PNO - PN - Bài văn tả ông bố lười của cậu bé Đỗ Hồng Anh, tám tuổi, đang gây xôn xao cộng đồng mạng, nhiều bạn đọc đã gửi thư về báo Phụ Nữ để chia sẻ. Những câu chuyện ấy, một lần nữa cho thấy, nhiều người không biết...
edf40wrjww2tblPage:Content
* Anh Nguyễn Thành Nam (ngụ P.10, Q.Gò Vấp): Trong mắt con, tôi là người cha nhu nhược
Ở tuổi 14, con trai khiến tôi sốc, khi bảo rằng “cha là người nhu nhược”. Tính tôi vốn hiền, trong những cuộc tranh luận, cự cãi với vợ, tôi luôn chủ động chọn cách nhịn cho qua, bởi xác định “khi vợ nổi giận, có phân tích lý lẽ thiệt hơn cũng vô ích”. Nhưng tôi càng nhường nhịn thì vợ càng lấn tới, thậm chí có lúc quá quắt.
Một lần, tôi rủ bạn về nhà chơi, lấy vài lon bia ra uống. Vợ đang bực dọc chuyện hôm trước, liền nổi giận việc chồng đưa bạn về nhà bất ngờ mà không thông báo, nên đã mặt nặng mày nhẹ. Ngại với khách, tôi góp ý, vợ không tiếp thu mà còn to tiếng. Sau vài câu phân bua của tôi, vợ lớn tiếng hơn, khiến bạn của tôi bỏ về.
Tôi bị chạm tự ái nghiêm trọng, rất tức giận nhưng vẫn ráng nhịn. Vợ tôi chẳng những không biết hối lỗi mà còn to tiếng hơn. Dù giận tím người, nhưng tôi vẫn nhịn cho yên nhà yên cửa. Tôi không biết, con trai mình đã quan sát chăm chú những diễn biến ấy. Hôm sau, tôi thắt lòng khi nghe mẹ tôi kể lại: “Thằng T. nói với mẹ, ba là người đàn ông nhu nhược, bị mẹ bắt nạt hoài mà cứ nhẫn nhục”. Cảm giác tổn thương nặng nề xâm chiếm, trong mắt con trai, cha nó là người đàn ông nhu nhược thật sao? Tôi đã định gọi con đến để phân bua rằng, trong hôn nhân, người đàn ông cần phải nhịn như thế nào để bảo vệ hạnh phúc; trong mối quan hệ vợ chồng, người đàn ông cần phải biết “thua” như thế nào để tránh đổ vỡ. Nhưng tôi đã không làm, vì biết chắc, ở độ tuổi mới lớn của con trai, gặp chuyện bất bình là “xù lông nhím” lên liền chứ không nhịn. Con còn nhỏ, làm sao cảm nhận được việc ứng xử vợ chồng thế nào cho phải.
Điều tôi ân hận là đã không cùng vợ tránh được chuyện cãi cọ, thậm chí xúc phạm, hạ nhục nhau nhiều lần trước mặt con. Tôi chủ quan cho rằng, cha có thế nào cũng là cha, con phải tôn trọng tuyệt đối. Nhưng không phải vậy, con cái, dù nhỏ hay lớn cũng có cảm nhận về cha mẹ theo cách nhìn riêng của mình.
* Chị Trần Thị H. (nhân viên kinh doanh, làm việc tại Q.3): Tôi đã từng thất vọng về cha mẹ
Đọc bài văn của bé Đỗ Hồng Anh tả ông bố lười của mình, tôi tủm tỉm cười, ngậm ngùi nhớ về một thời tôi từng coi thường cha mẹ. Tôi vốn rất thần tượng ba - một người tháo vát, thành đạt, lo được cho gia đình sung túc. Vào một ngày cuối năm, cha tôi mang về nhiều chai rượu Tây. Sau đó, mẹ cùng ba bỏ tiền vào phong bì, rồi kèm với chai rượu. Ngày ấy, một con bé 14 tuổi như tôi hết sức ngạc nhiên: “Quà cho ai mà mình bỏ nhiều tiền vậy hả ba?” - tôi tròn mắt hỏi. Ba tỏ ý khó chịu: “Không phải việc của con, lo học bài đi!”. Tôi là con bé ngang bướng, càng bị cấm càng muốn tìm hiểu. “Quà tặng ai vậy mẹ?” - tôi gặng hỏi. Mẹ bảo: “Quà biếu sếp chứ quà cho ai, con lôi thôi quá”. Tôi vẫn chưa buông tha: “Sao mình phải cho sếp nhiều tiền vậy mẹ, rồi người ta có nói mình hối lộ không?”. Ba tôi nổi giận, quát: “Con còn nhỏ, không hiểu sự đời đâu, đừng có nhiều chuyện”.
Tôi bưng mặt chạy đi, òa khóc. Tôi chưa hiểu biết nhiều nhưng ít ra cũng hiểu, biếu quà và nhiều tiền như thế cho sếp không phải việc đẹp đẽ gì. Tôi đã thần tượng ba, từng quyết tâm học giỏi để sau này trở thành một người thành đạt như ba, nhưng bây giờ thì sao? Trong tôi nảy sinh suy nghĩ, ba tôi chẳng có tài cán gì, thăng tiến trong công việc là nhờ cái cách ba và mẹ thậm thụt biếu tiền cho sếp.
Thời gian qua đi, câu chuyện dần nguôi ngoai. Bây giờ, ba đã nghỉ hưu. Thỉnh thoảng có mấy người bạn của ba đến chơi, ngồi uống rượu, cao hứng, ba tôi lại kể: “Ngày ấy anh thế này, anh thế kia, các chú thấy anh không…” với vẻ tự hào về quá khứ lừng lẫy. Tôi đứng nghe, lòng như bị xát muối thêm lần nữa. Nhiều lần tôi muốn trò chuyện với ba để hiểu cho rạch ròi về cái “sự đời” ấy, nhưng chưa bao giờ ba có tâm thế lắng nghe. Dường như với ba, tôi dù có nhiều tuổi đến mấy, vẫn không thể hiểu hết “chuyện đời”.
Trong mắt Bùi Thông Khoa (phải), cha mình là một người rất biết lắng nghe con trẻ. Hai cha con thường trò chuyện với nhau như những người bạn
* Em Bùi Thông Khoa (lớp 9, Trường THCS Hai Bà Trưng, Q.3, TP.HCM): Ba mẹ em rất “ngoan”
Thỉnh thoảng, các bạn học cùng lớp em hay kể chuyện buồn vì ba mẹ bạn gây gổ, sắp ly hôn khiến bạn hoang mang; chuyện ba mẹ bạn không bao giờ nghe bạn nói bất cứ điều gì. Nghe các bạn chia sẻ, em thấy mình may mắn vì được là con của ba mẹ. Mẹ em xinh đẹp, dịu dàng, đảm đang và đặc biệt có khả năng “đi guốc trong bụng” em; ba em là một người bạn đúng nghĩa của con cái. Ba là thợ cắt tóc giỏi, yêu nghề, và nuôi sống gia đình bằng đôi tay giỏi giang của mình. Xem em như một người bạn, ba thường trò chuyện, tâm sự, không hề giấu diếm hay né tránh bất cứ điều gì. Ba thú thật đã từng có ý định tự tử trong những ngày tháng khủng hoảng khi chuyện làm ăn gặp thất bại. Điều ấy khiến em cảm động và thương ba. Em cho ba 10 điểm về sự dũng cảm đối mặt với khó khăn. Ba em cũng là người có sự nhất quán giữa nói và làm, không nói một đằng làm một nẻo. Khi ba nói “gia đình là số một” thì ba luôn giữ mình, không làm bất cứ điều gì khiến mẹ và em buồn. Lo làm ăn, tích góp tiền bạc, ba từ bỏ những thú vui riêng mà không hề trách cứ vì lo cho vợ con mà mình phải chịu thiệt thòi.
Ba em kể, có lần vì không chịu được một người khách luôn miệng mắng chửi con mình, ba đã mời cô ấy ra khỏi tiệm. Cô ấy quay sang mắng luôn ba em. Nghe vậy, em nói: “Ba không nên nóng nảy như thế”, tưởng ba giận, ngờ đâu ba ngẫm nghĩ rồi hứa sẽ bớt nóng tính. Ba mẹ không bao giờ xem em là “thằng nhóc” mà đối xử công bằng như một người lớn, có việc gì cũng đưa ra để cả nhà bàn luận, góp ý và ý kiến của em luôn được lắng nghe. Bác hàng xóm nhà em nói rằng, ba mẹ em được trời thương cho đứa con trai ngoan, nhưng em nghĩ gia đình em có được như ngày nay là nhờ ba mẹ “ngoan” trước.
HIỀN VĂN (lược ghi)
Con không dám vẽ chân dung mẹ
Em Nguyễn T. D.
(học sinh Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM)
Em Nguyễn T. D. với tâm sự não nề về mẹ của mình
Con thương mẹ nhưng rất sợ đến gần mẹ vì hay bị mẹ đánh, chửi. Ban đêm, mẹ thường bỏ nhà đi chơi tới sáng mới về. Bà ngoại hỏi thì mẹ nói “đi quan hệ, kiếm mối làm ăn”. Nhưng bà ngoại nói mẹ đi vũ trường. Không có tiền đi chơi, mẹ dụ con ăn cắp tiền của bà ngoại và hàng xóm đưa mẹ. Con không chịu ăn cắp vì cô giáo dạy ăn cắp là xấu và con sợ bị người ta phát hiện. Mẹ đánh, chửi con ngu, “khôn nhà dại chợ”.
Nhắc tới mẹ, con chỉ nghĩ lúc mẹ cầm cây chổi quất con. Con la khóc, mẹ cũng đánh; ai đến can, mẹ cũng đánh. Mẹ đi chơi suốt, bỏ đói con. Đến giờ tan trường, mẹ cũng không đến đón con. Cô giáo phải gọi điện cho ông của con đến rước. Ba con bỏ con từ bé nên giờ con cũng không biết mặt ba. Học vẽ, thầy bảo vẽ chân dung của mẹ, các bạn vẽ mẹ rất đẹp, rất hiền, còn con ngồi hoài không vẽ được, con cứ suy nghĩ “nếu mẹ không thương con thì sao đẻ con ra chi?”.
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.