Trong ngôi nhà mình đã cùng nhau vun vén

04/06/2016 - 12:53

PNO - Có lẽ, tôi ghét cay đắng loại đàn ông đánh phụ nữ là vì những hình ảnh mà tuổi thơ tôi đã trải qua.

1. Tôi là một người nhà quê, trong những vui sướng hay nhọc nhằn, đầy đặn hay tẻ nhạt của những năm tháng ấu thơ, tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu lần cảnh chồng đay nghiến hay đánh vợ.

Người quê hiền lành nhưng gắt tính, nói câu trước thì mặt đã đỏ gay, thêm câu nữa thì đã lấy tay chân thay cho ngôn ngữ.

Năm tôi hơn mươi tuổi, tôi thấy người phụ nữ hàng xóm bị đánh trước mặt mình. Cô bị đánh bằng cây, rồi tay, rồi đấm, rồi đá, rồi bằng bất cứ thứ gì chồng cô vớ được xung quanh. Hôm sau cô đi chợ, khuôn mặt sưng vù. Tôi không biết có điều gì khủng khiếp hơn tình huống đó. Tôi hốt hoảng vì không hiểu tại sao một người đàn ông lại có thể đánh phụ nữ dã man như vậy. Tôi lại càng hốt hoảng hơn vì không hiểu vì sao một người chồng có thể đánh vợ như kẻ thù như vậy.

Dì Út của tôi là một người phụ nữ bất hạnh. Cả cuộc đời dì cho đến giờ mới có được chút bình yên. Dượng của tôi ngày trước đánh dì như cơm bữa. Ngoại tôi khóc hết nước mắt, mẹ tôi tan nát cõi lòng. Tôi nhìn trọn vẹn bi kịch ấy. Những đứa em họ của tôi về sau, không đứa nào khả dĩ gọi là có một tương lai ổn định. Bây giờ, thì họ đã thôi nhau.

Có lẽ, tôi ghét cay đắng loại đàn ông đánh phụ nữ là vì những hình ảnh mà tuổi thơ tôi đã trải qua.

Tôi có đọc đâu đó rằng, một đứa trẻ được nuôi nấng trong một gia đình có tình trạng bạo lực thì sẽ có khuynh hướng sử dụng bạo lực để giải quyết mọi mâu thuẫn.

Tôi có cậu bạn ngày trước, bây giờ thì chúng tôi không chơi với nhau nữa. Chẳng vì sao cả, cậu bạn nhậu say đánh vợ, tôi khuyên nhiều lần bất thành. Tôi chẳng biết làm cách nào khác ngoài tuyệt giao với cậu bạn.

Trong ngoi nha minh da cung nhau vun ven
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Tôi cũng như mọi người, ngoài những bài viết mong chờ vào sự trân trọng nhau giữa những người sống cùng dưới mái nhà ra, quá khó để tôi có thể làm gì hơn điều đó. Bởi nếu con chữ có thể thay đổi được xung đột gia đình, cuộc sống đã tốt đẹp hơn biết bao nhiêu.

2. Người chị quen của tôi, rất thành đạt. Vẻ ngoài luôn quý phái sang trọng, hào nhoáng. Có tài xế riêng, đưa đón mỗi ngày.

Chỉ thân lắm thì mới biết chồng chị cay nghiệt với chị thế nào, từ lời nói cho đến hành động. Chị là trí thức, chị loay hoay mãi với câu hỏi, nên tiếp tục chung sống hay ly hôn. Cuối cùng, chị vẫn cười vui, tất nhiên là vui theo một kiểu khác. Lý do lớn nhất vẫn là vì con.

Chị không phải là một điển hình, còn rất nhiều câu chuyện tương tự. Cô bạn của tôi làm dâu, cực khổ không thua gì thời cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Ngoài khóc ra, cũng chẳng biết làm sao.

Năm ngoái, người ta cười cợt chuyện ông cụ ngoài 60 tuổi ở TP.HCM đâm đơn xin ly hôn vì “bị vợ đánh quá chịu không thấu”. Tôi không hiểu vì sao người ta lại cợt cùa. Vì bằng những gì tôi hiểu, thì bạo hành gia đình không chỉ là câu chuyện của riêng bất cứ cá nhân nào, đàn ông hay phụ nữ, có chăng tỷ lệ nữ giới chịu đựng sự không may này nhiều hơn mà thôi.

Tôi từng tiếp xúc với người đàn ông trung niên bị bạo hành tinh thần, vợ suốt ngày đóng rịt cửa phòng đòi tự tử cùng con mỗi khi giận chồng. Anh sống trong tâm trạng cực cùng quẫn bách mà không biết phải giải quyết ra sao cho trọn vẹn.

3. Một mối quan hệ yêu đương chân chính bao giờ cũng được bắt nguồn từ hai phía, cũng như một cuộc hôn nhân bền vững bao giờ cũng có xuất phát điểm từ yêu thương chân chính. Và sự yêu thương chân chính ấy dựa trên nền tảng tôn trọng nhau.

Phải tôn trọng nhau thì mới có cơ hội làm gì cũng nghĩ đến chồng hoặc ngược lại. Có lớn tiếng thì cũng biết xấu hổ, có muốn động tay động chân thì cũng biết ngại ngần. Đáng tiếc là chúng ta thường nhanh chóng quên đi quãng thời gian tươi đẹp lúc mới yêu, khi vừa cưới, quãng thời gian vun vén chung tay trong ngôi nhà của cả hai.

Ngô Nguyệt Hữu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI