Trong "tình hình mới", cơ sở y tế xử lý thế nào khi có F0 đến khám?

11/10/2021 - 11:11

PNO - Khi phát hiện F0, các cơ sở y tế phải tạm cách ly người bệnh tại buồng cách ly hoặc khoa/đơn vị COVID-19 của bệnh viện, lấy mẫu làm xét nghiệm RT-PCR để khẳng định (nếu trước đó chỉ làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên).

 

Tùy theo tình trạng bệnh nhân khi phát hiện dương tính, các cơ sở y tế phải phân luồng, xử lý hợp lý theo hướng dẫn của Bộ Y tế, ảnh minh học
Tùy theo tình trạng bệnh nhân khi phát hiện dương tính, các cơ sở y tế phải phân luồng, xử lý hợp lý theo hướng dẫn của Bộ Y tế (Ảnh minh họa)

Trong bối cảnh các cơ sở y tế tại TPHCM đang dần chuyển đổi công năng thành "bệnh viện xanh, sạch COVID-19" khám chữa bệnh thông thường, tại các cơ sở y tế, khi phát hiện F0 cần xử lý đúng quy trình để kiểm soát dịch.

Căn cứ vào các hướng dẫn của Bộ Y tế và yêu cầu thực tiễn, Sở Y tế TPHCM đã cập nhật và triển khai quy trình xử lý khi phát hiện trường hợp mắc COVID-19 tại các cơ sở y tế, bệnh viện, phòng khám.

Theo đó, Sở Y tế yêu cầu tất cả các bệnh viện và phòng khám phải thực hiện khai báo y tế, phân luồng, sàng lọc cho tất cả đối tượng đến khám tại bệnh viện. Giám sát việc tuân thủ các quy định phòng, chống dịch. Xét nghiệm tầm soát cho người bệnh khi phát hiện có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19. Thực hiện xét nghiệm tầm soát định kỳ cho nhân viên, người lao động của đơn vị theo quy định. Đồng thời xử lý đúng quy trình khi phát hiện các trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính.

Khi người đến khám bệnh thông thường có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, các cơ sở y tế phải lập tức thực hiện theo các bước kiểm soát dịch sau:

Tạm cách ly người bệnh tại buồng cách ly hoặc khoa/đơn vị COVID-19 của bệnh viện, lấy mẫu làm xét nghiệm RT-PCR để khẳng định nếu trước đó chỉ làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên.

Nhân viên y tế đánh giá tình trạng sức khỏe của F0. Nếu phát hiệu F0 có dấu hiệu suy hô hấp (như thở nhanh, khó thở hoặc Sp02 dưới 96%), cần cho người bệnh thở oxy, chuyển vào phòng cấp cứu của khoa/đơn vị COVID-19 (nếu có) và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế hoặc liên hệ chuyển viện lên tuyến trên nếu tình trạng bệnh vượt quá năng lực điều trị tại cơ sở. Nếu F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, tùy thuộc vào lý do đi khám bệnh của F0, mời bác sĩ đa khoa hoặc chuyên khoa đến khám cho F0 tại buồng cách ly.

Trường hợp F0 có chỉ định nhập viện điều trị bệnh chuyên khoa mà bệnh viện không có chuyên khoa tương ứng, liên hệ chuyển F0 (bằng xe cấp cứu hoặc xe chuyên dụng vận chuyển F0) đến các bệnh viện có chuyên khoa phù hợp và có khoa/đơn vị COVID-19. 

Trường hợp F0 không có chỉ định nhập viện, bệnh viện tư vấn và hướng dẫn F0 tự đánh giá mức đạt các tiêu chí cách ly tại nhà theo quy định.

Bệnh viện tiếp nhận phải nhập thông tin F0 vào ứng dụng “Hệ thống Quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19”. Lưu ý: sau khi nhập thông tin F0, phải bấm chuyển thông tin trên phần mềm đến nơi F0 sẽ cách ly điều trị (như trạm y tế nơi F0 cách ly tại nhà hoặc cơ sở cách ly tập trung phường, xã, thị trấn, quận, huyện hoặc bệnh viện điều trị COVID-19).

Trường hợp F0 cách ly tại nhà, trung tâm y tế phân công trạm y tế phường, xã, thị trấn nơi F0 cư trú chịu trách nhiệm quản lý F0. Trạm y tế chuyển thông tin F0 đến các trạm y tế lưu động hoặc tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng hoặc phòng khám tư nhân (khi được thành phố thí điểm triển khai) để cấp túi thuốc điều trị COVID-19 tại nhà theo gói thuốc A-B, C, thực hiện chăm sóc và quản lý theo quy định.

Nếu F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ nhưng không đủ điều kiện cách ly tại nhà, phải đưa vào khu cách ly tập trung để theo dõi, điều trị. F0 được cung cấp gói thuốc điều trị (gói thuốc A-B, C), tiếp tục chăm sóc và điều trị các bệnh lý nền kèm theo (nếu có). Khuyến khích các cơ sở triển khai biện pháp nâng cao thể trạng không dùng thuốc hoặc áp dụng các bài thuốc y học cổ truyền theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Nếu F0 cách ly điều trị tại bệnh viện dã chiến hoặc bệnh viện điều trị COVID-19, cần chăm sóc, điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Tăng cường sử dụng các thuốc kháng virus khi có chỉ định. Ngoài ra, kịp thời hội chẩn và chuyển F0 đến các bệnh viện tầng 3 khi bắt đầu có dấu hiệu chuyển nặng.

Lưu ý:

Đối với các phòng khám đa khoa đủ điều kiện thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2, áp dụng quy trình xử lý như trên. Đối với phòng khám đa khoa, chuyên khoa chưa đủ điều kiện xét nghiệm SARS-CoV-2, khi phát hiện người bệnh có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 cần liên hệ và hướng dẫn người bệnh đến các bệnh viện để được tầm soát theo quy định (sử dụng xe cá nhân hoặc xe taxi chuyên vận chuyển F0).

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI