Kính gửi cô Hạnh Dung,
Tôi 56 tuổi, nhà cửa khang trang, con cái đều đã trưởng thành và có công việc tốt; người ngoài nhìn vào cứ nghĩ cuộc sống của tôi rất viên mãn. Thật ra, đời tôi là một chuỗi dài buồn chán, cô đơn trong chính mái nhà của mình.
|
Ảnh minh họa |
Thời còn đi làm, có giao tiếp xã hội, có đồng nghiệp để chuyện này chuyện nọ cũng đỡ; giờ nghỉ hưu, quanh quẩn với bốn bức tường, bệnh tật lặt vặt bủa vây, cái cảm giác cô đơn, trống rỗng gặm nhấm tôi càng kinh khủng hơn. Chồng con ai cũng có việc riêng của mình, tôi chẳng biết chia sẻ cùng ai.
Vợ chồng tôi từ lâu chỉ còn cái vỏ hôn nhân, tình cảm đã thui chột ngay từ sau ngày cưới, cạn kiệt dần theo thời gian. Ông ấy là người ích kỷ, chỉ quan tâm đến bản thân và địa vị của mình. Mấy mươi năm chung sống, ông ấy cứ đi từ sáng đến tối mịt mới về, bỏ mặc tôi xoay xở chuyện nhà cửa, con cái.
Với ông ấy, mỗi tháng chỉ đơn giản là đưa vợ một khoản tiền, coi như xong trách nhiệm làm chồng, làm cha! Ông ấy không hề biết nghĩ là trong cuộc sống, tiền bạc đâu phải là tất cả. Thời trẻ, tôi đã làm đủ cách để ông ấy quan tâm hơn đến vợ con, nhưng lời vợ chỉ như gió thoảng qua tai, ông ấy vẫn cách của mình vậy mà sống.
Cả đời tôi chưa từng nhận được một chút chăm sóc, yêu thương từ chồng. Mòn mỏi, chán chường, tôi dần như người vô cảm. Tôi đã nhiều lần tính chuyện chia tay nhưng nhìn con lại không nỡ. Vả lại, ông ấy cũng không bồ bịch, rượu chè gì; chỉ lo cho bản thân, sống thờ ơ với vợ con.
Cả đời tôi luôn khao khát và cố gầy dựng một gia đình đầm ấm nhưng cuối cùng tất cả chỉ là một giấc mơ. Mỗi ngày trôi qua là thêm một ngày tôi cay đắng nhận ra sự bất lực của mình. Ngay lúc này, tôi chỉ muốn nương nhờ cửa Phật để tìm bình an; không thì cũng ly hôn cho nhẹ lòng, chẳng còn phải vướng bận nữa.
Tôi luôn có cảm giác ngột ngạt đến không thở nổi, suy nghĩ rối bời, người như chẳng còn chút sức sống. Tôi phải làm gì đây?
Mẫn (Q.11, TP.HCM)
Chị Mẫn mến,
Hạnh Dung nghĩ, có thể chị đang còn trong trạng thái khủng hoảng tâm lý tuổi về hưu; cộng thêm đời sống hôn nhân không được như mong muốn, nên đã nhìn hiện tại bằng con mắt hơi tiêu cực.
Thực tế, đâu đến nỗi chị phải tìm nương cửa Phật hay ly hôn mới giải tỏa được u uất trong lòng. Nếu định hướng lại cách nghĩ, thay đổi lối sống tích cực hơn, chị hoàn toàn có thể vượt qua được cảm giác cô đơn, buồn chán đang nặng trĩu.
Thông thường, khi về hưu ai cũng thay đổi hoàn toàn nhịp sống, mất đi môi trường đã quen thuộc suốt mấy mươi năm, nên nếu không chuẩn bị tốt tâm lý để thích nghi, sẽ dễ phát sinh cảm giác mình đã thành một người vô dụng, thừa thãi; dễ buồn chán, tự ái; thấy cuộc sống trống rỗng vì chẳng còn gì để làm, mình chẳng còn cần cho ai.
Đã vậy, đây còn là cái tuổi sức khỏe xộc xệch, trăm thứ bệnh rủ nhau ghé tới, nên càng thêm mệt mỏi, bức bối.
Lúc này, quan trọng nhất là chị đừng để bị chìm đắm vào ý nghĩ cả đời mình chẳng được gì, chẳng còn gì, tất cả chỉ là nỗi cô đơn. Hãy nhìn bằng cái nhìn tích cực hơn, chị sẽ thấy khác hẳn. Cũng người chồng ấy, chị đã chấp nhận chung sống gần hết một đời, thì có gì để phải bức xúc thêm? Anh ấy vẫn vậy chứ đâu có chút thay đổi nào.
Chị đã xác định chẳng thể trông mong được chút tình cảm nào từ anh ấy thì quay quắt thêm làm gì? Còn con cái? Nhà ai cũng vậy thôi. Con cái cũng đều bị cuốn theo guồng quay của con cái: công việc, sự nghiệp, vui chơi, rồi cả chuyện lập gia đình…; người già phải hiểu và chấp nhận.
Cụ thể, chị nên chú ý đến việc chăm sóc bản thân, giải quyết những vấn đề sức khỏe mà trước đây vì không có thời gian mình đã bỏ qua. Chị có thể lên lịch sinh hoạt mới, dành thời gian giải trí, thư giãn, tập thể dục, học hoặc làm những việc mình thích mà chưa thể làm được.
Từ những việc đó, chị có thể tham gia các câu lạc bộ, các nhóm thích hợp với tuổi tác và có chung sở thích với mình (nhóm thể dục, nhóm du lịch, nhóm từ thiện…). Mở rộng giao tiếp, có thêm bạn bè, thêm nhiều điều để quan tâm…; cảm giác cô đơn, trống rỗng, thừa thãi sẽ dần bị đẩy lùi.
Nếu thấy còn hứng thú và sức khỏe, chị cũng có thể tìm một công việc gì đó nhẹ nhàng và phù hợp để làm, chủ yếu là để tìm niềm vui trong công việc, duy trì giao tiếp xã hội… Chị hãy tích cực lên, đừng tiếp tục sống thụ động nữa. Tuổi nào cũng có niềm vui riêng, mình chỉ cần bước ra và đón nhận. Chị đâu đã đến cái tuổi mà sức khỏe buộc phải nhốt mình trong bốn bức tường.
Hạnh Dung