Trong mưa bom, hoa tình yêu vẫn nở

Trong mưa bom, hoa tình yêu vẫn nở - Bài 2: Chuyện tình anh công binh và nữ lái xe Trường Sơn

20/04/2025 - 19:18

PNO - Gặp nhau trong chiến tranh, dồn sức cho tiền tuyến, lặng lẽ yêu nhau trong cảnh “Đông Trường Sơn, Tây Trường Sơn”, ông Trần Công Thắng - sĩ quan công binh - và bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh - nữ lái xe Trường Sơn - đã có một chuyện tình thật đẹp.

Ảnh cưới của ông Trần Công Thắng, bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh  - Ảnh do nhân vật cung cấp
Ảnh cưới của ông Trần Công Thắng, bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh - Ảnh do nhân vật cung cấp

Cuộc sống của họ là minh chứng sống động cho tinh thần người lính: kiên cường trong chiến trận, bền bỉ trong đời thường, thủy chung trong tình yêu và vững vàng trong cuộc sống gia đình.

Một tấm lòng son

Ngôi nhà nhỏ nép mình trong khu tập thể quân đội ở phố Ngọc Thụy (quận Long Biên, TP Hà Nội) có đôi vợ chồng U80. Họ đã cùng nhau vượt qua thời đạn lửa, nắm tay nhau đi qua những bữa cơm độn bo bo, bên nhau chứng kiến từng bước đổi thay, đi lên của nước nhà. Hơn 50 năm gọi nhau là vợ - chồng, họ vẫn trò chuyện với nhau bằng giọng điệu nhẹ nhàng và ánh mắt ấm áp.

Tình yêu của họ ươm mầm từ cuối năm 1966, khi anh thanh niên Trần Công Thắng (sinh năm 1946, người phố Huế, Hà Nội) - công nhân Nhà máy Y cụ Hà Nội - tình nguyện ra chiến trường, tham gia xây dựng sân bay dã chiến tại Yên Bái cùng Trung đoàn 251 công binh. Trong một đêm hội diễn văn nghệ, ông Thắng gặp bà Ánh - cô thanh niên xung phong cao 1,68m, có đôi mắt sáng rực - đang tìm cách vào sân xem văn nghệ cùng 2 người bạn. Ông giúp họ vào xem và cuộc trò chuyện sau buổi biểu diễn hôm ấy trở thành điểm khởi đầu cho một chuyện tình đẹp.

Suốt 2 năm yêu nhau, họ chỉ có thể ngồi giữ khoảng cách dưới ánh đèn sáng, nói vài câu chuyện. Đến cái nắm tay cũng không dám, chứ đừng nói hôn nhau. Kỷ luật quân đội nghiêm ngặt, tình yêu khi ấy vừa trong trẻo vừa lặng lẽ. “Lúc đó mình không nắm tay cô ấy lần nào” - ông Thắng nhớ lại.

Đầu năm 1968, ông nhận lệnh hành quân gấp vào Quảng Trị. Trước lúc đi, ông vượt rừng trong đêm để gặp người yêu. Cuộc gặp vội vã, bà dúi vào tay ông chiếc khăn quàng cổ, cái bấm móng tay và chiếc bật lửa - những kỷ vật làm tin cho một lời hẹn ước chẳng biết bao giờ thành.

Nơi chiến trường Quảng Trị, sau là Tây Trường Sơn, hiểm nguy rình rập từng phút. Bom B52 dội xuống không ngơi nghỉ. Nỗi nhớ người yêu thôi thúc ông viết thư mỗi khi rảnh, dù chẳng biết sẽ gửi đi bằng cách nào. Nhiều lần, ông viết rồi ném thư dọc đường, mong có ai nhặt được thì gửi giúp. Có lần bom đánh sập hầm, ông bị thương, suýt chết. Những phút giây sinh tử, trong tim ông luôn có hình bóng cô gái Hưng Yên.

Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, bà xung phong vào chiến trường, trở thành 1 trong 40 nữ lái xe đầu tiên của tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Những cô gái tuổi 18, đôi mươi học lái xe trong 45 ngày rồi trực tiếp lái xe chở lương thực, thuốc men, vũ khí từ miền Bắc vượt núi rừng, băng qua những khúc cua tử thần để tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Họ đối mặt với bom rơi đạn lạc, lái xe không đèn trong đêm, vượt dốc đá trơn trượt, ngủ dưới gầm xe, ăn tạm lương khô, uống tạm nước suối.

Trong gian khổ, mỗi người đều có động lực riêng để sống, chiến đấu và chờ đợi. Với bà, đó là lời hứa “thống nhất đất nước thì nhất định sẽ cùng nhau xây dựng hạnh phúc” đã gửi trao cho người mình yêu.

Vun đắp gia đình bằng tinh thần người lính

Cuộc chia ly của họ kéo dài 6 năm, cũng là khoảng thời gian khốc liệt nhất của cuộc chiến. Năm 1973 ra Bắc công tác, hay tin bà đang ở sân bay Bạch Mai, ông vội mượn xe, đạp một mạch đến, xin cảnh vệ được gặp chiến sĩ Nguyễn Thị Nguyệt Ánh. Cuộc gặp sau 6 năm nhung nhớ khác hẳn những gì 2 người mường tượng. Họ đứng lặng nhìn nhau. Ông hỏi: “Em còn yêu anh không?”. Bà nước mắt ngắn dài: “Nếu không yêu, em còn đợi anh đến bây giờ làm gì?”.

Hằng ngày, ông Thắng thường phụ giúp bà Ánh việc nhà - ẢNH: U.N.
Hằng ngày, ông Thắng thường phụ giúp bà Ánh việc nhà - Ảnh: U.N.

Năm 1974 họ làm đám cưới. Cô dâu, chú rể vẫn mặc quần bộ đội, chỉ khác ngày thường là có chiếc sơ mi trắng. Đám cưới chỉ có tiệc trà và bánh kẹo. Đôi vợ chồng ra phố Hàng Bài chụp 1 tấm hình làm kỷ niệm. Bà kể: “Cưới được 1 tháng, ông ấy lại vào chiến trường. Tôi ở lại làm nhiệm vụ tại trường dạy lái xe, mỗi ngày đều sống trong ngóng đợi”. Sau ngày thống nhất, bà rời quân ngũ, ông vẫn ở lại Quảng Trị đến năm 1977 mới xin chuyển đơn vị về Hà Nội.

Những năm tháng bao cấp khó khăn, đôi vợ chồng lại đứng trước một thử thách mới. Ông khi ấy là sĩ quan công binh, lương chưa đến 70 đồng. Bà làm lái xe hợp đồng ở Bộ Tài chính, lương chỉ được hơn 20 đồng, lại không có hộ khẩu Hà Nội nên không được nuôi ăn ở cơ quan. Sáng 6g, bà chở thủ trưởng ra cơ quan, chiều đón về, rồi vội vàng chạy sang nhà trẻ đón con về, tắm giặt, nấu cơm, dạy con học.

Ông bà đều bảo ngày đó không có sách dạy làm cha mẹ, cũng không có ai tư vấn cách nuôi dạy con. Nhưng, 2 người con lớn lên trong gian khó biết cảm thông và chia sẻ vất vả cùng cha mẹ. 2 con ông bà, 1 gái, 1 trai đều tốt nghiệp đại học, ngành tài chính. Cháu nội du học, cháu ngoại tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân là thành quả lớn nhất, là điều khiến ông bà tự hào nhất sau cả cuộc đời nắm tay nhau đi qua bao gian khó.

Giờ đây, sắp bước vào tuổi 80, ông bà vẫn sống bình yên trong căn nhà nhỏ. Bức ảnh cưới cũ vẫn treo trên tường, chiếc khăn tay năm xưa vẫn cất trong ngăn tủ. Mỗi sáng, bà dậy đi chợ, ông bật ti vi nghe thời sự. Đến bữa, ông giúp bà sơ chế thức ăn. Bà nấu cơm, ông dọn mâm, rửa chén. Thi thoảng, ông bà lại cùng chầm chậm đi bộ ở con đường nhỏ ven đê, trong gió sông Hồng, kể cho nhau nghe vài câu chuyện cũ…

Chuyện tình anh công binh và nữ lái xe Trường Sơn

Cuộc sống khó khăn nhưng chúng tôi không thấy khổ

Ông Thắng kể: “Cắt cơm, bơm xe, nghe thời tiết, liếc đồng hồ” là hình ảnh chung ngày ấy của người lính khi đơn vị đóng ở gần nhà. Mỗi khi có thể, ông Thắng lại báo “cắt cơm” ở đơn vị để quy ra lương thực, thực phẩm cho vợ con ở nhà.

“Ông ấy gửi được đồng nào thì tôi dùng đồng ấy, chắt bóp nuôi con. Mỗi bữa cơm là một lần tính toán. Dù vất vả nhưng các con ngoan, chịu khó, thế là mừng” - bà kể, đôi mắt ánh lên niềm hạnh phúc bình dị. Ông thì bảo tinh thần người lính từng băng rừng, vượt dốc, chịu bom không cho phép ông bà than vãn. Họ sống giản dị, nhẫn nại, lấy sự chính trực, kiên cường trong quân ngũ làm điểm tựa. Không một lời oán trách, không một phút buông xuôi. “Cuộc sống thời đó khó khăn nhưng chúng tôi không thấy khổ” - ông Thắng cười nhẹ, “vì cái chết cũng từng đi qua rồi, còn điều gì không thể vượt qua”.

Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI