Trót dũng cảm, học sinh thành 'nạn nhân'?

06/04/2018 - 17:26

PNO - Nếu môi trường dân chủ thì giáo viên, học sinh đã có thể mạnh dạn nêu ý kiến, yêu cầu. Những góp ý lời thật mất lòng thường bị trù dập thì còn ai dám lên tiếng?

Mới đây, một số giáo viên Trường THPT Hàn Thuyên (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) vì thấy thương học sinh nên đã làm đơn gửi lên quận ủy cho rằng, đã có chỉ đạo để giáo viên chèn ép, khủng bố tinh thần nữ sinh làm đơn tố cáo thầy giáo dạy văn dùng những lời lẽ thô tục và có thái độ thiếu sư phạm khi đứng lớp (Báo Phụ Nữ TP.HCM đã có bài phản ánh trên số báo ra ngày 28/2/2018).

Ngoài ra, tên của nữ sinh này cũng bị “lộ” và bị bạn bè xa lánh nên rất hoảng loạn. Các giáo viên này gửi thư cầu cứu để giúp các em ổn định tinh thần chuẩn bị cho kỳ thi học kỳ sắp tới. 

Trot dung cam, hoc sinh thanh 'nan nhan'?

Học sinh khối 12 Trường THPT Hàn Thuyên, Q. Phú Nhuận, TP.HCM

Còn nhớ cách đây hơn 1 tháng, những học sinh lớp 12A1 Trường THPT Hàn Thuyên run rẩy khi tố cáo thầy giáo dạy văn. Khi viết tâm thư gửi thầy hiệu trưởng, các em nhiều lần mong được bảo mật thông tin bởi các em sợ bị “đì”. Nhưng rồi chuyện gì đến cũng đã đến, sự lo sợ của các em không thừa. Khi thầy giáo sai phạm bị chuyển sang làm thư viện thì rắc rối cũng kéo đến với những học sinh trót nói lên sự thật.

Trả lời vụ việc, ông Võ Ngọc Sơn, hiệu trưởng nhà trường, khẳng định: “Không có chuyện học sinh bị chèn ép, cô lập như đơn nặc danh đó. Quận ủy, Sở GD-ĐT đã đến làm việc độc lập với các em để tìm hiểu vụ việc. Tôi cũng đang tìm hiểu vì sao danh tính học sinh tố cáo và báo chí đăng nguyên bức tâm thư của học sinh là từ đâu ra. Học sinh đã tin tưởng mình để bày tỏ nguyện vọng, các em gửi trực tiếp cho tôi để giãi bày sự việc thì không lý nào tôi đi nói tên các em”.

Hay trường hợp em Phạm Song Toàn, ngay sau buổi đối thoại với lãnh đạo ngành giáo dục TP.HCM, em đã xin lỗi cha mẹ và đòi nghỉ học. Được cha mẹ trấn an và trở lại trường học, Toàn trở thành nhân vật nổi tiếng bất đắc dĩ khi thường xuyên được mời lên làm việc với ban giám hiệu, trả lời phỏng vấn báo chí. Trong những tiết học sinh, sử sau đó ít ngày, không hiểu vô tình hay cố ý mà giáo viên “thắc mắc” với Toàn: vì sao không nói ở trường mà chạy lên tận Sở GD-ĐT méc? Nói không đúng chỗ, gây khó khăn cho nhiều người…

Trot dung cam, hoc sinh thanh 'nan nhan'?
Em Phạm Song Toàn

Đến buổi chào cờ thứ Hai là những lời nói bóng gió kiểu: thầy cô đã gầy dựng bao lâu, giờ đưa chân đạp đổ hết. Trường đang nổi tiếng theo kiểu đi xuống, phải mất nhiều năm để xây dựng lại tên tuổi. Hoặc, ai phá thì không xứng đáng ở lại trường, trả lại sự bình yên cho trường… Có thể những câu nói đó không hẳn dành cho cô bé, nhưng với một nữ sinh lớp 11, những câu nói vô tình của những người lớn có sức nặng khủng khiếp. Hơn 10 ngày bất đắc dĩ phải chịu đủ mọi áp lực, thấy con gái lo lắng, gia đình Toàn đã có ý định nộp hồ sơ xin chuyển trường để đổi lấy sự bình yên. 

Ý định “tháo chạy” khỏi trường, với chúng tôi, không nằm ngoài dự liệu, bởi thói quen “xấu che” dường như đã thành nếp. Những người tố giác cái xấu mặc nhiên thành… người lạ và gánh nhiều hậu quả. 

Trở lại với câu hỏi mà giáo viên đặt ra cho em Phạm Song Toàn: vì sao không báo lên trường mà lại “méc” lên sở? Rồi vì sao khi muốn nói lên sự thật, nhiều giáo viên, học sinh phải tìm đến báo chí? Nếu môi trường dân chủ thì giáo viên, học sinh đã có thể mạnh dạn nêu ý kiến, yêu cầu. Những góp ý lời thật mất lòng thường bị trù dập thì còn ai dám lên tiếng? 

Còn nhớ, một giáo viên tiểu học ở H.Củ Chi từng phải uống thuốc trừ sâu ngay trước mặt hiệu trưởng như một hành động phản ứng tức nước vỡ bờ vì phải chịu đựng những chèn ép. Trước đó, vị hiệu trưởng này cũng đã bị giáo viên làm đơn tố cáo những sai phạm, nhưng chẳng hề chi.  

Trao đổi với báo chí tại buổi đối thoại “Tiếng nói học sinh Tân Bình” vừa tổ chức, ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Bình, cho biết: “Qua các buổi đối thoại trực tiếp, chúng tôi nắm được phần nào tâm tư nguyện vọng của các em và các vấn đề mà các em gặp phải ở trường. Đa phần những vấn đề này nằm trong tầm tay giải quyết của quản lý các trường. Vấn đề quan trọng là trường, người lãnh đạo phải có kênh thông tin để học sinh tin tưởng phản ánh ý kiến”.

Lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.11, Q.Tân Bình, Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) phải thường xuyên tổ chức đối thoại với học sinh, lắng nghe ý kiến phụ huynh để nắm tâm tư nguyện vọng. 

Thử hỏi cả lớp mấy mươi học sinh không dám nói tiếng nói của mình và khi nói xong thì rất sợ hãi, rõ ràng phải xem lại cách làm của các nhà lãnh đạo, quản lý nhà trường. 

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI