"Bây giờ ăn gì cũng sợ”, có lẽ là câu than thở của rất nhiều người. Rau, củ, quả thì tồn dư phân bón, thuốc trừ sâu. Cá, thịt “ướp” u-rê, hàn the. Bún bị tẩy trắng. Rồi thực phẩm dùng màu công nghiệp độc hại…
|
Sau khi tập thể dục liền lấy vòi tưới một vòng các luống rau, mướp, bầu, bí, cà chua, su su... Tưới xong, ngồi ngắm, thấy cuộc sống thật diệu kỳ. (Ảnh minh họa) |
Người vô tư thì bảo, người có số, đâu phải muốn là chết ngay. Có người chẳng bao giờ uống hớp rượu lại bị ung thư gan, suy thận. Người quanh năm tiệc tùng, bia rượu lại thấy khỏe re. Kẻ chạy xe máy bạt mạng vẫn bình an vô sự; người cả đời đi đứng thận trọng, nhìn trước, ngó sau lại bị tai nạn giao thông…
Người hay lo thì đăm chiêu, biết ăn gì bây giờ? Ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn. Chất độc ngấm từ từ vào cơ thể rồi ngày nào đó bùng phát, trở tay không kịp.
Người bi quan, nhìn đâu cũng thấy vi trùng, hóa chất độc hại.
Người lạc quan lên dây cót, sợ thì tự trồng lấy mà ăn, cây nhà lá vườn giá trị không chỉ sạch mà còn lao động tay chân vừa khỏe ra lại giảm bớt ăn nhậu.
Nói là làm, đơn giản nhất là kiếm mấy thùng xốp, mua ít đất bỏ vào, đặt trên sân thượng hay ngoài hè, ban-công, tận dụng chỗ trống trong nhà, biến góc “chết” thành góc “sống” xanh tươi, mát mắt.
Rau gì có hạt giống ấy, ra chợ vừa ngỏ ý đã nghe cả tá lời khuyên nên trồng cây này, nuôi con kia. Nhiều ông thích cái gì cũng phải hoành tráng, trồng trong thùng xốp chỉ là giải pháp tình thế, quy mô nhỏ, ăn xổi ở thì.
Này nhé, đầu tư khoảng trên dưới 15 triệu đồng, thuê thợ về đo, vẽ diện tích trồng rau, khung, giàn… Chỗ nào trồng rau nấu canh, chỗ nào trồng rau ăn sống. Bầu, bí, khổ qua, mướp, gấc cho lên giàn… Bây giờ, đội ngũ chuyên thiết kế, thi công đến tận nhà. Anh cơ khí rút đi, anh nông nghiệp đến. Đất nào trồng thứ gì, tư vấn luôn xen canh, trái vụ ra sao… rất chuyên nghiệp.
Có ông không thích kiểu “khoán trắng” này, tự đo vẽ sân thượng để quy hoạch vườn nhà. Xong, kêu thợ đến làm đúng như thế. Vuông đất, giàn, vòi tưới, vòi phun… đâu đó sẵn sàng, bắt đầu vào “vụ”. Bây giờ dễ lắm, muốn trồng gì, chăm bón ra sao, cây nào ngắn hạn, cây nào chiến lược hỏi Google ra hết. “Ổng” còn chỉ vẽ chi tiết gieo thế nào, tưới ra sao, sâu bệnh nào, cách chữa trị…
Khu vườn đã xong. Sáng, chẳng cần đi bộ ra công viên mà lên sân thượng. Sau khi tập thể dục liền lấy vòi tưới một vòng các luống rau, mướp, bầu, bí, cà chua, su su... Tưới xong, ngồi ngắm, thấy cuộc sống thật diệu kỳ. Hôm trước còn lún phún mà hôm nay đã lên xanh mượt. Nhẩm tính, trưa ăn món gì, xà lách thịt bò hay cá chiên sốt cà chua; canh cải, mùng tơi hay rau ngót. Khổ qua làm món xào trứng coi bộ có lý.
Ăn miếng rau sạch thấy đã làm sao, mới thấy giá trị của nhà trồng. Buổi chiều lại có cớ trốn mấy cuộc nhậu, “thôi mấy chú vui với nhau đi, anh có việc bận ở nhà”. Thấy khỏe người, sống như vậy mới đáng sống. Lại thấy tiếc thời trẻ, phung phí sức cho các bữa tiệc bia rượu chảy tràn. Giờ đâm lo, không biết có để lại di chứng gì không. Thôi cố gắng thanh sạch, tới đâu hay tới đó.
Và như thế, cái vườn nhỏ trên sân thượng giải quyết nhiều vấn đề. Ăn không hết thì nhắn anh em, bà con đến cho. Vừa có cơ hội khoe vườn vừa được tiếng rộng rãi, mà còn được khen giỏi quá, anh chị được vậy là nhất. Cười khà khà, “chú mày thấy công lao động của anh được đền bù xứng đáng không?”.
Mấy anh trẻ ở cơ quan thấy vậy bắt chước. Nhà chung cư không có điều kiện thì làm cái khung sắt đặt khít góc sân phơi phía sau. Mua mấy cái khay nhựa, bỏ lớp đất vừa đủ rồi gieo hạt. Khoảng một tuần, mười ngày thấy ngay thành quả. Lại có chuyện rôm rả cho chầu cà phê buổi sáng: “Chỉ cần chịu khó chút là có rau sạch ăn. Nhà tớ rau ăn không hết phải chia bớt cho hàng xóm”. Vậy mà vui, bớt đi các khoản bù khú bên ngoài vì còn trách nhiệm với việc “nhà nông”, đỡ cái khoản đi ăn quán, đã tốn kém lại thêm nghi ngại vệ sinh an toàn thực phẩm.
Có ông lui về vườn, đào ao, thả cá, nuôi thêm bầy gà, bầy vịt. Lâu lâu rủ đệ tử, chiến hữu đến tham quan, làm bữa cây nhà lá vườn, lại được khen, “anh chỉ cần trồng lúa nữa là đủ bộ thực phẩm sạch”.
Mới thấy, đi năm châu bốn bể, ăn sơn hào hải vị cỡ nào cũng không quý bằng miếng rau sạch mình trồng.
Xem ra, cái “chân quê” muôn đời vẫn giá trị. Không chỉ sạch mà quan trọng là không phải lo.
Đó mới là chất lượng cuộc sống, nhiều ông nói vậy.
Kim Duy