edf40wrjww2tblPage:Content
Lúc tìm hiểu, anh bảo, mẹ anh hiền lắm, không nặng lời với ai bao giờ. Ba anh thật thà chất phác, cả đời chỉ lo làm lụng. Anh nói không sai. Chỉ là hơi thiếu. Bước chân vào nhà anh, chị mới biết thêm rằng, mẹ không dữ nhưng hay giận dỗi, bỏ cơm, hờn lẫy vì những nguyên nhân nhỏ nhặt đến mức chị cũng không ngờ tới. Nhiều năm rồi mẹ sống nhờ mấy thức uống dinh dưỡng và những ngày cuối tuần truyền đạm, truyền nước. Tiền lương của anh đổ vào thang thuốc cho mẹ và chi dùng cá nhân, là vừa đủ. Ba anh có lẽ bởi chỉ quen đi làm, nên tính khí có phần lạ lẫm, thích giữ tiền và luôn muốn tỏ rõ quyền uy của mình trong gia đình.
Chị lấy anh khi vừa ra trường, đám cưới xong vài tháng mới bắt đầu đi làm. Sau chị, còn bốn đứa em nữa. Nghĩ mình chị Hai mà đã vội lo yên ấm cho bản thân, chưa phụ giúp gì cho gia đình, chị không ít lần cảm thấy có lỗi. Thế nhưng, muốn cho mẹ, cho em chút đỉnh gì đó, thì ai nấy đều đây đẩy từ chối. Bởi cả gia đình chị đều hiểu và thương chị, gia đình chồng nặng gánh như thế, chị lấy đâu ra mà dư dùng…
May mắn thay, chị kiếm được công việc tốt, thu nhập năm đầu tập sự còn cao hơn mức lương chuyên viên của anh ở một cơ quan nhà nước. Khi bạn bè cùng độ tuổi xênh xang váy áo, hớn hở cà phê xem phim, thì chị lầm lũi công việc, chăm hai đứa con nhỏ cho anh yên tâm học cao học. Thế giới của chị quanh quẩn ở vài địa điểm: đi làm, về nhà, đi chợ, đón con… Vậy thôi.
Ba mẹ anh bảo, vợ chồng bây cứ lo cho ba mẹ chu toàn, rồi thì căn nhà này cũng để cho tụi con chứ ai vào đây nữa. Không hẳn vì lời hứa hẹn đó, nhưng vì thương anh, chị chẳng nề hà lúc gửi tiền về quê xây mộ, khi nể lời mẹ mà cho anh chồng mượn vài cây vàng làm vốn đi biển… Gái có công, chồng chẳng phụ, chị vẫn luôn tin như vậy.
Ừ thì, anh chưa lần nào tỏ ý gì không tốt với chị. Chỉ thi thoảng trong câu chuyện vu vơ của cả nhà, ba anh kể, hồi xưa ông nọ ông kia ngoài quê vì thương quý anh mà muốn làm sui, nhà họ giàu lắm, có tiệm thuốc tây, có cả đoàn tàu đánh bắt xa bờ… chẳng hạn. Giờ mỗi lần về quê vẫn còn cảm thấy tiếc… Cũng có lần chị thoáng nghe anh tâm sự với đứa cháu trai sắp lập gia đình rằng, cưới vợ mà khác biệt vùng miền hay quan điểm sống gì gì đó, thì khó hạnh phúc lắm. Chị hơi chạnh lòng, nhớ lại những lần anh thờ ơ trước mâm cơm chị dọn, bởi theo anh, có cố thế nào thì chị nấu vẫn không đạt được cái khẩu vị mà anh vốn quen từ tấm bé…
Ảnh: Phùng Huy
Mẹ chồng mất. Căn nhà đang ở được bán đi, chia năm xẻ bảy. Còn lại phần anh và ba chồng, cộng thêm số tiền dành dụm được và một khoản vay ngân hàng không nhỏ, vừa đủ để mua cái tổ be bé khác ở một quận vùng ven. Lúc làm giấy tờ nhà, chồng chị bao phen lừng khừng không quyết được việc ai sẽ đứng tên. Đó là lần đầu tiên từ ngày bước chân vô cửa nhà anh, chị lên tiếng bảo: "Em và anh cùng chứng minh thu nhập và đứng tên trên sổ hồng thì mới vay ngân hàng được…".
Chẳng biết có phải vì không còn “đường binh” nào khác hay không, mà chị đã được cùng anh sở hữu một nửa món đồ có giá trị nhất: căn nhà mới. Ba mẹ chồng vẫn còn một ngôi nhà cũ ngoài quê, vợ chồng anh Tư đang ở từ hồi nào giờ. Chị dâu anh không sinh được con, vì anh Tư chạy chữa nhiều nơi không có kết quả. Có lẽ cảnh nhà hiu quạnh làm người anh chồng muộn phiền, sinh ra nhậu nhẹt. Đôi lần về thăm quê chồng, chị cám cảnh thương chị dâu chịu đựng cuộc sống vất vả, vừa lo kinh tế cho cả nhà vừa phải thường xuyên ra vô bệnh viện chăm chồng, hậu quả của những cơn say rượu triền miên. Thế nhưng, khi nghe gia đình chồng bàn bạc về tài sản của ba mẹ còn lại, chị choáng váng khi nghe anh đề nghị, không thể sang tên căn nhà đó cho anh chị Tư được. Bởi anh chị không có con cái, lỡ anh Tư có bề gì, ai dám chắc chị không coi đó là của riêng, lấy người khác về hưởng hết? Thôi thì để chị dâu yên tâm không nghĩ ngợi gì mà chăm sóc anh Tư hay đau bệnh, nhà mình cứ làm một tờ giấy, nói rõ sẽ để anh chị được ở trong căn nhà đó cho tới khi nào anh Tư vẫn còn. Tính như vậy đi, chẳng phải tình lý vẹn toàn đó sao?
Cuộc họp gia đình đó, chị là con dâu, đương nhiên là không được ngồi tham dự. Chị chẳng thể nêu lên ý nghĩ vụt qua đầu mình rằng, vậy bao nhiêu năm tháng đẹp nhất của đời người, chị dâu đã dành cho anh Tư, đã nhất quyết theo anh Tư dù anh không thể làm cha, không lao động nặng được, chỉ nhậu nhẹt và đau bệnh, thật ra không chút ý nghĩa gì hay sao? Nó không đáng để ai đó trong nhà nhìn ra chút tình nghĩa, hay chỉ một tờ giấy “cam kết quyền lợi” của ba anh là đủ, là xứng đáng với chị dâu rồi?
Dưng không chị thấy mình sợ. Sợ gì thì chị không rõ. Nhưng bỗng nhiên cảm giác người đàn ông đang ở bên cạnh mình sao mà toan tính và đành đoạn quá. Tưởng như không ai hoặc bất kỳ điều gì có thể xen vào làm “thất thoát” tài sản lẫn tình cảm gia đình ruột thịt của anh được. Càng gợi lên trong lòng chị ý nghĩ, có vẻ như chỉ riêng anh là có cha mẹ, anh em, còn chị và những “người ngoài” khác thì chẳng có gì để phải áy náy…
Lòng vòng, tâm trí chị nhớ đến hơn mười năm đi làm của mình, để nhìn lại chị có gì làm của riêng hay không. Lẹt đẹt mãi, chị cũng không qua được cái chữ nhân viên quèn, bởi bận bịu với hai con nhỏ, lo toan những việc không tên trong nhà là đủ mệt nhoài. Anh về đến là có cơm canh nóng sốt, con cái đã tắm rửa xong xuôi. Mỗi tối sau khi dỗ con ngủ, chị lại mở máy tính làm thêm.
Giờ ba chồng chị đã yếu hơn, chỉ thích ăn phở mua ngoài, tới bữa cơm thì nửa tỉnh nửa mơ bảo, canh dở là tao không ăn cơm đâu. Chị nhìn anh tất bật mang những thứ ba thích về trữ trong nhà, chợt chạnh lòng nhớ tới cà mên cơm nguội lạnh hàng ngày của mình ở văn phòng...
Hoàng My