Trong mỗi đứa trẻ đều có một hạt mầm khát vọng

08/06/2024 - 06:47

PNO - Từ trang sách bước lên màn ảnh, một lần nữa, cô bé Totto (trong phim hoạt hình Totto-chan - Cô bé bên cửa sổ, chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Kuroyanagi Tetsuko) đã làm tan chảy trái tim bao người, với tất cả những điều đẹp nhất về tuổi thơ, cuộc sống, yêu thương, khát vọng…

Một khung trời tự do, chắp cánh cho trẻ nhỏ

Totto-chan bên cửa sổ của nữ nhà văn Kuroyanagi Tetsuko được xuất bản lần đầu vào năm 1981 và nhanh chóng trở thành một trong những tác phẩm bán chạy nhất lịch sử văn học Nhật Bản. Đến nay, tác phẩm đã được chuyển ngữ và phát hành tại nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, Totto-chan bên cửa sổ có 2 bản dịch: của dịch giả Anh Thư và của dịch giả Trương Thùy Lan. Phim hoạt hình (đạo diễn: Shinnosuke Yakuwa, với tựa: Totto-chan - Cô bé bên cửa sổ, đang công chiếu) đã bám sát nguyên tác với câu chuyện được kể theo trình tự thời gian, từ lúc Totto vào lớp Một cho đến khi rời trường tiểu học và nước Nhật bước vào Thế chiến thứ hai.

Phim hoạt hình Totto-chan - Cô bé bên cửa sổ là bức tranh đẹp rực rỡ về thế giới trẻ thơ và văn hóa nước Nhật
Phim hoạt hình Totto-chan - Cô bé bên cửa sổ là bức tranh đẹp rực rỡ về thế giới trẻ thơ và văn hóa nước Nhật

Totto là tên gọi thân mật của nhà văn Kuroyanagi Tetsuko. Đây cũng là câu chuyện có thật về tuổi thơ của bà trong bối cảnh những năm thập niên 1940. Vì quá nghịch ngợm, Totto bị xem là “một cô bé hư”, bị buộc phải thôi học. Cô bé được chuyển đến trường tiểu học Tomoe - một ngôi trường lạ lùng, với lớp học trên toa tàu và bạn học đều rất khác biệt. Nhưng đó là nơi mà những đứa trẻ được tự do là chính mình, luôn được khích lệ và yêu thương, mọi ước mơ trẻ thơ đều được chắp cánh. Không một đứa trẻ nào bị xem là khác biệt mà đều nhận được sự tin tưởng, sẵn sàng chia sẻ và thấu hiểu từ người lớn.

Tình cảm gia đình, tình thầy trò, tình bạn được khắc họa bằng những thước phim thật đẹp và cảm động. Chiến tranh được kể qua những bước chân của Totto khi cô bé chạy về ngôi trường yêu dấu - ngày người bạn thân khuyết tật Yasuaki qua đời. Những mùa hoa, những món ăn, sản vật của nước Nhật đã được khéo léo chuyển tải qua không gian của khu phố, mái trường, đường đi của đoàn hát rong và những món ăn của trẻ nhỏ…

Từng chi tiết tưởng chừng rất nhỏ, có khi chỉ thoáng qua, nhưng đã cùng góp nên một bức tranh với đầy đủ gam màu rực rỡ, tươi sáng của thế giới trẻ thơ, cũng là bức tranh toàn cảnh về văn hóa - lịch sử của đất nước mặt trời mọc. Phim hoạt hình Nhật Bản ít khi nào khiến người xem phải thất vọng vì nội dung hay, hình ảnh đẹp, âm nhạc giàu cảm xúc, lời thoại nhân văn/truyền cảm hứng và những thông điệp giá trị, có chiều sâu…

Bạn đọc - khán giả cùng khóc cười

Totto-chan bên cửa sổ là tác phẩm được yêu thích tại Nhật Bản và trên thế giới suốt hơn 4 thập niên qua. Từ trang sách bước lên màn ảnh, cô bé Totto một lần nữa cho bạn đọc - khán giả cùng khóc cười với tất cả sự hồn nhiên, đáng yêu cùng những niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc và mất mát trong thế giới trẻ thơ.

114 phút phim với toàn bộ câu chuyện trong 5 năm tiểu học của Totto có lẽ không chỉ có ý nghĩa với trẻ thơ mà còn dành cho cả người lớn. Bài học về yêu thương, thấu hiểu, chia sẻ và khích lệ, chắp cánh cho những ước vọng của trẻ nhỏ chưa bao giờ là cũ. Thời đại nào, vai trò của gia đình - nhà trường vẫn luôn vô cùng quan trọng. Trong truyện cũng như trên phim, có một người mẹ luôn dịu dàng và kiên nhẫn với Totto; một người thầy luôn quan sát, thấu hiểu và bao dung, khích lệ từng trò nhỏ.

Thầy Kobayashi Sosaku đã xem sự nghiệp giáo dục là tình yêu, lý tưởng của đời mình. Lời ông nói như sự gửi gắm, kỳ vọng về một nền giáo dục khai phóng - tầm nhìn đi trước thời đại của một người thầy vĩ đại: “Hãy để các em phát triển tự nhiên. Đừng cản trở khát vọng của các em nhỏ. Ước mơ của các em còn lớn hơn mơ ước của các thầy cô nữa đấy”; “Đứa trẻ nào sinh ra cũng có phẩm chất tốt. Vì vậy, phải sớm tìm ra phẩm chất tốt ở đứa trẻ, phát triển những phẩm chất đó, giúp đứa trẻ trở thành một người có cá tính”.

Có rất nhiều khoảnh khắc đẹp trong phim - cũng là những chi tiết đắt trong sách - ở lại trong lòng người xem. Đó là phân cảnh thầy hiệu trưởng ngồi đánh đàn cho bọn trẻ ăn trưa với “món của đất, món của biển”, là khi thầy cùng các trò nhỏ trong đêm sương đứng chờ toa tàu thư viện được chở đến, là lúc thầy đàn cho trò nhảy múa rồi nằm bò ra sàn, tự do vẽ nên những nốt nhạc, những bông hoa... “Có nhiều người, có mắt nhưng không nhìn thấy vẻ đẹp; có tai, nhưng không nghe được âm nhạc; có óc, nhưng không nhận ra chân lý; có trái tim, nhưng không bao giờ rung động, và do đó không bao giờ rực cháy” - lời người thầy gieo vào lòng trẻ thông điệp rằng hãy sống thật sự trọn vẹn, hãy luôn tìm kiếm và chạm đến những điều đẹp nhất trong cuộc đời.

Ở phần cuối sách Totto-chan bên cửa sổ, nhà văn Kuroyanagi Tetsuko từng viết: “Nếu không được gặp thầy, có lẽ tôi đã là một người mang đầy mặc cảm tự ti với cái mác “đứa bé hư” mà mọi người gán cho”. Truyện cũng như phim, câu nói lặp đi lặp lại của thầy Kobayashi dành cho Totto: “Em thật là một cô bé rất ngoan”. Thế hệ của nhà văn - những đứa trẻ được học ở ngôi trường Tomoe năm ấy - lớn lên đều trở thành những người có ích cho xã hội, làm được những công việc như giấc mơ thuở nhỏ, nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng lớn. Như Tetsuko, bà là nhà văn, diễn viên, người dẫn chương trình, giám đốc Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên sống ở Nhật Bản, sứ giả thiện chí của UNICEF…

Ngôi trường Tomoe chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn ngủi (1937-1945), sau đó bị bom đạn chiến tranh phá sập. Hình ảnh cuối cùng trong phim là khoảnh khắc thầy hiệu trưởng Kobayashi đứng trước ngôi trường bị đốt cháy và nói: “Hãy thử nghĩ xem, ngôi trường sắp tới sẽ như thế nào đây?”.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI