Trong mắt con, mẹ luôn là người đẹp nhất, vĩ đại nhất

14/05/2017 - 12:22

PNO - Dù mẹ chúng ta có là ai, làm công việc gì thì trong mắt những người con, mẹ luôn là người đẹp nhất, vĩ đại nhất.

Dù mẹ chúng ta có là ai, làm công việc gì thì trong mắt những người con, mẹ luôn là người đẹp nhất, vĩ đại nhất. Tôi vẫn luôn ước mong mọi người mẹ đều khỏe mạnh, yêu đời, mỗi ngày được ngủ ngon, không phải âu lo về con cái. 

Trong mat con, me luon la nguoi dep nhat, vi dai nhat

Gần đây, mạng xã hội truyền tay nhau câu chuyện về mẹ đầy cảm động và bi kịch. Đó là bà Nguyễn Thị Lực (80 tuổi) ở xã Phụ Khánh (Hạ Hòa, Phú Thọ). Bà lấy chồng sinh được mấy người con thì đều không may bị tâm thần nặng, khi ông chuẩn bị về với tổ tiên có dặn bà ba điều: bán mấy cây xoan lấy tiền làm tang, không được vay mượn của ai để khỏi nợ nần.

Chôn ông ở trong vườn để vong hồn ông trông con giúp và cuối cùng là cho đàn con tâm thần uống số thuốc ngủ mà ông dành dụm được để chúng đi hết theo ông cho bà đỡ khổ. Hai việc đầu bà làm được còn điều sau cuối thì bà không thể. Còn một chút hơi thở mẹ cũng dành chăm sóc con cho đến khi nào mẹ đi xa. Ngẫm một người mẹ già 80 tuổi mà còng lưng chăm bầy con tâm thần thì mẹ vất vả đến nhường nào. 

Tôi nhớ năm 1985 khi bao cấp đang được xóa bỏ, bố tôi đi xuất khẩu ở Liên Xô, một mình mẹ ở nhà chăm hai chị em tôi. Trong muôn vàn ký ức mà tôi nhớ về những khó khăn ngày đó là cảnh tôi sốt cao mà mẹ không thể chăm tôi được, phải bế tôi đi gửi một người bạn thân của mẹ bị mù. Dù ấu thơ nhưng tôi vẫn nhớ như in những giọt nước mắt của mẹ. 

Tôi nhớ những năm đó đói lắm, nhà không có gạo ăn, mẹ đi vay hàng xóm được bò gạo, tôi háu ăn nên khi nồi cơm vừa bê lên, tôi bắt mẹ xúc một bát đầy rồi trộn muối cho tôi ăn. Đói và ngon quá nên tôi ăn ngấu nghiến mà chẳng biết hôm đó mẹ có được ăn không hay mẹ nhịn.

Những năm tháng dài đằng đẵng khi không có bố ở nhà dường như mẹ không dám ốm và không thể ốm khi không có bố ở bên. Mẹ ngày đó như muôn vàn những người mẹ của bao cấp. Hy sinh và chịu đựng, sức chịu đựng của cả một thế hệ.

Trong mat con, me luon la nguoi dep nhat, vi dai nhat

Hầu hết chúng ta ai cũng biết câu chuyện về tình mẫu tử ở bên Nhật trong một lần động đất. Câu chuyện cảm động này xảy ra hồi tháng 3/2014 trong một vụ động đất ở Nhật Bản, lấy đi sinh mạng nhiều người. Sau động đất, khi lực lượng cứu hộ tìm kiếm người bị nạn, họ nhìn thấy thi thể người phụ nữ qua vết nứt của ngôi nhà bị đổ nát.

Tư thế của cô khá kỳ lạ: có vẻ như cô đang quỳ gối cầu nguyện, hai tay đỡ lấy thứ gì đó. Mọi người nghĩ cô chết rồi, không thể cứu được nữa, toan quay đi. Nhưng đội trưởng đội cứu hộ bỗng có linh cảm kỳ diệu nào đó, nên anh lệnh cả đội ở lại.

Và điều kỳ diệu đã xảy ra khi anh đưa tay vô khe hẹp để tìm kiếm bên dưới xác người phụ nữ. Có một đứa bé! Và đứa bé ấy còn sống! Đứa bé khoảng ba tháng tuổi, được bọc trong một chiếc chăn hoa, nằm an toàn trong vòng tay ôm của mẹ.

Rõ ràng, khi ngôi nhà đổ sập, người mẹ đã lấy thân mình ra để bảo vệ con. Trong tấm chăn đó có một chiếc điện thoại di động cùng một tin nhắn trên màn hình. Tin nhắn đó đã làm cho mọi người trong đội cứu hộ bật khóc: “Nếu con có thể sống sót, hãy nhớ rằng, mẹ rất yêu con” (trích nguồn trên mạng).  Câu chuyện này đã lan truyền khắp thế giới. 

Có những điều tưởng chừng chỉ có trong tiểu thuyết nhưng ở giữa đời thường chúng ta có thể gặp vì sự hy sinh của mẹ. Vì con, mẹ có thể làm những điều phi thường. Tôi đang nhắc đến câu chuyện của bà Sisa Abu Daooh. Mất chồng cách đây hơn 40 năm, bà Sisa Abu Daooh (giờ đây đã 65 tuổi) đến từ thành phố Luxor, Ai Cập lúc mang bầu đứa con đầu lòng tháng thứ sáu.

Trong cơn túng quẫn vì mất mát và khó khăn trong việc kiếm sống, bà đã quyết định cạo đầu, ăn mặc như đàn ông để dễ kiếm việc làm. Bỏ qua những lời trách mắng của gia đình và sự dị nghị, bà đi làm thợ xây, bởi đối với bà, việc nuôi con quan trọng hơn tất thảy. Sau một thời gian dài làm thợ xây, bà Abu Daooh đã quay ra làm thợ đánh giày bởi tuổi cao sức yếu.

Bà chưa nghỉ ngơi ngày nào, bởi: “Tôi không biết đọc, không biết viết vì không được đi học nên đó là cách duy nhất để tôi có thể kiếm được tiền nuôi con”. Dường như số phận bắt bà phải lao động cả đời. Khi cô con gái trưởng thành rồi kết hôn, những tưởng cuộc sống sẽ khá hơn, thì người con rể bị bệnh nặng và không thể lao động.

Bà đành tiếp tục hành trình “giả nam” của mình để làm việc, nuôi con cháu. Sau khi biết được câu chuyện này, chính quyền thành phố Luxor đã quyết định trao tặng bằng khen cho sự hy sinh cao cả của bà Abu Daooh. Tuần trước, bà Abu Daooh còn vinh dự được gặp Tổng thống Ai Cập, ông Abdel Fattah al-Sisi để nhận bằng khen (nguồn trên mạng).

Tôi vẫn luôn ước mong mọi người mẹ đều sinh ra được những đứa con ngoan, lành lặn và có ích cho đời. Mỗi ngày trôi qua, mọi người mẹ khỏe mạnh, yêu đời và có giấc ngủ ngon, không phải âu lo về con cái. 

Lê Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI