Giáo dục luôn đòi hỏi người thầy phải làm mới mình
Không chỉ chất đầy hành trang trên vai học trò, mà thầy cô giáo - những “người đưa đò thầm lặng” còn đồng hành trên từng bước đường đi tìm tri thức của học sinh. Chính vì thế, giáo dục luôn phải đổi mới, luôn đòi hỏi người thầy phải làm mới mình, để góp phần làm cho mỗi ngày đến trường phải là một ngày vui cho cả thầy lẫn trò.
|
Học sinh náo nức trong ngày khai giảng |
Đổi mới giáo dục là tất yếu, là xu hướng hội nhập thế giới, nhưng phụ huynh học sinh và cả đội ngũ giáo viên đã quá ngán ngẩm với hai từ “đổi mới”. Dễ dàng nhận thấy việc “cải cách” giáo dục qua các đợt thay đổi phương thức thi tốt nghiệp phổ thông và thi đại học, qua các đợt thay đổi sách giáo khoa… và đến nay vẫn tiếp tục “cải cách”.
Chưa có một hội thảo khoa học nào đánh giá một cách nghiêm túc, sâu rộng, để nhìn nhận khách quan những cái được và chưa được của những đợt “cải cách” trước đó. Và cũng chưa có một ai đứng ra chịu trách nhiệm cho những sai lầm, những hạn chế đã có tác động không nhỏ đến đại bộ phận người dân, mà đầu tiên là giới học sinh, sinh viên. Thay vào đó chỉ là những thí điểm ồ ạt, tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng ngân sách mà hiệu quả chưa được kiểm chứng.
Cần lắm sự chân thành tiếp thu những góp ý từ những trí thức đích thực, những chuyên gia giáo dục chân chính, để xây dựng được một triết lý giáo dục làm tôn chỉ, một chiến lược giáo dục bền vững và những mục tiêu giáo dục cụ thể, nhất quán và xuyên suốt từng cấp học.
Những chính sách giáo dục cần được triển khai có kế hoạch, kịp thời và đầy đủ, để đội ngũ cán bộ giáo dục có những sự chuẩn bị và điều chỉnh để làm chủ tình hình. Điều này cũng đồng thời tạo niềm tin cho phụ huynh học sinh, khi họ đã quá “chóng mặt” với những thay đổi của ngành giáo dục.
|
Một năm học mới lại bắt đầu |
Xin nêu ra các đề xuất của nhà nghiên cứu Giản Tư Trung về giải pháp đổi mới giáo dục :
1. Xác định cái đích muốn đến thì mới tìm đúng con đường để đi.
2. Thay đổi thang đo đánh giá theo xu thế hội nhập thế giới, và khu vực.
3. Thay đổi con người trước khi thay đổi chương trình.
Người thầy giỏi phải là người thầy hiếu học!
Ngày nay học sinh đến trường không chỉ học cho được cái bằng này bằng nọ, mà là “học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. Để làm được điều này, thiết nghĩ giáo viên cần thay đổi rất nhiều về phương pháp giảng dạy và cách đánh giá.
Quan điểm dạy học “lấy người học làm trung tâm” đang được quan tâm và phổ biến ở nước ta trong những năm gần đây. Các hình thức tổ chức dạy học được sử dụng nhiều nhất là tự học, học theo nhóm, trò chơi đóng vai, hoạt động thực tiễn, tham quan… Từ đó học sinh hoạt động tích cực, phát huy sức sáng tạo, tự tin, biết cách tự học, biết cách giao tiếp xã hội, tăng cường khả năng phản biện, kích thích việc tìm tòi, đem đến sự hứng thú học tập khi được tiếp cận gần hơn với thực tế.
Người thầy đánh giá học sinh qua quá trình chủ động tìm tri thức, hơn là đợi chờ một kết quả “đẹp” đúng như trong lý thuyết.
Một năm học mới với bao kỳ vọng |
|
Sự bùng nổ thông tin trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều thách thức đối với giáo viên. Trong một thế giới phẳng thì việc trò giỏi hơn thầy là điều có thể. Học sinh có thể tham khảo từ các nguồn thông tin trên mạng, cũng có thể chính những suy nghĩ không bị rập khuôn đã giúp các em tìm được một lời giải tốt hơn cho các vấn đề.
Ý thức được trách nhiệm, cũng như mong muốn đem đến cho học sinh những cách giải tối ưu thì giáo viên phải không ngừng trau dồi, cập nhật kiến thức, nhằm tránh bị tụt hậu ngay trên sân nhà. Người thầy giỏi phải là người thầy hiếu học để có thể truyền cảm hứng học tập cho học trò.
Người thầy chinh phục học trò bằng trình độ học thức, bằng sự gương mẫu, tận tụy, để học trò không cảm thấy tự ti vì thầy quá hoàn hảo, mà còn có niềm tin sau những lần va vấp. Học trò chính là thang đo chính xác nhất, là thành quả giáo dục của thầy cô trên bước đường trồng người. Trò giỏi hơn thầy là niềm hạnh phúc của người thầy.
Giáo viên cần thay đổi phương pháp đánh giá, phải có cái nhìn mới, không áp đặt chủ quan lên học sinh, nhưng là nhìn nhận sự tiến bộ của các em, nhìn thấy sự phản biện là động lực của sự phát triển. Người thầy cũng học lại từ chính học trò mình. Đừng ngại thừa nhận hạn chế của mình, vì sự cầu thị của người thầy sẽ làm thầy sáng hơn trong mắt trò.
|
Thầy và trò |
Comenxki, một nhà giáo dục lỗi lạc đã nói: “Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Người thầy không đơn thuần chỉ là người cung cấp kiến thức, mà là người khơi dậy ngọn lửa trong tâm hồn mỗi học sinh. Chính vì thế, nghề giáo bất kể thời nào cũng là nghề cao quý và người thầy nào cũng xứng đáng được tôn vinh.
Chúng ta có quyền hy vọng vào sự vươn lên của nền giáo dục nước nhà. Giáo dục cần được thay đổi. Giáo dục cần những người thầy tài năng để đào tạo thế hệ tương lai toàn diện. Chúng ta không thiếu nhân lực, tài lực. Cái cần của ngành giáo dục hiện nay chính là “sợi chỉ đỏ” trong định hướng giáo dục chứ không phải là “sợi dây kinh nghiệm” rút hoài không hết.
Giáo dục không chỉ chú trọng phổ cập giáo dục các cấp, thay đổi khung chương trình, gộp - tách các môn học, hay chỉ là loay hoay với những giải pháp chống tiêu cực trong thi cử. Điều cần thiết hiện nay là một cơ chế mở để tạo điều kiện cho những tập thể và cá nhân mạnh dạn đổi mới, hướng đến một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại.
Lâm Vũ Công Chính
(Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM)