Trong mưa lũ, có bao người cứ thế mà ra đi...

19/10/2020 - 05:36

PNO - Đã có rất nhiều cuộc đời cứ thế mà khép lại, không cơ hội để nói lời cuối. Trong trời đất vô cùng này, sinh mệnh thật nhỏ nhoi...

Những ngày mà mỗi sáng thức giấc đều đọc được những dòng tin buồn, rất buồn về bão lũ miền Trung, trái tim tôi rất nhiều lần thắt lại.

Buổi tối hôm trước chưa kịp cập nhật tin lũ rút ở Huế, thì giữa khuya giật mình nghe tiếng mưa ngoài cửa sổ, chập chờn giấc ngủ, vẫn không nghĩ rằng sớm dậy tin tức đầu ngày là thành phố Đông Hà (Quảng Trị) chìm trong biển nước. 

Đã qua một ngày, mà mỗi lần thấy lại những lời kêu cứu trên Facebook của bao người già, phụ nữ, trẻ nhỏ trong đêm nước lên không chạy kịp, nước mắt tôi cứ chảy. Tình cảnh ấy thật quá xót xa. Khúc ruột miền Trung liên tục oằn mình gánh chịu tai họa, từ dịch bệnh đến bão lũ.

Một cánh đồng ngày thường ruộng cạn, vậy mà khi nước tràn về lại có thể làm chết người. Những con đường ngày thường bình yên, vậy mà giờ trở thành những xoáy nước dễ dàng cuốn người trôi theo dòng lũ. Những vùng quê bình yên của miền Trung, giờ tan hoang mất mát... 

Những tiếng kêu cứu thảm thiết trong đêm 17/10 làm buốt lòng bất cứ ai đọc được. Ảnh: facebook
Những tiếng kêu cứu thảm thiết trong đêm 17/10 làm buốt lòng bất cứ ai đọc được. Không biết lúc này họ ra sao. Ảnh: Facebook

Trong số những lời kêu gọi cứu trợ miền Trung, còn có lời nhắn nhủ được truyền đi: ưu tiên hỗ trợ áo phao. "Phải sống trước đã" - chia sẻ của người đồng nghiệp ở miền Trung làm cay mắt. Phải rồi, phải sống trước đã. Đêm nước lên nhanh ở Quảng Trị, có bao nhiêu người được cứu, có bao nhiêu người không thoát kịp? Con số chưa thống kê được, nhưng đã có người chết, mất tích, có cả gia đình bị vùi lấp...

Một người bạn quay clip nhà bạn đổ sập, mọi thứ chỉ còn là hoang tàn sau bão lũ và bật khóc: "Một năm dành dụm của mình, mất hết rồi". Nghe mà thương không thể nói thành lời. Bao nhiêu gia đình cũng đang lâm vào cảnh màn trời chiếu đất như vậy. Người nghèo trắng tay. Lời tự an ủi dành cho nhau chỉ có thể "còn sống là mừng". Trước những mất mát quá lớn, con người còn có thể nói với nhau được điều gì khác hơn. 

Còn sống là còn cơ hội để được gầy dựng lại, dù mai kia lũ rút, gian nan khổ nhọc cũng không kể xiết. Đã có rất nhiều cuộc ra đi không cơ hội để nói lời cuối cùng, cuộc đời cứ thế lặng im mà khép lại. Trong trời đất vô cùng này, sinh mệnh thật nhỏ nhoi...

Những khu dân cư bị cô lập trong nước. Ảnh: Internet
Rất nhiều những khu dân cư đang bị cô lập trong nước lũ. Ảnh: Internet

"Có một lần mình bị tai nạn rất nặng, ai cũng tưởng mình không qua khỏi. Còn mình, vào khoảnh khắc trước khi ngất lịm, ý nghĩ cuối cùng là câu hỏi: Mình cứ thế mà ra đi thôi sao? Còn bao điều chưa làm, còn những lời yêu thương chưa nói..." - tâm tình của một người bạn, mà sau tai nạn ấy đến nay, bạn đã chọn một thái độ sống rất khác xưa.

Bạn bỏ một công việc lương "ngàn đô" nhưng lúc nào cũng phải mệt mỏi đấu đá cạnh tranh để tìm lại giá trị sống đúng nghĩa. Bạn không còn suốt ngày ở bên ngoài, hết công việc thì gặp gỡ bạn bè, đi chơi, đến những nơi mà bạn cho là sành điệu, đẳng cấp. Thay vào đó là thời gian về nhà ăn tối cùng ba mẹ. Khuôn mặt bạn cũng đã đổi thay nhiều khi lựa chọn cuộc sống hướng về chia sẻ và yêu thương.

Bây giờ, khi đọc tin về những cuộc ra đi, bạn nói nhiều đêm nhắm mắt cứ nhớ mình của thời khắc tưởng mình đã chết. Nhưng nhờ phúc phần, bạn vẫn còn ở lại với sự sống này. Giờ thì trong mưa lũ, đã có bao nhiêu con người "cứ thế mà ra đi"... Người đã mất không thể sống lại. Nhưng người còn đang sống đây, biết đến một lúc nào đó thời gian không chờ cho ta nữa...

Cuộc đời đâu cho ta xanh đến vô tận...
Cuộc đời đâu cho ta xanh đến vô tận...

"Mình cứ thế mà ra đi thôi sao?" - câu hỏi trên trang Facebook của bạn bùi ngùi trong chiều mưa buồn. 

Câu hỏi cứ nhoi nhói trong lòng tôi. Sinh mệnh quý giá, thời gian quý giá cho mỗi cuộc đời khi còn được sống, ta đã sử dụng thời gian quý giá ấy như thế nào?

"Em nhất định sẽ đến những nơi đã ấp ủ nhiều năm mà vẫn chưa đến", "Mình sẽ bắt đầu làm những gì mình muốn, không sợ hãi, không ngần ngại như trước nữa", "Quý giá nhất là về bên gia đình"... Câu hỏi nhận về những dòng sẻ chia. Đó có lẽ cũng là những ước muốn sâu thẳm trong mỗi người, nhưng vì "bận việc", "chưa có nhiều tiền", "sợ thất bại"... đã khiến người do dự, bỏ lỡ, lãng quên. 

Nếu được nói với nhau những lời cuối cùng, ta sẽ nói gì? Và ước mong gì?

Lục Diệp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI