edf40wrjww2tblPage:Content
Jessy dạy võ KravMaga cho các bé gái
Tháng 11/2008, tổ chức từ thiện của một người Mỹ gốc Việt được công nhận là tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động với mục đích giải cứu trẻ em gái ra khỏi nhà chứa, nuôi dưỡng và bảo vệ các em, tham gia ngăn chặn các trường hợp có nguy cơ bị cha mẹ đem bán sang Campuchia. Các bé gái sau đó được tập trung về Nhà an toàn theo nguyện vọng để nuôi dưỡng đến trưởng thành và tách ra sống riêng. Các thông tin về ngôi nhà và các thành viên luôn được bảo mật.
Nạn nhân của chính người sinh ra mình
Đúng 18g, hai bàn ăn được bày ra ở phòng khách. Lúc này, cả tám bé gái đi từ bếp lên. Các em trông chững chạc hơn nhiều so với độ tuổi từ 10-15. Mỗi em mang theo một đĩa đựng cơm, sau đó cùng bưng các món ăn lên, ghế ngồi đặt quanh bàn, một em lớn nhất chia đũa. Chị Phượng - người phụ nữ mở cửa cho tôi ra khỏi bếp sau cùng vì còn bận xếp dọn. Bé gái nhỏ tuổi nhất tên Thu, kháu khỉnh và ăn rau rất nhiều. Thỉnh thoảng, bé quay sang nhắc bé gái bên cạnh: “Chị phải ăn nhiều rau”. Trong bữa ăn có món cá chiên. Khi tôi bảo: “Chú thích ăn đầu cá”, lập tức nhiều bé cùng bảo: “Con thích ăn đầu cá nhất”. Hóa ra, các em cùng có suy nghĩ “nhường đồ ăn ngon cho khách”.
Trong thông tin tiếp nhận của nhóm tình nguyện, tám bé đều là nạn nhân của nạn mua bán người. Huyền, bé gái 15 tuổi quê Đồng Tháp có vẻ cứng cáp nhất. Huyền kể, gia đình em có bốn người con, hoàn cảnh rất khó khăn. Một buổi chiều năm 2010, em thấy mẹ chuẩn bị xếp quần áo cho chị gái, nói là “mai dẫn qua Campuchia chơi”. Huyền nằng nặc xin đi cùng nhưng mẹ bảo: “Không được, mày còn nhỏ quá”. Khi Huyền ngủ dậy, mẹ và chị đã rời khỏi nhà. Hôm sau, mẹ Huyền về một mình, mua nhiều bánh kẹo và có tiền trả nợ. Huyền hỏi: “Chị đâu?” mẹ bảo: “Chị mày đi làm ở bển rồi, nhiều tiền lắm”. Từ đó, Huyền cũng mong sẽ mau lớn để đi làm được nhiều tiền như chị. Gần một năm sau, chị gái Huyền bất ngờ trở về, gào khóc: “Sao mẹ bắt con đem bán cho người ta. Tiền con bị ép tiếp khách người ta bảo gửi về cho mẹ hết”. Qua câu chuyện chúng tôi tìm hiểu được, cảnh sát Campuchia đã phát hiện chị của Huyền khi cô đang “sống dở chết dở” trong một nhà chứa ở gần Svay Pak. Cô bị đưa vào trại tạm giữ rồi bàn giao về Việt Nam. Hiện cô 22 tuổi, và đã lập gia đình.
Những tưởng vì hoàn cảnh, một lần bán con thôi đã đủ xót xa, nhưng mẹ Huyền vẫn tiếp tục, lần này nạn nhân chính là Huyền. Năm 2013, Huyền theo mẹ sang Campuchia. Suy nghĩ đơn giản của cô bé chưa đủ hình dung ra sự thật tàn khốc thế nào nếu bị mẹ bán đi như đã làm với chị. Huyền kể: “Lúc đó em không hiểu nhà chứa là gì, tại sao lại bị bỏ đói, bị đánh đập nếu không tiếp khách”. Lần này, sợ đổ bể như trước, mẹ Huyền gọi điện cho một người môi giới ở Phnom Penh dự định bán Huyền sang Malaysia để lấy 800 USD. May mắn nghe lỏm được kế hoạch của mẹ, Huyền bỏ trốn và được nhóm tình nguyện của Linh phát hiện, bảo bọc. Đến nay, Nhà an toàn ở Phnom Penh đã tiếp nhận khoảng 20 bé gái có hoàn cảnh tương tự như Huyền.
Các bé gái tập võ trong Nhà an toàn
Hoa hồng
Người phụ nữ mở cửa cho chúng tôi là chị Phượng, giữ vai trò quản gia của Nhà an toàn. Chị quê ở Tuyên Quang, vẫn còn đang học tiếng Campuchia. Trong một bữa ăn sáng, chị hỏi tôi: “Công việc của các em thế nào rồi, 3g sáng mới về có mệt không?”. Tôi trả lời: “Hôm qua bọn em đi ghi hình ở một nhà chứa có khoảng 200 cô gái”. Chị thoáng nhăn nhó, bảo: “Mấy đứa nhỏ ở đây may phước thật”. Trong tám bé gái ở nhà, nhiều em đã vào học tại các trường tiểu học ở Phnom Penh.
Chị Phượng gần như là người mẹ của các em. Chị lắng nghe từng câu chuyện vui buồn, hướng dẫn các em học. Cả một núi việc không tên và trách nhiệm quan trọng như vậy nhưng tôi luôn thấy chị vui vẻ, ân cần với các em. Buổi chiều cuối cùng trước khi về, sau một ngày đi thực tế mệt rã rời, chúng tôi tạt vào quán ăn vỉa hè chứ không về Nhà an toàn ăn cơm. Khi về, bé Hương (12 tuổi) kéo tôi lại nói nhỏ: “Các cô chú không về ăn cơm, làm mẹ Phượng buồn rồi”. Thấy con bé cứ thậm thụt kể chuyện với tôi, chị hiểu ý, bảo: “Tôi không trách gì mọi người đâu, chỉ nghĩ là mỗi một hạt gạo ở đây cũng là nhờ tấm lòng của những người hảo tâm và các bạn tình nguyện. Mình nấu xong để đến hôm sau sợ hỏng, bỏ thì mang tội lắm”. Chị nói, mắt đỏ hoe.
Ngoài những vị khách như tôi, Nhà an toàn là điểm đến thường xuyên của các tình nguyện viên nhiều nước, chủ yếu là Mỹ và Việt Nam. Đồng hành với tôi lần này là Jessy và Thùy, một cặp vợ chồng rất thích… năm con ngựa. Jessy và Thùy đã đến Nhà an toàn tại Phnom Penh ba lần chỉ trong vòng một năm qua, chưa kể các quốc gia khác. Jessy dạy võ cho các bé gái, Thùy khám bệnh và phát thuốc ở khu công nhân người Việt đang làm ở công trình Borey Angkor cách đó vài km. Buổi tối đầu tiên dạy võ, sau khi yêu cầu các bé xếp hàng ngay ngắn, Jessy lôi trong túi xách ra một tấm mút dày cộm, hướng dẫn các bé đứng ở nhiều tư thế trong các tình huống bị bóp cổ kẹp chặt sau đó tấn công chớp nhoáng.
Các bé gái Việt Nam trong Nhà an toàn
Là người học võ, tôi không ấn tượng nhiều về các đòn thế Jessy dạy cho các bé, nếu không muốn nói nó quá đơn điệu. Ban đầu, tôi nghĩ nó không hiệu quả trong trường hợp không may các em bị yêu râu xanh tấn công. Thế nhưng, chỉ hai ngày sau, tôi đã phải thay đổi suy nghĩ. Thứ võ thuật mà Jessy đang dạy chính là KravMaga, đỉnh cao của kỹ thuật đối kháng xuất phát từ quân đội Do Thái. “Chỉ đánh nhanh, mạnh hết sức rồi… bỏ chạy các em nhé”, tôi nhớ mãi câu tiếng Việt và vẻ mặt ngộ nghĩnh của Jessy khi dạy học. KravMaga được đánh giá là môn dẫn đầu trong các môn võ tự vệ vì tính đơn giản và hiệu quả.
Có một điều khiến tôi day dứt là các em ở Nhà an toàn không thuộc một bài hát tiếng Việt nào. Tối cuối cùng ở Svay Pak, khi chỉ còn 30 phút nữa tôi và hai người khác sẽ thâm nhập Casa (nhà chứa lớn nhất ở Phnom Penh), tôi quyết định làm thầy giáo bất đắc dĩ. Tôi đã hát thử cho các em nghe ca khúc Em là hoa hồng nhỏ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Không ngoài dự đoán của tôi, các em im lặng lắng nghe rồi cùng ríu rít: “Chú viết ra giấy đi cho tụi con dễ học”. 30 phút đó tôi chỉ dạy được vài câu mở đầu. Và, tôi suýt bật khóc khi nghe các em cất lên tiếng hát “Em sẽ là mùa xuân của mẹ”. Tôi hy vọng những bông hồng nhỏ này sẽ luôn được an toàn vì chỉ cần bước ra khỏi nhà, những cái bẫy buôn người sẵn sàng sập xuống.
Quốc Quang
Kỳ sau: Casa - thủ phủ buôn người
23g, tòa nhà cuối đường số 47 Near Wat Phnom rực rỡ đèn màu.
Nhiều ô tô sang trọng đậu chật kín trước sân. Các cô gái bước vội vào phòng tối.