Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lại leo thang khi Hoa Kỳ tăng thuế quan từ 10% đến 25% đối với hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh đã áp dụng thuế nhập khẩu 25%, 20% và 10% cho 5.410 sản phẩm của Mỹ, bắt đầu từ ngày 1/6, đồng thời chính thức phá giá đồng nhân dân tệ. Theo các chuyên gia, đồng nhân dân tệ mất giá sẽ tác động mạnh đến các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.
Trung Quốc đẩy mạnh thâu tóm doanh nghiệp Việt
"Nhiều công ty có sản phẩm bị Mỹ áp thuế nhập khẩu sẽ rời Trung Quốc sang Việt Nam và một số nước châu Á khác" - Tổng thống Trump viết trên Twitter. Thực tế, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang, các doanh nghiệp (DN) của Trung Quốc đang ồ ạt sang thâu tóm hoặc góp vốn vào DN Việt.
|
Thương chiến Mỹ - Trung tạo nhiều cơ hội lẫn thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam |
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng giá trị góp vốn, mua cổ phần DN Việt trong quý I/2019 là hơn 5,68 tỷ USD, riêng các nhà đầu tư Trung Quốc đã đóng góp hơn 4,17 tỷ USD, chiếm hơn 73,4% tổng lượng vốn. Nhóm DN nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư Trung Quốc thuộc ngành dệt may, giày da, bất động sản, logistics, dịch vụ tài chính, lữ hành…
Ông Lý Thành Sinh - Giám đốc Công ty May thêu Minh Long Hưng (TP.HCM) - thông tin, các DN Trung Quốc đang rải người tìm mua DN Việt, trong đó nhiều nhất là các DN dệt may vì đây là lĩnh vực kinh doanh khó khăn và thiếu vốn nhất. Họ vẽ ra bức tranh hợp tác rất đẹp như rót hơn 50% vốn, đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế. Đứng trước cơ hội lớn này, nhiều DN đã đồng ý hợp tác.
Ngoài ngành dệt may, Trung Quốc còn góp vốn vào các DN có nhiều sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc như nông sản. Ông Trần Văn Sơn - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hạt điều Gia Bảo (tỉnh Bình Phước) - kể, trong một chuyến xúc tiến xuất nhập khẩu tại Mỹ, một nhóm ba DN Trung Quốc gặp và đặt vấn đề góp hơn 50% vốn vào công ty với điều kiện ông Sơn phải nhường quyền điều hành, nhưng ông đã từ chối.
Cũng do các DN xuất nhập khẩu của Trung Quốc đang chuyển dịch vào Việt Nam nên tăng trưởng xuất khẩu thời gian qua có dấu hiệu tích cực: tăng 5,1% trong quý 1/2019, trong khi nhiều nước và vùng lãnh thổ châu Á bị sụt giảm.
Nhiều thách thức trước mắt
Theo các chuyên gia, việc hợp tác với các nhà sản xuất Trung Quốc tạo cho Việt Nam nhiều cơ hội nhưng cũng mở ra nhiều thách thức. DN Trung Quốc có thể nắm quyền điều hành DN Việt để tạo ra nguồn cung cho đất nước họ. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Anh Toàn, ban đầu, Trung Quốc chỉ góp vốn, nhưng dần dần sẽ trở thành cổ đông lớn và không bao lâu sẽ thâu tóm các DN Việt.
Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt May Việt Nam, một tập đoàn dệt may lớn của Trung Quốc vừa sang tỉnh Long An đầu tư một chuỗi nhà máy khép kín từ khâu sản xuất sợi đến dệt, nhuộm, may. Nhà máy này sẽ cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy dệt may khác của Trung Quốc đang đầu tư vào Việt Nam. Với nhà máy này, các DN Trung Quốc sẽ tạo được lợi thế trước DN Việt, vì có nguồn nguyên liệu đầu vào tại chỗ và được hưởng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do.
Hiện xuất khẩu Trung Quốc vẫn còn lệ thuộc rất nhiều vào thị trường Mỹ, việc “dọn” qua Việt Nam sản xuất có thể dùng nhãn hiệu “made in Vietnam" để quay lại thị trường Mỹ và tránh thuế nhập cảng của Mỹ. Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - nếu điều này thực sự xảy ra, sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động cũng như uy tín, mối quan hệ của nhiều DN Việt với cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh đó, sự có mặt của các DN Trung Quốc tại Việt Nam sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh về lao động. Theo ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM - chi phí nhân công tại Trung Quốc đang tăng cao; việc đầu tư vào Việt Nam giúp họ giảm chi phí về nhân công nhưng sẽ thu hút một lượng nhân công của DN Việt, trong khi nhân công ngành dệt may của Việt Nam đang thiếu trầm trọng.
Vấn đề đáng lo ngại nhất chính là việc DN Việt phải đối mặt với nguy cơ hàng hóa giá rẻ Trung Quốc ồ ạt tràn vào Việt Nam. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đồng nhân dân tệ (NDT) liên tục bị phá giá và mất giá sẽ tạo ra chênh lệch mất giá giữa NDT so với VNĐ là rất lớn. Do vậy, giá hàng hóa, trong đó có thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ cao hơn, gây khó khăn cho việc tiêu thụ. Xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc luôn tăng trưởng ổn định các năm vừa qua, nhưng trong quý đầu tiên của năm nay, xuất khẩu cả tôm và cá tra Việt Nam sang Trung Quốc đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
“Hiện nước cạnh tranh xuất khẩu lớn nhất với Việt Nam tại thị trường Trung Quốc là Ấn Độ, đang có nguồn cung tôm giá rẻ hơn, đồng rupee cũng bị phá giá sâu so với USD, nên chênh lệch mất giá với NDT ít hơn so với VNĐ. Do vậy, Ấn Độ sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc và Việt Nam sẽ bị áp lực cạnh tranh mạnh hơn” - VASEP cho biết.
Học cách “tự lực cánh sinh”
Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, hàng hóa Trung Quốc vốn đã rẻ, nay càng rẻ hơn nên Chính phủ cần kiểm soát tình trạng nhập lậu qua biên giới chặt chẽ hơn. Cần tiếp tục giảm bớt những thủ tục hành chính, những chi phí, các loại thuế không cần thiết để hỗ trợ DN Việt cạnh tranh tốt hơn không chỉ đối với DN Trung Quốc mà cả những DN của nước khác.
Việc mở cửa sâu rộng cho các nhà đầu tư từ nước ngoài sẽ giúp tiếp cận nhanh hơn, hiệu quả hơn nguồn vốn sẵn có, nhưng cũng chỉ nên mở cửa chứ đừng “thả cửa”. Chính phủ cần phải xét lại Luật Đầu tư để có thể kiểm soát chặt chẽ các nhà đầu tư nước ngoài, nhằm tránh tình trạng các DN Trung Quốc lợi dụng mở cơ sở sản xuất tại Việt Nam để bán sản phẩm sang Mỹ.
“Về phía DN, cần phải chủ động tìm cách ứng phó trước xu hướng đồng NDT giảm giá. Để giữ thị phần và uy tín trên thương trường, cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm cách giảm chi phí để sản phẩm đến tay người tiêu dùng không bị tăng giá. Thay vì phải trông chờ vào sự hỗ trợ của Chính phủ, các DN phải học cách “tự lực cánh sinh” trong bối cảnh này” - tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói.
Nếu đồng NDT tiếp tục phá giá, để tránh ảnh hưởng của hàng hóa Trung Quốc ào vào Việt Nam, theo một số chuyên gia, cần phải phá giá VNĐ. Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - Cố vấn cao cấp Hội đồng quản trị Ngân hàng Quốc Dân (NCB) - chiến tranh thương mại chưa có điểm dừng. Sắp tới, có thể Mỹ sẽ xem xét đánh thuế thêm 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong tháng Năm này, đồng NDT mất giá khá mạnh, sắp tới sẽ tiếp tục mất giá. Nếu đến ngưỡng 7 NDT/USD, sẽ rất nguy hiểm. Hiện Việt Nam đang ở vào thế rất khó, một mặt muốn giữ VNĐ ổn định so với USD, nhưng vì đồng NDT đang mất giá quá lớn so với USD, nếu vẫn giữ ổn định một cách cứng nhắc thì hàng hóa Trung Quốc sẽ tuồn vào Việt Nam nhiều hơn.
“Việc phá giá VNĐ có thể được lợi là hạn chế tình trạng hàng Trung Quốc ồ ạt tràn vào Việt Nam, hỗ trợ xuất khẩu. Tuy nhiên, phá giá cũng gây ra bất lợi nên không được phá giá mạnh tay mà chỉ cần dung hòa giữa xuất khẩu và nhập khẩu. Khi VNĐ mất giá, hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào sẽ trở nên đắt đỏ nếu quy ra VNĐ, có thể tác động tới lạm phát, làm tăng nợ công. Các DN cần chủ động đề phòng rủi ro tỷ giá, rủi ro về lãi suất để tránh những biến động khó lường của thị trường trong tương lai, chủ động tự bảo vệ thay vì chỉ trông chờ vào việc bảo hộ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước. Đặc biệt, cần chú ý theo dõi các biến động của đồng NDT” - tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.
Trung Quốc phá giá đồng NDT nhằm giảm tác động thực tế của thuế quan lên hàng hóa xuất khẩu đến Mỹ. Nếu NDT giảm giá 10% thì với thuế quan 25% Mỹ áp lên hàng Trung Quốc, giá hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ chỉ tăng 15%. Đồng NDT bị phá giá thì VNĐ khó tránh khỏi bị tác động. Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, sức ép lên tỷ giá đến từ nhiều phía nhưng không đến mức căng thẳng. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng đang ở mức kỷ lục. Hiện doanh số thanh khoản ngoại tệ cho doanh nghiệp vẫn ổn định. Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường. |
Thanh Hoa