp vụ kế toán, khó lòng qua mặt.
Cuối cùng, anh quyết định khai báo thành thật để được “khoan hồng”. Sáng ngày công ty sẽ chuyển lương như thường lệ, anh đứng ngồi không yên. Sẽ rất tai hại nếu anh trần tình sau tiếng tít tít điện thoại báo tài khoản đã được chuyển vào. Nhưng nói sớm, nói liền sao mà run mà ngại…
Nhân lúc vợ nấu bếp, anh xăng xái sà xuống phụ lặt rau, tạm gọi là chiêu “bôi trơn” cảm xúc cho “nội tướng”.
“Do mùa dịch nên công ty chuyển hết thu nhập vào thẻ ATM, gồm cả lương và nhiều khoản râu ria khác. Cộng lại thì cũng được kha khá nên em đừng lo lắng chuyện tiền nong rồi rầu rĩ, sinh bệnh nghen!” - anh cố “nhả chữ” thật tự nhiên, thật truyền cảm nhưng không khỏi đỏ mặt khi chị quay lại nhìn.
Đầu óc anh từ mấy ngày nay luôn ong ong câu nói: “Cháy nhà mới ra mặt chuột”.
Xế chiều, trời còn nắng, anh đã lên sân thượng tưới cây, cốt để tránh xa “núi lửa” khi tiếng tít tít quái ác ấy vang lên.
Sau buổi cơm tối, thái độ của vợ vẫn bình thản, an nhiên đến khó hiểu, không cằn nhằn, vặn vẹo tới lui như những khi anh làm trật ý. Sốt ruột quá, gần đến giờ ngủ, anh nói đại: “Em ơi! Công ty chuyển tiền vô bộn bộn hén em!”.
Đúng là anh bối rối quá đâm mụ mị, chứ vợ anh đâu đã rút tiền để biết tài khoản tăng bao nhiêu mà… “vạch mặt chuột”.
|
Ảnh minh họa |
Anh chìa tin nhắn điện thoại với số tài khoản mới được cập nhật, vợ anh mừng phát hét lên: “Trời ơi! Nhiều vậy hả anh? Đỡ ghê hén!”. Trái với vẻ tươi vui, hào hứng của chị, anh tiu nghỉu thú tội từ lâu đã không thành thật và công khai thu nhập với chị.
Không ngờ, chị đáp lại bằng thái độ hớn hở, nhẹ nhàng: “Tui biết các ông mà, mấy ai đưa hết tiền cho vợ. Các ông cũng có những nhu cầu chi tiêu riêng mà không phải cái nào cũng giải trình cho vợ hiểu được: nào là giao tế với sếp, đồng nghiệp, chăm sóc khách hàng, đám tiệc, nào là báo hiếu cha mẹ già, lo phụ mấy cháu ăn học… Tui đi làm, cũng lãnh lương một phần tiền mặt và một phần chuyển khoản đó thôi”.
Chị cười tươi và ngắt vội mũi anh khiến anh tin chị không giận. Sẵn dịp, anh khoe tiếp một ít tiền tiết kiệm để chứng tỏ mình không tiêu xài quá trớn như vợ thường “kết tội”.
“Bất ngờ tập hai” là chị hứa sẽ chỉ lấy phần lương cứng như các tháng trước để lo ăn uống, phần còn lại để anh tự quyền định đoạt.
“Anh còn công việc ổn định là may mắn hơn bao người bị mất việc vì COVID-19. Dù lạ dù quen, anh cũng phải san sẻ cho họ. Sài Gòn bao dung mà chồng tui… ung dung coi sao đặng!”, câu nói đậm tình và tiếng cười khúc khích của chị khiến anh mãi không thể chìm vào giấc ngủ…
Tô Diệu Hiền