Trong nhà có hương

17/02/2022 - 07:00

PNO - Hồi trung học phổ thông, đọc trích đoạn “Trao duyên” của Truyện Kiều, có lẽ không mấy cô cậu học trò hiểu được hết vẻ thơ mộng, tao nhã của câu: Đốt lò hương ấy, so tơ phím này.

Khi Thúy Kiều phải bán mình chuộc cha, nàng đã trao duyên cho em gái Thúy Vân cùng tín vật giữa mình và Kim Trọng: phím đàn và mảnh hương. Hai vật gợi nhớ đêm Kiều ngồi đánh đàn cho chàng Kim, bên cạnh lò đốt hương tỏa mùi thơm dịu nhẹ. Một khung cảnh trữ tình biết mấy!

Vào thời cổ đại, xông hương, đốt trầm là thú vui tao nhã dành cho lớp người khá giả. Ngoài tác dụng mang lại hương thơm và hơi ấm cho phòng ốc, nghệ thuật xông hương còn thanh lọc không khí, giúp tâm hồn thư thái. Đông y gọi các loại hương chiết xuất từ thiên nhiên như quế, trầm, hoa hồi, cỏ ngọt… là “huân hương” (hương thơm cây cỏ). 

Theo sách Đông y xưa, bệnh tật ở người một phần do tà khí xâm nhập cơ thể. Ngửi huân hương và các loại dược liệu góp phần khai thông kinh mạch, loại bỏ khí hư, làm lành mạnh cơ thể.

Chẳng hạn cây sả phơi khô có thể chống mối mọt cho quần áo; hoa hồ tiêu dùng làm thuốc Bắc có tác dụng làm ấm và hoạt khí, giảm đau, sát trùng, giải độc.

Các sách y học cổ xưa Hoàng đế nội kinh, Ôn bệnh điều biện, Thiên Kim yếu phương, Thương hàn luận... đều ghi lại việc dùng huân hương phòng trừ dịch bệnh.

Người xưa không chỉ đốt huân hương, mà còn cho bột hương liệu hoặc hoa cỏ khô (hoa nhài, hoa hồng, nhụy hoa sen…) vào túi vải tạo thành túi thơm. Túi thơm có kiểu dáng và màu sắc đa dạng, được trang trí họa tiết thêu, thắt thêm ruy-băng, tua rua, dây đính ngọc. Tầng lớp trung lưu trở lên đeo túi thơm ở đai lưng hoặc treo trong xe ngựa. Nhờ túi thơm kết hợp xông hương, các tiểu thư, mệnh phụ quý tộc lúc nào cũng tỏa mùi hương thoang thoảng, nhẹ nhàng. Vì vậy, thi ca Á Đông mới có câu “sắc nước hương trời” ca ngợi vẻ đẹp mỹ nhân lộng lẫy nhất đất nước, hương thơm của nàng như được trời ban.

Nam hay nữ đều có thể mang túi thơm bên người, nhiều đôi yêu nhau tặng “nửa kia” của mình túi thơm thay vật hẹn ước. Những tiểu thư giỏi thêu thùa sẽ tự tay làm túi thơm cho người yêu để tỏ lòng thành. Các nàng thích tô điểm túi thơm bằng hình đôi chim uyên ương - biểu tượng của tình yêu chung thủy, mãi không chia lìa.

Khi một cô gái làm túi thơm tặng anh/em trai trong gia đình, chiếc túi ấy có thể thêu cánh chim bằng tung bay, tượng trưng cho chí anh hùng và khát vọng làm nên đại nghiệp. Nếu người anh/em trai ấy sắp bước vào kỳ thi “vượt vũ môn”, túi thơm sẽ thêu hình cây quế và mặt trăng, diễn tả thành ngữ Trung Hoa xưa “Thiềm cung chiết quế” (bẻ quế cung trăng), ý nói sự đỗ đạt thành danh. Cũng có khi túi thơm được thêu cây trúc xanh, biểu thị cốt cách người quân tử...

Ngày nay, cảnh “đốt lò hương ấy, so tơ phím này” chỉ còn trong phim ảnh, tiểu thuyết cổ trang. Tuy nhiên, ở Nhật Bản vẫn tồn tại “Hương đạo” (Kodo), biến thú vui đốt hương liệu thành nghệ thuật. Người đam mê “Hương đạo” phải có giác quan nhạy bén cùng tâm hồn tinh tế, thanh tao. Vì chỉ khi tâm hồn đạt đến cảnh giới thanh tịnh, trong sáng, mới có thể đạt đến chữ “đạo” trong “Hương đạo”.

Theo quan niệm phương Đông, hương thơm của trầm là cầu nối giữa thế giới thực tại và tâm linh. Bởi thế mỗi dịp lễ tết, cúng giỗ, con cháu thường đốt nén nhang trầm tưởng nhớ tổ tiên. Bây giờ, trong nhiều ngôi nhà Việt vào buổi tối thường thoảng mùi hương của sả, của hoa cỏ, gỗ quý… để chủ nhà đọc sách hay xem phim trong bầu không khí trong lành dễ chịu. 

Bác sĩ Lan Hải
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI