Trồng sầu riêng chỉ lo chạy theo số lượng là thua

20/02/2025 - 12:14

PNO - Cả nước hiện có khoảng 155.000ha sầu riêng, nhưng mới chỉ có khoảng 25.000ha được cấp mã số. Đã đến lúc cần tập trung vào chất lượng sầu riêng, không phải chỉ chạy theo số lượng như hiện nay.

Thị trường xuất khẩu sầu riêng Việt Nam ngay đầu năm 2025 gặp phải thách thức mới khi Trung Quốc tăng cường các biện pháp kiểm định.

Sau Tết Nguyên đán, mặt hàng sầu riêng – một trong những nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bất ngờ giảm giá chỉ bằng 1/3 so với trước tết. Một trong nhiều nguyên nhân là Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu sầu riêng Việt Nam lớn nhất những năm qua tăng cường kiểm định chất lượng với chất vàng O. Đây là loại chất bị cấm dùng trong thực phẩm vì có thể gây ngộ độc.

Sầu riêng đang trở thành 1 trong những nông sản chủ lực của Việt Nam
Sầu riêng đang trở thành 1 trong những nông sản chủ lực của Việt Nam

Sầu riêng khi xuất khẩu ra châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều phải qua khâu kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm. Nay thị trường được xem là dễ tính như Trung Quốc cũng xiết chặt khâu kiểm định chất lượng. Đáng lẽ đây là điều chúng ta phải chủ động lường trước khi xác định sầu riêng là một trong những nông sản chủ lực để phát triển. Trung Quốc thắt chặt khâu kiểm định chỉ là việc sớm muộn để bảo vệ người tiêu dùng của nước họ.

Từ năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch sầu riêng Việt Nam, diện tích trồng sầu riêng trong nước tăng nhanh. Đến cuối năm 2024 cả nước đã có khoảng 155.000ha trồng sầu riêng. Với năng suất bình quân 25 - 30 tấn/ha. Năm 2024, sầu riêng xuất khẩu mang về cho Việt Nam 3,2 tỷ USD. Việt Nam vẫn còn có thể xuất khẩu nhiều hơn nữa vào Trung Quốc - thị trường tỉ dân trong năm 2025.

Thế nhưng, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích vùng trồng sầu riêng đã được cấp mã số trong cả nước mới chỉ đạt khoảng 25.000ha, như vậy số diện tích sầu riêng còn lại thì sao? Đã đến lúc cần tập trung vào chất lượng sầu riêng, không phải chỉ chạy theo số lượng như hiện nay.

Như tỉnh Tiền Giang có khoảng 24.500 ha sầu riêng, cung cấp cho thị trường gần 500.000 tấn trái mỗi năm được cấp tới 155 mã số vùng trồng và 316 mã số cơ sở đóng gói để xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây được xem là một trong những tỉnh rất quyết liệt ngay từ đầu để đảm bảo chất lượng sầu riêng. Nhưng sau đó dù đã rất sát sao nhưng vẫn có một số mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói bị tạm dừng xuất khẩu vì doanh nghiệp vi phạm các quy định về sử dụng mã số.

Để tăng lợi nhuận cũng đã có hiện tượng cắt sầu riêng non cho sản lượng cao hơn 10% so với sầu riêng chín. Và có lẽ để có màu sắc giống như sầu riêng chín mà chất vàng O đã được sử dụng. Trước vụ có chất vàng O trong sầu riêng, các nước nhập khẩu sầu riêng ở châu Âu đã từng phát hiện và cảnh báo hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật còn tồn dư cao trên sầu riêng như: Carbendazim, Fipronil, Azoxystrobin, Dimethomorph, Metalaxyl, Lambda-cyhalothrin, Acetamiprid nên đã tăng tần suất kiểm tra mặt hàng sầu riêng các nước Đông Nam Á từ 10% lên 20%.

Thời gian qua, các cơ quan quản lý Việt Nam đã có rất nhiều biện pháp để tăng cường uy tín cho sầu riêng trong nước như hướng dẫn nông dân trồng sầu riêng hữu cơ, có biện pháp chặt để quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Ngay cả quản lý thời điểm thu hoạch sầu riêng cũng phải được bộ phận có thẩm quyền chấp thuận nhà vườn mới được cắt trái, nhưng có lẽ những biện pháp này vẫn chưa đủ, còn quá nhiều kẽ hở.

Việt Nam đặt kỳ vọng xuất khẩu rau quả năm 2025 tăng lên 8 tỷ USD, trong đó sầu riêng có tỷ trọng cao nhất. Muốn vậy người trồng sầu riêng Việt Nam phải có ý thức gìn giữ uy tín “con gà đẻ trứng vàng” của mình. Mặt khác ngành nông nghiệp cần tập huấn hướng dẫn nông dân để chuyên nghiệp hơn trong sản xuất trái sầu riêng. Ngành cũng cần có biện pháp kiểm soát chặt diện tích, tránh bùng nổ trồng sầu riêng…

Những biện pháp nhằm quản lý chất lượng sầu riêng nói trên không chỉ để xuất khẩu mà cần đảm bảo quy chuẩn ngay từ trong nước. Sao cho sầu riêng tiêu thụ trong nước có chất lượng phải bằng, thậm chí có thể cao hơn cả hàng xuất khẩu. Không thể để tồn tại việc sầu riêng không đảm bảo an toàn khi xuất khẩu thì có thể mang ra chợ bán, kêu gọi “giải cứu”.

Có như vậy sầu riêng của Việt Nam mới có thể khẳng định uy tín trên thị trường quốc tế, bất chấp tần suất kiểm tra. Và người nông dân có thể yên tâm làm giàu từ trái sầu riêng – một đất nước có thế mạnh về thổ nhưỡng và khí hậu mà không phải nước nào cũng có.

Nguyễn Thu Đăng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI