Trong mưa bom, hoa tình yêu vẫn nở - Bài 4: Đám cưới không chú rể

23/04/2025 - 08:43

PNO - Trưởng thành từ phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định trong kháng chiến chống Mỹ, bà Lê Thị Sáu (Tư Sương) trở thành một cán bộ cách mạng dày dạn, bản lĩnh. Bị bắt khi mới sinh con được 20 ngày, 6 năm trong tù, nếm trải đủ gian khổ, cực hình, bà vẫn giữ trọn niềm tin về ngày đất nước hòa bình, thống nhất. Trái tim người vợ, người mẹ ấy vẫn luôn đau đáu với tình cảm gia đình, nuôi giấc mơ đoàn tụ.

Vượt cạn một mình, nuôi con trong tù

Mối tình của bà Tư Sương và ông Nguyễn Đông Hà (Ba Lam) - cháu ngoại cụ Phan Châu Trinh - vừa là tình yêu, vừa là tình đồng chí, đến với nhau từ sự thương yêu, thấu cảm, sẻ chia như bà từng tâm sự qua những vần thơ mộc mạc: “Tôi yêu anh Hà không vì gia đình quyền thế/ Mà chỉ vì anh mất vợ nên tôi yêu/ Vợ anh do chiến tranh cướp mất/ Để lại con thơ chưa được tuổi đầy…”.

Vợ chồng bà Tư Sương.  Ảnh chụp khi ông bà gặp lại nhau sau 7 năm xa cách, khi ông Nguyễn Đông Hà mới từ nhà tù Côn Đảo trở về vào tháng 5/1975 - Ảnh do nhân vật cung cấp
Vợ chồng bà Tư Sương. Ảnh chụp khi ông bà gặp lại nhau sau 7 năm xa cách, khi ông Nguyễn Đông Hà mới từ nhà tù Côn Đảo trở về vào tháng 5/1975 - Ảnh do nhân vật cung cấp

Tháng 3/1966, Khu đoàn đứng ra tổ chức đám cưới cho ông bà tại Bến Cát, Bình Dương. Trước đó, ông Nguyễn Đông Hà được phân công về Cần Đước (Long An) công tác dài ngày, khi trở về thì bị địch đánh chặn ở Củ Chi nên không kịp có mặt trong ngày cưới. Dù vậy, đám cưới vẫn diễn ra theo kế hoạch. 3 tháng sau ngày cưới, họ mới gặp lại nhau tại Sài Gòn

Nhớ về đám cưới đặc biệt không có chú rể, bà Tư Sương kể: “Trong hội trường có đặt 2 chiếc ghế ở nơi rất trang trọng để làm lễ. Má tôi từ Vĩnh Long xách cặp vịt xiêm vượt qua nhiều trạm gác của địch về dự đám cưới của con gái trong vùng giải phóng. Má rất phấn khởi, vui mừng cho dù chưa được gặp mặt con rể. Các chị, các mẹ ở địa phương thức thâu đêm lo đãi gạo, xay bột làm bún. Đám cưới thời chiến mà vẫn diễn ra trọng thể, chu đáo với nhiều món ăn đặc sắc”.

Những lần gặp nhau sau đó của đôi vợ chồng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay vì địa bàn hoạt động khác nhau. Mang bầu con đầu lòng, không chịu về quê chờ sinh, bà bám trụ Sài Gòn trong căn buồng thuê chật chội để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Khi đang chuẩn bị kế hoạch xây dựng lực lượng ngay trong lòng địch, chiều tối 17/11/1968, bà lên cơn chuyển dạ. Tại phòng chờ sinh hôm đó, các sản phụ đều có người thân bên cạnh, riêng bà chỉ một mình, vật vã vượt cạn, sinh con trai đầu lòng.

Ngày 6/12/1968, khi mới sinh con được 20 ngày, bà bị địch bắt. Không nỡ xa khi con còn quá nhỏ, bà đành mang con theo cùng. Địch đày ải bà qua nhiều nhà giam ở Sài Gòn, tra tấn với nhiều hình thức nhưng bà nằm lòng bài học “nhất lý, nhì lỳ, tam lanh, tứ chịu”, chấp nhận hy sinh.

Những vết thương trên cơ thể cùng nỗi đau đớn giày xé tâm can bà khi ngày ngày chứng kiến con trai non nớt phải chịu cảnh đói khát, khổ cực; khi chị gái, cô ruột lần lượt bị địch bắt; khi chồng bị đánh trọng thương, bị dẫn vào nhà giam ngay trước mắt bà. Bao đau thương không làm bà nhụt chí mà càng nung nấu thêm ý chí kiên cường. Bà liên tục đấu tranh đòi cung cấp đồ ăn thức uống, chiếu nằm cho con. Bà vận động, thuyết phục chị em tù nhân có con nhỏ đoàn kết tìm cách che chở, bảo vệ con trong tù.

Khi biết sẽ bị điều chuyển đến những nhà giam gian khổ hơn, bà quyết định gửi con cho gia đình chăm sóc để rồi đau đớn tột cùng khi hay tin má đã qua đời. Trao con nhờ chị gái nuôi dưỡng, bà nghẹn ngào nhắn gửi: “Chị ráng nuôi con giùm em. Hòa bình em sẽ về…”.

Tháng 6/1972, bà bị đày ra Côn Đảo. Tháng 3/1974, bà được trao trả tại Lộc Ninh, được gặp lại con sau bao năm trời xa cách trong niềm hạnh phúc vô bờ. Thời gian mẹ con bên nhau chẳng được bao lâu lại phải chia tay để bà chuẩn bị bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Bà Tư Sương và kỷ vật - chiếc gối với cánh chim hòa bình được bà thêu trong tù - ẢNH: THU HOÀN
Bà Tư Sương và kỷ vật - chiếc gối với cánh chim hòa bình được bà thêu trong tù - Ảnh: Thu Hoàn

Bông hoa đẹp giữa đời thường

Sau ngày đất nước thống nhất, bà Tư Sương đảm nhận nhiều vị trí công tác quan trọng ở quận 1, TPHCM. Dù công việc cơ quan bận rộn, bà vẫn luôn dành thời gian cùng chồng chăm lo, vun vén tổ ấm gia đình. Giữa tháng 8/1994, ông Hà lâm bệnh do di chứng của những năm tháng bị tra tấn, chịu cực hình trong lao tù. Thời gian đó, bà phải nỗ lực hết mình để vừa hoàn thành việc cơ quan vừa chăm sóc chồng chu đáo.

Cuối năm 1995, ông Nguyễn Đông Hà qua đời. Sự mất mát, hụt hẫng quá lớn nhưng bà đã mạnh mẽ, kiên cường vượt qua. Từ khi chồng mất, bà thay ông quản lý, trực tiếp làm hướng dẫn viên khu lưu niệm cụ Phan Châu Trinh (phường 4, quận Tân Bình, TPHCM). Bà miệt mài sưu tầm những bài thơ, bài ca cách mạng để lưu giữ, trao truyền giá trị tốt đẹp cho các thế hệ sau.

Tuổi cao, sức yếu nhưng bà vẫn cố gắng chăm chút từng gốc cây, nhành hoa trong khu lưu niệm; thăm hỏi bạn bè, đồng đội; thăm những cơ sở, căn cứ cách mạng; tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, từ thiện để giúp đỡ cộng đồng. Cảm động trước tấm lòng nhân hậu luôn rộng mở với cuộc đời của bà, nhà thơ Truy Phong đã viết tặng bà những vần thơ ý nghĩa:

Thập hồng là chữ của tình thương
Trải rộng lòng nhân khắp phố phường
Thấy bệnh già run, nhìn chẳng nỡ
Bởi vì là chị - chị Tư Sương.

Tuổi trẻ dấn thân

Sinh ra và lớn lên tại Vĩnh Long, 15 tuổi, bà Lê Thị Sáu được gia đình đưa lên Sài Gòn học. Bà đã giác ngộ cách mạng và được kết nạp vào Hội Học sinh cứu quốc với bí danh Tư Sương. Trong một lần bà về thăm quê, má bà vì lo cho sự an nguy của con nên đã đem giấu căn cước để bà không lên Sài Gòn được. Nhưng 3g sáng, bà đã lặng lẽ thức dậy, đốt đèn dầu, ngồi viết thư để lại: “Con đi theo cách mạng để trả thù cho ba bị địch bắt giam. Ở nhà, nội và má cứ yên lòng”, rồi bà trốn lên Sài Gòn tiếp tục hoạt động.

Hạnh phúc được nhìn đất nước hòa bình, phát triển

50 năm sau ngày đất nước thống nhất, người nữ tù Côn Đảo năm xưa đã trải qua một hành trình dài trong cuộc đời. Khi được hỏi về suy nghĩ, cảm xúc của mình, bà chia sẻ: “Hạnh phúc lớn nhất đối với tôi là nhìn thấy đất nước hòa bình, độc lập, phát triển, các con trưởng thành. Trải qua những mất mát, đau thương trong chiến tranh, chúng tôi càng trân quý giá trị của hòa bình. Tôi nhắc con cháu mình không được lãng quên quá khứ mà phải luôn tự hào, tri ân các bậc tiền bối, tổ tiên, anh hùng liệt sĩ đã đổ biết bao xương máu để xây dựng non sông gấm vóc, đất nước Việt Nam được thế giới biết đến, tôn vinh”.

Đặc biệt, bà luôn giáo dục các con về lòng yêu nước, truyền thống gia đình, đạo lý uống nước nhớ nguồn, sống trọng tình nghĩa, danh dự và tự lực vươn lên… Nhờ đó, các con của bà đều có tinh thần tự lập, vượt khó. Mỗi dịp con cháu sum họp, ngôi nhà lại ríu rít tiếng cười. Sau những cống hiến, hy sinh thầm lặng, niềm vui của bà Tư Sương bây giờ trọn vẹn bên gia đình, như mong ước các con đã viết cho bà: “Chúng con xin chúc mẹ luôn vui khỏe, trẻ đẹp và đạt được những gì mẹ ước muốn. Cầu mong sao những đóa hồng đỏ sẽ còn mãi trên ngực chúng con”.

Thu Hoàn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI