 |
Nụ cười rạng rỡ của vợ chồng người lính đặc công khi vẫn lưu giữ nhành hoa cưới bằng nhựa suốt gần nửa thế kỷ - Ảnh: Thùy Dương |
Lần đầu tiên trong đời, người lính ấy cho phép mình nghĩ đến hạnh phúc riêng, với mái ấm gia đình và những đứa con thơ, trong một đất nước thanh bình. Chuyện tình của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đại tá Lê Mạnh Hùng - nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Đặc công 198 - và cô thợ thêu Đặng Thị Phụng là một hành trình yêu thương thấm đẫm sự chờ đợi, hy sinh.
Nên duyên từ một ánh nhìn
Năm 1976, trong lần về thăm quê (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), đang đào hố vôi, anh lính đặc công Lê Mạnh Hùng gặp một cô gái trẻ với đôi mắt to đen láy đi ngang và… liếc anh. Trái tim người lính giật thót. Anh nhảy lên khỏi hố vôi, gọi với theo: “Em gì ơi…” nhưng cô gái đi mất, để lại trong lòng chàng trai một bóng hình. Vài tháng sau, anh Hùng đến nhà bạn chúc tết, bất ngờ gặp cô gái nọ. Hóa ra chị Phụng - cô thợ thêu mới 17 tuổi - là em ruột bạn anh.
Phút ban đầu lưu luyến ấy trong ông Hùng là một trời lãng mạn còn với bà thì khác. Bà Phụng kể về ấn tượng ban đầu: “Vừa thấy ông ấy là tôi… đi luôn. Ông ấy nhỏ người, ốm, đen, chỉ khoảng 40kg, trông già, xấu lắm”.
Không ghi điểm trong mắt người đẹp, anh lính đặc công bắt đầu lập chiến dịch “bao vây tình yêu”. Anh Hùng nhờ bạn làm “nội ứng” thuyết phục chị Phụng, còn anh ra sức lấy lòng cha mẹ vợ tương lai. “Ông ấy còn ngầm cho trai làng biết tôi là hoa đã có chủ, khiến không chàng trai nào dám mon men đến gần tôi” - bà kể. Hình ảnh anh lính tài hoa đàn hay, hát giỏi, hài hước dần chinh phục cô thợ may.
Lễ hỏi được tổ chức vừa xong thì ông Hùng đi công tác biền biệt. 2 năm sau, năm 1978, ông về phép. Đám cưới được tổ chức gấp rút. Cô dâu còn chưa kịp hoàn thành cặp gối thêu vì thời gian chú rể về phép quá ngắn.
Nhắc đến đám cưới, bà Phụng và ông Hùng đều cười như mới hôm qua. “Tôi đưa ông ấy tiền, dặn đi chợ Nam Định mua quần áo cưới cho tôi nhưng ông lại mua hoa hồng để trang trí phòng tân hôn”. Nói đến đây, bà Phụng đứng lên, nhón lấy cành hồng nhựa đã rất cũ, đưa cho chồng rồi dịu dàng “Em vẫn còn giữ nhành hoa anh mua ngày đó nè”. Ông nhìn vợ, ánh mắt ngạc nhiên và tràn ngập yêu thương khi cả hai cùng nâng niu những đóa hoa kỷ niệm.
Tình đôi lứa hóa trong tình đất nước
Cứ ngỡ sau 2 năm chờ đợi, hạnh phúc đã mỉm cười. Nhưng chỉ 3 ngày sau, ông lại vội vã lên đường làm nhiệm vụ ở chiến trường biên giới Tây Nam. Gần 1 năm sau, bà Phụng nhận được tin: “Chồng về Hà Nội, lên gặp gấp”. Bà tức tốc lên đường nhưng khi bà đến nơi, ông đã ra chiến trường biên giới phía Bắc. Lòng thắt lại vì lo âu, bà vẫn tin ông sẽ chiến thắng trở về.
Năm 1980, ông được cử đi học quân báo ở Liên Xô. Sau đó, bà được nhận vào làm ở tổ nấu ăn, may khâu tại đơn vị thông tin của Bộ Tư lệnh đặc công. Chung màu áo nhưng vợ chồng bà luôn mỗi người một nơi. Nhắc đến người bạn đời, ông tự hào: “Đời tôi có 2 may mắn lớn: vẫn sống sót ở lằn ranh sinh tử và cưới được bà nhà tôi. Làm vợ lính thiệt thòi, vất vả, khó khăn trăm bề nhưng cô ấy chưa bao giờ trách hờn hay than van để tôi vững tâm công tác. Tôi biết ơn vợ vô cùng”.
Mãi đến năm 1984, vợ chồng ông mới được hưởng niềm vui làm cha mẹ. Thế nhưng, khi bà vừa mang thai, ông lại đi công tác. Khi ông về phép, con gái Lê Hải Vân đã tròn
18 tháng tuổi. Cô bé nằng nặc đuổi cha: “Bác này đi ra đi”. Khoảnh khắc ấy như nhát dao cứa vào tim người cha, người chồng. 2 năm sau, bà sinh tiếp bé thứ hai, cũng trong cảnh chồng thường xuyên công tác xa nhà. Gánh nặng chồng chất lên vai người mẹ.
 |
Gia đình hạnh phúc của đại tá Lê Mạnh Hùng - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Bà kể: “Ngày đó khó khăn lắm, đến nước mắm còn phải đi vay”. Cuộc sống thời bao cấp thiếu thốn đủ thứ. Đồng lương ít ỏi, bà phải làm đủ nghề: thêu, may, chăn nuôi, đồng áng, bán hàng ăn... “Mỗi ngày đúng là một cuộc chiến không tiếng súng khi tôi vừa làm mẹ hiền, vừa làm người cha nghiêm khắc, vừa công tác, vừa lo cái ăn, cái mặc cho con. Bây giờ nhắc lại thì nghe chừng vất vả nhưng ngày ấy tôi thấy bình thường, vì đó là khó khăn chung của đất nước” - bà tâm sự.
Khó khăn không làm người phụ nữ ấy nản lòng nhưng bà lại khóc khi nhắc những thiệt thòi của con trẻ: “Bé Vân hay mách mẹ bị bạn bè trêu “không có cha”, không ai chơi với con. Tôi đã khóc vì thương con, thương chồng, thương cả mình”.
Bà luôn giải thích cho các con hiểu: “Ba con là bộ đội, ba đi đánh giặc, ba là anh hùng”. Chỉ những ngày hè, khi được mẹ đưa lên đơn vị thăm ba, các con của ông bà mới có cảm giác về một gia đình trọn vẹn. Dù không sống gần ba nhưng các con rất yêu kính và tự hào về ông. Đây là bài thơ ông Hùng viết tặng con gái “Ở đây ba nhớ con/ Nhớ đôi mắt căng tròn/ Nhớ bàn tay bé xíu lúc cười lúc chuyện rôm/ Nay mai con lớn khôn/ Đừng trách ba con nhé/ Bé Vân ơi bé Vân…”.
Mãi sau này, khi ông Hùng chuyển công tác về đơn vị đặc công 429 (đóng tại tỉnh Bình Dương), rồi làm Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn đặc công 198 ở Tây Nguyên suốt 12 năm, gia đình họ mới thực sự đoàn viên.
Những ngày tháng Tư lịch sử, ngôi nhà của vợ chồng ông Hùng ở quận Gò Vấp, TPHCM trở nên rộn ràng. Bà say sưa luyện giọng chuẩn bị cho hội diễn văn nghệ. Còn ông, dù di chứng của cơn đột quỵ phần nào làm sức khỏe suy giảm nhưng ký ức những năm tháng chiến đấu hào hùng vẫn vẹn nguyên trong tâm trí. Chuyện tình ông bà không chỉ là bản tình ca riêng của 2 người mà đã hòa trong giai điệu yêu thương, tự hào của cả một lớp người góp phần làm nên lịch sử hào hùng của dân tộc.
Thơ cho ngày chiến thắng Đại tá Lê Mạnh Hùng cho biết, ngay trong ngày 30/4/1975, khi non sông thu về một mối, những vần thơ đã tuôn tràn trong tâm hồn người lính đặc công. Đến nay, sau nửa thế kỷ, ông vẫn nhớ rõ bài thơ ấy. Ông đọc cho chúng tôi nghe, giọng phấn chấn, tự hào: “Sức mạnh nào cho ta đã vượt qua Sức mạnh nào cho ta đã vượt xa Máu và lửa cùng chia xa sắt thép Có phải chăng ta đang đi con đường tuyệt đẹp Đường Hồ Chí Minh đường luyện thép tiến lên Trước mặt ta đâu phải là tiếng nổ của bom rền Mà là đất nước in trên nền trời xanh thẳm Là thành phố tương lai dang rộng cánh rất huy hoàng Đất mẹ ơi hãy gửi gắm vào ngày mai Để tiến bước trên đường dài ra trận Những hố bom trên đường dài ra trận Cây vẫn đâm chồi và nảy lộc ra hoa Chúng tôi đi để viết tiếp bài ca Đường ra trận viết bài ca chiến thắng”. |
Thùy Dương