edf40wrjww2tblPage:Content
Trong cuộc trò chuyện, khi được hỏi: “Ông có thể giải thích vì sao thời gian qua ở Hàn Quốc liên tiếp có nhiều ngôi sao điện ảnh tự tử?”, GS Kim trả lời ngay: “Tôi nghĩ là do họ ít đọc hoặc không đọc văn học. Phim ảnh thường phản ánh trực tiếp đời sống, còn văn học phản ánh được hiện thực đời sống. Nếu đọc và yêu thích văn học, họ đã không hành động đường đột như vậy. Bởi, văn học góp phần giúp con người giữ được phẩm chất nhân văn…”.
Hai bảo tàng văn học ở Hàn Quốc
Văn hóa được đặc biệt quan tâm và văn học được đặc biệt coi trọng nên chính phủ Hàn Quốc đã có một chiến lược phát triển văn hóa, trong đó văn học chiếm vị trí quan trọng. Một trong những cách làm hiệu quả là xây dựng và đưa vào khai thác mô hình bảo tàng văn học. Tính từ năm 1992 (bảo tàng văn học trinh thám đầu tiên được thành lập) cho đến nay, Hiệp hội Bảo tàng văn học Hàn Quốc đã có 61 bảo tàng và hơn mười bảo tàng chưa đăng ký thành viên. 15 bảo tàng đang xây dựng.
Mục tiêu của Hàn Quốc là đến năm 2019, số lượng bảo tàng văn học tăng gấp đôi hiện nay. Hiện nổi tiếng nhất là bảo tàng Xuân Hương ở thành phố Namwon (tỉnh Jeollabuk), dựa theo tác phẩm Xuân Hương truyện (được coi là tác phẩm “quốc bảo” của Hàn Quốc). Tiểu thuyết về tình yêu đôi lứa đẹp và buồn, được coi là “Chuyện tình của Romeo - Juliet ở Hàn quốc” đã được đa dạng hóa với nhiều hình thức kể chuyện qua các công trình phức hợp giữa bảo tàng và công viên.
Chính quyền địa phương Hwacheon (tỉnh Gangwon) đã đầu tư 7,5 tỷ won (7,1 triệu USD) xây dựng làng Gamseong, một công trình phức hợp bao gồm: ngôi nhà của nhà văn Lee Oi Soo, bảo tàng văn học, giảng đường… Từ khi có làng Gamseong, du khách đến địa phương này tăng nhanh. Hầu hết các bảo tàng đều mở cửa miễn phí. Ngoài vai trò chính là trưng bày, triển lãm, bảo tàng văn học Hàn Quốc còn là nơi tổ chức lễ hội văn học, các buổi ngâm thơ, bình giảng thơ văn, giới thiệu tác giả tác phẩm, trải nghiệm văn học, tổ chức các cuộc thi, các cuộc trao giải thưởng văn học…
Đưa văn học ra thế giới nằm trong chiến lược phát triển quốc gia mà Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc (Literature Translation Institute of Korea, KLTI) giữ vai trò cầu nối với các quốc gia. Chưa đầy 15 năm sau khi được thành lập, KLTI đã hỗ trợ dịch thuật và xuất bản sách văn học Hàn Quốc đến 30 nước trên thế giới với gần 800 đầu sách. Ở châu Á, với sự nỗ lực của chính phủ, thông qua các dự án dịch thuật và xuất bản của Viện Dịch thuật, quỹ văn hóa Daesan… văn học Hàn đã và đang đến với người đọc của hàng chục quốc gia.
Không chỉ chọn dịch, xuất bản các tác phẩm văn học Hàn Quốc (từ cổ điển đến hiện đại, từ lý luận đến sáng tác, từ thơ đến văn) sang nhiều ngôn ngữ, hàng năm, Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc còn tổ chức cuộc thi “Cảm nhận văn học Hàn Quốc” ở nhiều quốc gia, từ châu Á sang châu Âu. Đến nay cuộc thi này tổ chức lần thứ 9 ở Việt Nam. Tiểu thuyết Chơi Quiz Show và tập truyện ngắn Điều gì xảy ra, ai biết của nhà văn Kim Young Ha là hai tác phẩm được bình chọn của cuộc thi về “Cảm nhận văn học Hàn Quốc”.
Nhớ, cũng lần gặp GS Kim lúc ông còn làm Viện trưởng Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc, tôi có hỏi, vì sao lại chọn tác phẩm của Kim Young Ha, một ngòi bút luôn xoáy sâu vào góc khuất, vào nỗi niềm của người Hàn Quốc. GS Kim trả lời: “Văn học phản ánh tâm trạng xã hội và nhà văn Kim Young Ha đã làm được điều đó. Khác với phim ảnh, qua tác phẩm văn học, người đọc sẽ hiểu thêm chúng tôi một cách thấu đáo hơn”. Từ năm 1992 đến nay, văn học Hàn Quốc được dịch và xuất bản ở Việt Nam gần 60 tác phẩm, văn học Việt Nam được dịch và xuất bản ở Hàn Quốc hơn 20 tác phẩm.
Có lẽ do làn sóng phim Hàn, âm nhạc Hàn, thời trang Hàn, ẩm thực Hàn… lấn át nên các tác phẩm văn học Hàn Quốc, kể cả những tác phẩm từng có lúc là sách best seller ở Hàn Quốc lại không trở thành sách bán chạy ở Việt Nam. Quyển sách duy nhất được tái bản là Hãy chăm sóc mẹ của Shin Kyung-Soon. Ngược lại, trong số tác phẩm văn học Việt Nam được dịch và giới thiệu ở Hàn Quốc có khá nhiều tác phẩm được tái bản hoặc được dịch lại, in lại từ hai đến năm lần, như: Truyện Kiều của Nguyễn Du (tái bản hai lần), Việt Nam vong quốc sử của Phan Bội Châu (in năm lần với ba bản dịch), Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh, bản dịch của Ahn Kyung Hwan được tái bản bốn lần, Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài (tái bản hai lần), Áo trắng của Nguyễn Văn Bổng (tái bản hai lần)…
Điều đó, có thể cho thấy, song song việc đầu tư chọn tác phẩm, chuyển ngữ, xuất bản, việc quảng bá tác phẩm văn học nước ngoài đến với độc giả trong nước được Hàn Quốc xem trọng. Nhà văn Văn Lê, người có tiểu thuyết Nếu anh còn được sống được chọn dịch và giới thiệu ở Hàn Quốc cho biết, rất bất ngờ khi nhận được điện thoại của một tốp du khách là sinh viên người Hàn Quốc muốn đến tận nhà để gặp mặt và xin chữ ký tác giả vào quyển sách mà các em được đọc. Và khi tiếp xúc với những vị khách, nhà văn còn bất ngờ hơn khi các em không chỉ cảm nhận tác phẩm sâu sắc mà qua tác phẩm còn muốn hiểu thêm về con người, về đất nước Việt Nam.
Văn học luôn làm chiếc cầu nối giữa con người của những quốc gia có lịch sử, văn hóa, kinh tế và ngôn ngữ khác nhau. Khi văn học được mỗi quốc gia đặc biệt coi trọng và đầu tư đúng mức, đúng tầm thì hiệu quả từ đó mang lại, không chỉ là việc nuôi dưỡng tình cảm, nhân cách mà còn tạo ra nguồn lực phát triển văn hóa, phát triển kinh tế. Và, con người ắt hẳn sẽ gần nhau hơn khi văn học thực sự thấm sâu vào tâm hồn.
BÍCH NGÂN
Chương trình “Gặp gỡ văn chương Việt - Hàn” diễn ra tại trụ sở Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật TP.HCM sáng 14/11, với sự tham gia của nhà văn Hàn Quốc Kim Young Ha - người từng có ba tác phẩm được chuyển ngữ sang tiếng Việt: Chơi Quiz Show, Tôi có quyền hủy hoại bản thân, Điều gì xảy ra ai biết - và nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, cùng các nhà văn, dịch giả, các nhà phê bình văn học… Trong khuôn khổ chương trình cũng sẽ có buổi tọa đàm về phương hướng tăng cường trao đổi, hợp tác dịch thuật và giới thiệu văn học góp phần xúc tiến quan hệ Việt - Hàn. Ngày 15/11, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM sẽ tổ chức lễ trao giải cuộc thi viết Cảm nhận tác phẩm văn học Hàn Quốc dành cho sinh viên. Chuỗi sự kiện tiếp tục với chương trình Hội thảo dịch thuật văn học Hàn Quốc tại Việt Nam, sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 17/11. TIỂU QUYÊN |