Trồng lúa sạch, được thưởng tiền, tăng lợi nhuận

02/04/2025 - 05:54

PNO - Mấy tháng nay, nông dân miền Tây Nam Bộ xôn xao chuyện được thưởng tiền khi trồng lúa theo quy trình mới giúp giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài được thưởng tiền, cách làm lúa này cũng giảm chi phí, tăng lợi nhuận, làm lợi môi trường.

Nhiều lợi ích từ cách làm mới

Đại diện Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) và các tổ chức liên quan ở Việt Nam trao thưởng hơn 3,18 tỉ đồng cho các đơn vị đạt kết quả tốt  khi tham gia sản xuất lúa theo quy trình giảm phát thải khí nhà kính năm 2024
Đại diện Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) và các tổ chức liên quan ở Việt Nam trao thưởng hơn 3,18 tỉ đồng cho các đơn vị đạt kết quả tốt khi tham gia sản xuất lúa theo quy trình giảm phát thải khí nhà kính năm 2024

Hơn 20 năm trồng lúa trên vùng Đồng Tháp Mười, đông xuân năm nay là vụ mùa vui nhất đối với chị Trần Thị Thúy Ngân - ở xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp - bởi ngoài lợi nhuận từ bán lúa, chị còn được nhận tiền thưởng từ Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) nhờ canh tác giảm phát thải.

Nguồn sống của gia đình chị Ngân trông cậy hết vào 10ha đất trồng lúa. Từ vụ hè thu năm 2024, Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (tỉnh Đồng Tháp) cử cán bộ kỹ thuật đến trao đổi việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp về trồng lúa giảm phát thải khí nhà kính để tạo ra hạt gạo chất lượng, bán giá cao, nông dân lại có thêm tiền thưởng nhờ bán tín chỉ các bon (carbon).

10ha đất của chị được thiết kế lại một cách hợp lý, liên thông với đất của các hộ xung quanh về giao thông, hệ thống nước tưới nhằm tạo vùng sản xuất lớn. Chị còn được các kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn áp dụng quy trình canh tác mới, tưới ngập và khô xen kẽ để giảm phát thải khí nhà kính. Quy trình mới cũng giúp giảm lượng lúa giống gieo sạ từ 130-150 kg/ha xuống còn 60-70 kg/ha, tiết kiệm từ 20 - 30% lượng phân bón và giảm phun thuốc bảo vệ thực vật từ 7 lần xuống còn 4 lần/vụ, đồng thời tăng năng suất và được bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Đưa chúng tôi ra thăm cánh đồng lúa rộng 12ha của mình, nông dân Nguyễn Thành Nguyên - ở cùng xã Tân Công Sính - cho hay, bao đời nay, nông dân cứ tới vụ là gieo sạ, bón phân, phun thuốc hóa học vô tội vạ nên rất nguy hại sức khỏe: “Nay, được SNV và công ty kinh doanh lúa gạo hướng dẫn quy trình sản xuất có lợi cho sức khỏe, môi trường, nông dân rất phấn khởi. Làm theo quy trình này, ngoài giảm chi phí, tăng năng suất và chất lượng lúa gạo, nông dân còn bán được phụ phẩm từ rơm với giá 500.000 đồng/ha thay vì đốt bỏ, lại còn có tiền hỗ trợ, tiền thưởng”.

Ông Tôn Thanh Hùng - Tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất lúa Tân Lợi, xã Tân Công Sính - kể, lúc đầu, bà con lo lắng về cách làm lúa mới, sợ năng suất không đạt, nhưng chỉ sau 1 vụ canh tác thành công, được thưởng tiền, họ phấn khởi lắm. Năm 2025 này, hầu hết trong 20 thành viên của tổ đã đăng ký tham gia mô hình này.

Xây dựng thương hiệu gạo giảm phát thải

Người nông dân vui mừng trên cánh đồng lúa được trồng theo quy trình giảm phát thải CO2 cho năng suất và lợi nhuận cao
Người nông dân vui mừng trên cánh đồng lúa được trồng theo quy trình giảm phát thải CO2 cho năng suất và lợi nhuận cao

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại đồng bằng sông Cửu Long” (gọi tắt là TRVC) do bộ phối hợp cùng SNV triển khai trong 5 năm (2023-2027) với tổng tiền thưởng 57 tỉ đồng, do Đại sứ quán Úc tại Việt Nam tài trợ. Đây là dự án đa mục tiêu, vừa thay đổi từ phương thức canh tác truyền thống sang hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao nhằm giảm chi phí vật tư đầu vào để tăng lợi nhuận, vừa giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bà Trần Thu Hà - Giám đốc TRVC thuộc SNV - cho hay, trong năm 2024, dự án được triển khai trên diện tích khoảng 6.100ha với hơn 1.720 nông hộ liên kết với 8 công ty lúa gạo tham gia. Mục tiêu ban đầu của dự án là lợi nhuận cao hơn ít nhất 30% giá thành cho dù giá vật tư có tăng, giá lúa có giảm. Tuy nhiên, lợi nhuận thực tế của nông dân tham gia dự án là 59% so với giá thành sản xuất, cao hơn 29% so với chỉ tiêu đề ra. Trong đó, nông dân ở tỉnh Đồng Tháp có lợi nhuận cao nhất (64%), ở tỉnh An Giang cao thứ hai (56%), ở tỉnh Kiên Giang cao thứ ba (54%).

Cũng theo bà, về môi trường, cả 8 công ty tham gia dự án đều thực hiện tốt quy trình sản xuất lúa bền vững, qua đó giảm được từ 3,7-7 tấn khí carbonic (CO2) mỗi héc ta so với canh tác theo kiểu truyền thống, làm giảm phát thải hơn 27.162 tấn CO2 trên tổng diện tích 6.100ha trong vụ đầu tiên. 8 công ty này đã được trao thưởng hơn 3,18 tỉ đồng. “Các công ty đã dùng số tiền thưởng này hỗ trợ thêm cho nông dân nhằm khuyến khích họ tiếp tục thực hiện dự án trong thời gian tới” - bà nói.

Trong năm 2025, các doanh nghiệp và nông dân ở 3 tỉnh Kiên Giang, An Giang và Đồng Tháp đã đăng ký tham gia dự án TRVC trên tổng diện tích khoảng 33.570ha.

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Môi trường

Ông Trần Trương Tấn Tài - Tổng giám đốc Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam - cho rằng, phương thức canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính mang lại ý nghĩa trên nhiều mặt và gắn kết hài hòa quyền lợi các bên. Nhờ áp dụng quy trình canh tác mới, nông dân đã thay đổi nhận thức về trách nhiệm với môi trường, môi trường cũng nhờ đó được cải thiện. Tới đây, công ty sẽ đăng ký mở rộng diện tích lên khoảng 21.000ha nhằm hướng đến xây dựng thương hiệu gạo giảm phát thải khí nhà kính.

Ông Trương Văn Chính - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chơn Chính (tỉnh Đồng Tháp) - cho rằng, người tiêu dùng trên thế giới ngày càng khắt khe hơn về chất lượng, độ an toàn của thực phẩm, nên việc sản xuất gạo theo hướng thân thiện với môi trường là xu thế tất yếu. Do đó, sản xuất theo quy trình kỹ thuật của TRVC là cách để khẳng định thương hiệu, tăng sức cạnh tranh. Vấn đề lúc này là nâng cao năng lực của các hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác nhằm huy động nông dân cùng liên kết với doanh nghiệp để tham gia mô hình này.

Tăng năng suất và hiệu quả kinh tế

Ông Nguyễn Cao Khải - Giám đốc HTX Nông nghiệp Tiến Thuận (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) - cho hay, trong vụ hè thu 2024, Tiến Thuận là HTX đầu tiên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) chọn triển khai đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh” với quy mô sản xuất 50ha, có 18 hộ tham gia.

Kết quả, năng suất lúa đạt 6,5 tấn/ha, cao hơn so với ruộng đối chứng bên ngoài hơn 6 tạ (5,89 tấn/ha), hiệu quả kinh tế tăng từ 1,3-6,2 triệu đồng/ha. Tính đến nay, Tiến Thuận đã có 3 vụ canh tác lúa theo quy trình giảm phát thải khí nhà kính. Hiện giá thành sản xuất lúa từ 3.800-4.000 đồng/kg, giá bán khoảng 5.700-7.000 đồng/kg tùy loại giống, lợi nhuận từ 20-30 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Văn Huỳnh - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa (huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) - cho biết, vụ đông xuân vừa qua, 25 thành viên của HTX mới tham gia trồng lúa theo quy trình giảm phát thải CO2 vụ đầu tiên trên 50ha, nhưng ai cũng thấy được nhiều lợi ích từ quy trình này.

Nông dân Nguyễn Minh Cảnh - ở xã Mỹ Phước, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang - kể: “Vụ rồi, tôi liên kết với Công ty TNHH Angimex-Kitoku sản xuất lúa Nhật, được bao tiêu với giá 9.600-9.800 đồng/kg, cao hơn giá thị trường từ 1.500-3.000 đồng/kg. Ngoài lợi nhuận cao nhờ đầu ra ổn định, 8ha lúa của tôi còn được công ty chia thưởng hơn 6 triệu đồng tiền giảm phát thải khí nhà kính”. Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Kiên Giang, đến nay, toàn tỉnh đăng ký làm lúa theo quy trình giảm phát thải khí CO2 trên diện tích hơn 70.000ha; các HTX sản xuất theo quy trình này có lợi nhuận cao hơn khoảng 10 triệu đồng/ha so với canh tác theo kiểu truyền thống.

IRRI thưởng tiền cho 38 hộ trồng lúa ở Cần Thơ

Năm 2024, Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ tổ chức trao thưởng tiền mặt cho 38 hộ trồng lúa giảm phát thải khí nhà kính.
Đây là 38 hộ trong 100 hộ thành viên HTX Khiết Tâm và HTX Quỳnh Phúc (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ đã chọn khảo sát ruộng lúa nhằm so sánh các chỉ số khi áp dụng quy trình canh tác giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời hướng dẫn quy trình, kỹ thuật mới. 38 hộ này đã đạt mức giảm phát thải CO2 cao nhất nhờ giảm sử dụng phân đạm, không đốt rơm, áp dụng kỹ thuật tưới ngập và khô xen kẽ…

Hỗ trợ vốn để tăng sản lượng gạo sạch

Trong vụ đông xuân 2025, Tập đoàn Tân Long có khả năng thu mua và dự trữ khoảng 300.000 tấn lúa. Ông Trương Mạnh Linh - Giám đốc điều hành ngành gạo của tập đoàn này - cho hay, Tân Long sẵn sàng hỗ trợ các HTX, nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long sấy gia công, lưu trữ lúa khi gặp tình trạng lúa gạo giảm giá. Ngân hàng Nhà nước nên có chính sách cho vay vốn với lãi suất ưu đãi đối với các doanh nghiệp, HTX và nông dân có nhu cầu vay vốn để canh tác lúa theo quy trình giảm phát thải khí CO2.

Ông Võ Thành Phước - phụ trách quản lý Công ty TNHH một thành viên Chế biến lương thực Võ Ngọc Trân, TP Cần Thơ - cho biết, công ty ưu tiên thu mua lúa từ các HTX áp dụng quy trình trồng lúa phát thải CO2 thấp nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu, mở rộng thị trường và tăng lợi nhuận cho nông dân. Gạo từ mô hình canh tác lúa này đáp ứng tốt các tiêu chuẩn của thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản nên giá thu mua lúa cao hơn 500-1.000 đồng/kg so với lúa được canh tác theo lối truyền thống. Công ty đã ký hợp đồng thu mua khoảng 30.000 tấn. Công ty không thể mua nhiều hơn do thiếu vốn. Nếu được vay vốn với lãi suất hợp lý, công ty sẽ thu mua lúa nhiều hơn, giúp nông dân yên tâm sản xuất.

Ông Phạm Toàn Vượng - Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - cho biết, Agribank đã ký kết bản ghi nhớ với Bộ Nông nghiệp và Môi trường về cung cấp các sản phẩm dịch vụ đến cá nhân, hộ nông dân, doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác tham gia đề án trồng lúa giảm phát thải vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp với lãi suất giảm tối thiểu 1%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Trước mắt, Agribank dành ít nhất 30.000 tỉ đồng cho gói “hỗ trợ lúa gạo” này và sẽ tiếp tục bổ sung.

Huỳnh Trọng

Huỳnh Lợi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI