PNO - Ngày cha em ra tòa, em chỉ mới bảy tuổi. Không có mặt tại phiên tòa nhưng em vẫn là tâm điểm của mọi sự chú ý. Ai cũng đau xót bởi em còn quá nhỏ mà đã bị cuốn vào một bi kịch quá sức chịu đựng.
Cha mẹ em ai cũng nhân danh thứ tình yêu con ích kỷ, người này bằng mọi cách giành em khỏi tay người kia. Giờ tòa đang xử cha em tội giết người, nạn nhân lại chính là mẹ của em...
Sự ích kỷ nhân danh tình cha
Đôi vợ chồng ấy đều thuộc thế hệ đầu 8x, còn rất trẻ. Anh Phạm Xuân Linh và chị N.T.Ng. kết hôn năm 2009, có một con tên P.N.T. Hôn nhân của họ mới bắt đầu đã rạn nứt. Họ ly hôn sau ba năm chung sống không hạnh phúc bởi những ghen tuông và chuyện cơm áo gạo tiền. Đứa trẻ được tòa giao cho mẹ. Người cha chấp nhận ra đi tay trắng. Hai người thỏa thuận anh Linh sẽ chu cấp năm triệu đồng/tháng để nuôi con và đón bé vào hai ngày cuối tuần.
Ly hôn rồi, giữa hai người vẫn tiếp tục phát sinh nhiều mâu thuẫn trong việc chăm sóc con. Chị Ng. cho rằng việc cha đón hai ngày cuối tuần sẽ ảnh hưởng đến chuyện học hành của bé. Anh Linh lại khẳng định, vợ cũ đang cố tình gây khó dễ để chia cách tình cảm cha con. Đây cũng là lúc chị Ng. đang có quan hệ với người đàn ông khác. Dù đã đường ai nấy đi, nhưng hai người vẫn hết sức căng thẳng với nhau vì đứa con chung. Cho đến sáng hôm ấy, khi anh đến đón con, hai người lại cãi nhau, chị Ng. cho biết sắp lấy chồng và tuyên bố “đây là lần cuối anh được đón con”.
Trên đường chở con về nhà nội, anh nảy sinh ý định quay lại thương lượng với vợ cũ về quyền nuôi con sau khi chị lấy chồng. Để vợ không nhận ra mình mà cho vào nhà, anh mặc bộ quần áo của công nhân điện lực, đội nón và đeo kính bảo hộ, gọi cửa bảo chị Ng. cho vào để sửa điện trên lầu hai. Vào đến phòng ngủ ở lầu một, anh lấy dao trong túi xách kề vào cổ uy hiếp chị. Chị hốt hoảng kêu cứu và chống trả lại.
Trong lúc giằng co, lưỡi dao trên tay Linh đã cứa vào cổ chị Ng. gây thương tích, nhưng chưa nguy hiểm đến tính mạng. Thấy có người đến ứng cứu, Linh đập mạnh người vợ cũ xuống sàn nhà khiến chị bất tỉnh, chạy xuống mở cửa định thoát thân thì bị giữ lại. Chị Ng. được đưa đi cấp cứu, vài tiếng sau thì tử vong. Cuối tháng Sáu vừa qua, TAND TP.HCM đã xử sơ thẩm, bị cáo Phạm Xuân Linh bị phạt 15 năm tù.
Phạm Xuân Linh tại tòa
Cuộc chiến giành quyền giám hộ
Mẹ chết, cha bị bắt tạm giam, bé T. về nương nhờ bà nội. Nhưng ngày xét xử vụ án, bé lại đang ở tận Tiền Giang cùng ông ngoại. Người ông này bé chưa một lần gặp mặt đột ngột xuất hiện vì muốn làm người giám hộ cho cháu ngoại. Quan hệ ruột rà giữa bé T. với “ông ngoại từ trên trời rơi xuống” này được thể hiện bằng một quyết định của TAND tỉnh Tiền Giang sau ngày xảy ra vụ án mạng khoảng bốn tháng. Tòa xác nhận nạn nhân đã chết là con của ông Đinh Văn Hai dựa trên bằng chứng ADN. Bà nội T. đã già yếu, phải thuê một người vú em để lo cho cháu. Nỗi đau mất mẹ chưa nguôi, T. lại bị buộc phải xa bà nội, về sống ở một nơi xa lạ, với những người em chưa một lần biết mặt. Tại phiên tòa, nhiều người xuất hiện với nhiều danh nghĩa để giành quyền giám hộ, nhưng ai mới là người thực sự yêu thương và muốn chăm sóc cho em? Hay vì những lý do khác?
Mẹ em qua đời để lại tài sản là mấy căn nhà, xe hơi, tiền ở nhà và ở ngân hàng. Trước khi xảy ra vụ án, chị Ng. đã nhận lại người cha sau nhiều năm ly biệt. Tại phiên tòa hôm ấy, ông ngoại của T. không xuất hiện, chỉ có đại diện của ông và luật sư. Họ yêu cầu cha em bồi thường chi phí mai táng cho mẹ em cùng tổn thất tinh thần và cả tiền cấp dưỡng nuôi em, tổng cộng hơn một tỷ đồng. Lúc này, ông Phạm Văn Hùng (cậu ruột của chị Ng.) trình bày, chính ông là người bỏ chi phí ra để mai táng cho cháu gái chứ không phải ông Đinh
Văn Hai. Ông Hùng cho biết, chị ruột của mình là bà Phạm Thị Hòa đã mất năm 2008. Ông có đủ khả năng về tài chính và hiểu biết nên mong muốn được nuôi dưỡng cháu bé đến tuổi trưởng thành. Ông Hùng bức xúc: “Chúng tôi không biết ông Hai là ai và tại sao sau khi Ng. chết ông ấy mới xuất hiện để nhận cha con. Giờ cũng không hiểu lý do gì ông ấy mang bé T. đi mất. Tôi không tranh giành tài sản, chỉ mong ông ấy vì quyền lợi của con bé mà trả cháu lại cho chúng tôi nuôi dưỡng”. Tòa quyết định sẽ đưa việc giành quyền giám hộ cháu bé ra xét xử trong một vụ án dân sự khác.
Cánh chim non giữa trời giông bão
Không khí trong phòng xử hôm ấy căng thẳng tột độ. Cha bé T. đứng trước vành móng ngựa chứng kiến cuộc tranh cãi chỉ cúi đầu, thi thoảng lau nước mắt. Anh dường như hiểu ra, chính mình đã tước mất hạnh phúc và sự bình yên của con, đẩy con thơ vào vòng xoáy bi kịch không hồi kết. Khi được phép nói lời sau cùng, người cha ấy nghẹn ngào: “Hôm nay chính là ngày sinh nhật của con gái”.
Sự im ắng bất chợt bao phủ phòng xử án. Người cha vừa khóc vừa nói tiếp: “Tôi không hề muốn hại cô ấy, chỉ vì một phút nóng giận mà để con phải mất mẹ, mất cha. Lúc này, nghĩ đến con bơ vơ tôi ân hận vô cùng. Ba có lỗi với con…”. Phiên tòa khép lại, bà nội cháu bé và người cậu của mẹ bé đều băn khoăn: “Không biết giờ này con bé ra sao?”.
Những người dự khán đều xót thương cho hoàn cảnh cháu bé, chạy đến xin số liên lạc với gia đình để chờ phiên tòa quyết định quyền giám hộ. Hôn nhân của ba mẹ cháu đã chấm dứt, nhưng giá như người trong cuộc biết dẹp bớt cái tôi của mình, biết tôn trọng nhau và nghĩ cho con, thì cháu bé vẫn còn được lớn lên trong sự bảo bọc của cha mẹ, không phải bất hạnh như bây giờ. Mong sao những người thân của cháu đến tòa vì nghĩ cho hạnh phúc, tương lai của cháu chứ không phải vì lý do nào khác.
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.