Gần đây, mạng xã hội rộ lên câu chuyện “chốt đơn tình trẻ” của diễn viên Ngô Thanh Vân. Hình ảnh người phụ nữ ngoài 40 tươi trẻ, miệng cười hạnh phúc, tay khoe nhẫn cầu hôn chiếm sóng các diễn đàn ngày hôm đó.
Các bà, các cô lại được dịp sung sướng ra mặt: “Chồng trẻ đâu còn là chuyện riêng của các sao, rồi cũng tới phiên mình thôi…”.
Yêu trai nhỏ tuổi - trào lưu hay bản lĩnh?
Dường như những câu chuyện tình trẻ của người nổi tiếng luôn thổi vào đời sống phụ nữ một luồng gió mới, cấy vào họ một niềm tin để có cái mà vin vào, mà vui, mà sống…
Nhưng đôi khi, hành trình hai chữ “tình trẻ” đi từ những chuyện tình lãng mạn đến cưới nhau, về chung nhà, lại có thể đi theo một nẻo, rất khác…
Biết người đọc nhất là phụ nữ luôn quan tâm chuyện tình trẻ, nên mạng xã hội luôn cập nhật chuyện tình “chị em” của Mỹ Tâm, Lệ Quyên, Trương Ngọc Ánh… Ngày bùng lên câu chuyện của Ngô Thanh Vân… ngồi đâu cũng nghe các chị, các bà râm ran bàn tán. Trong một nhóm của các bà ngoài 40 tuổi tại các quán cà phê, câu chuyện dường như chỉ xoay quanh vấn đề này. Một người nói: “11, 12 tuổi là chuyện nhỏ, mốt bây giờ phải 20” rồi cười thoải mái. Người nọ tiếp lời: “Giờ, phụ nữ khác xưa, họ trẻ rất lâu, rất bền, hình thức chẳng thấy chênh lệch, lo gì”.
Câu chuyện tình trẻ dường như đang tiếp thêm niềm vui cho những người theo chủ nghĩa “Tình yêu mà, khó định nghĩa lắm. Cứ yêu đi!”. Nói như một nhà tâm lý học “con người có xu hướng tìm đến những gì mình thiếu”. Mà cái các bà thiếu ở đây chắc chắn là sức trẻ, sự năng động, và thể hiện mãnh liệt.
Chứ với họ, những nhu cầu vật chất thường đã đạt đến sự ổn định. Và chúng ta cũng vậy thôi, dù không là người nổi tiếng, thì nhu cầu cảm xúc vẫn là nhu cầu rất thật của mỗi con người. Chính những thông tin mang tính “chốt đơn” ào ạt này như đang cố tạo ra “trend”, dù việc yêu và lấy người nhỏ tuổi hơn mình không có gì xa lạ trong đời sống hằng ngày.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Thanh Hoa là nhân viên kinh doanh của một công ty tại Khu công nghiệp Phú Mỹ. Chồng Hoa là Toàn, anh nhỏ hơn cô năm tuổi, số tuổi “chấp nhận được”. Hoa chia sẻ chuyện mình như trải nghiệm của người trong cuộc: “Phải tự đấu tranh quyết liệt với bản thân lắm, mới đi đến quyết định này. Mình không dám nói mình bản lĩnh. Nhưng thực lòng bước qua mọi áp lực là một câu chuyện rất khác những hẹn hò yêu đương”.
Mà quả thật như thế. Lúc yêu đương, mọi thứ đa phần được cảm xúc chi phối, một câu nói ân cần, một cử chỉ nhỏ nhỏ đôi khi cũng làm phụ nữ ôm đầy giấc mộng yêu đương. Nên dường như, con tim không còn chỗ cho những đắn đo cân nhắc thiệt hơn. Hôn nhân của Hoa gặp trắc trở ngay từ lúc Toàn - chồng Hoa - về nhà thưa với ba má để có thể tiến tới hôn nhân. Ba má Toàn phản đối. Không phải họ ghét Hoa, họ bảo vì thương cô nên mới phản đối.
Chính Toàn phải bản lĩnh hơn ai hết để bảo vệ tình yêu của mình, phải chứng minh mình trưởng thành vượt trội về nhiều thứ. Hoa cũng phải khó khăn lắm mới vượt qua được những áp lực từ nhà chồng.
Nhưng, đời sống hôn nhân luôn có một chữ “nhưng” đọc thật dài phía sau.
“Phải cố giữ nhan sắc, chớ mày già hơn nó đó”, “Liều quá mới dám cưới, nhỏ hơn mình chăm sóc mệt lắm”, “Mới có một đứa con thì còn coi được, chứ mai mốt thì sao”… Bao nhiêu câu nói chỉ chờ đánh gục Hoa bất cứ lúc nào. Chính Toàn cũng cảm thấy hoang mang. Có lần trong cơn say, anh nói: “Có lẽ chúng ta sai rồi…” làm Hoa choáng váng.
Hoa biết cô đã cố gắng vo cho tròn cuộc hôn nhân này vì cuộc sống chung hai năm đã lộ rõ những bản chất mà ngày xưa người kia cố giấu. Toàn cũng vậy, anh đã thể hiện rất rõ tính khí trẻ con. Đặc biệt, từ ngày cưới đến giờ, việc anh làm tốt nhất chính là giấu nhẹm vợ trong mọi cuộc gặp gỡ vui chơi của bạn bè anh. “Đi cùng làm chi cho mất công buồn”, Toàn nói vậy với vợ, mà có lẽ Hoa cũng nghĩ vậy…
Phải chăng là "chơi trội"?
Chuyện tình cảm nói một cách lý thuyết rằng đó là chuyện của cảm xúc. Có một điều ít ai để ý: Mọi quyết định trong mối quan hệ yêu đương thường do đàn ông quyết định. Mà đàn ông ít bị chi phối nhiều bởi những thứ không nằm trong đích đến của họ. Khi yêu, họ chỉ biết là mình yêu người phụ nữ kia. Còn người đó bao nhiêu tuổi, lớn hơn mình bao nhiêu, có con hay chưa… không mấy quan trọng. Họ sống đúng với những gì họ muốn nhất, vào đúng thời điểm nào đó.
Đức Trung hiện là cơ trưởng của một hãng hàng không lớn. Và vợ anh hơn anh bảy tuổi. Đã nhiều người nói Trung chơi trội, vì cô tiếp viên trưởng kia giỏi và xinh quá. Trung nói, có lẽ mọi thứ thuộc về hai chữ “hợp nhau”. Anh vốn khó có thể yêu được những cô gái trẻ hơn mình. Anh cũng chẳng biết giải thích làm sao về điều này, nó thuộc về thứ mà chúng ta hay giải thích gọn là “gu”.
“Nhưng tôi không thành trẻ con vì được cô ấy chăm sóc, tôi chỉ thấy mình thực sự trưởng thành. Chẳng người đàn ông nào trên đời này không muốn bảo vệ người phụ nữ mình thương và tôi càng phải chứng tỏ tôi lớn lao hơn mới nhận được sự quan tâm của cô ấy”, Trung nói.
Bản thân Trung hiểu rằng anh chưa bao giờ lường trước cho mình những được mất của một mối quan hệ chênh lệch tuổi tác quá nhiều, anh và bạn gái cùng thống nhất cuộc sống riêng và vui với lựa chọn đó. “Chúng tôi đủ lớn để quyết định cuộc đời mình. Người ngoài nói ra nói vô vậy chứ có giúp được gì cho mình đâu”, Trung cười.
Chẳng ai chứng minh được việc lấy chồng lớn hay nhỏ tuổi hơn thì hạnh phúc. Cũng chẳng có gì đảm bảo rằng chồng lớn hơn vợ mới là bờ vai vững chãi.
Hôn nhân xét cho cùng chính là chuyện riêng giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Ở đó, họ tự định nghĩa, tự quan niệm và tự sống sao cho đúng với những gì mình nghĩ. Vợ ra sao? Chồng thế nào? Hạnh phúc là gì? Gia đình sẽ gồm những gì?… Trả lời được những câu hỏi ấy chính là cầm trong tay chiếc chìa khóa mở cửa bước vào cuộc sống hôn nhân và vì vậy tuổi tác đâu có ý nghĩa gì!
Trong một buổi tọa đàm về việc phụ nữ có nên kết hôn với người nhỏ tuổi hơn mình, giữa những cô gái kịch liệt phản đối việc này, một phụ nữ đứng lên hỏi lại: “Vậy các em có từng yêu người nhỏ tuổi hơn mình chưa? Sao lại phản đối đến cực đoan vậy?”.
Khán phòng chợt yên lặng. Bởi xét cho cùng, chỉ người trong cuộc mới trả lời được lý do tại sao mình quyết định yêu và cưới một người khác. Người phụ nữ ấy nói, không phải chị bao biện cho mình, nhưng hành trình hạnh phúc của người phụ nữ là tìm cho ra người thương mình, thì lúc đó nhỏ hơn 10 tuổi, hay lớn hơn 20 tuổi mà mình cảm nhận được tình thương, tình yêu, nghĩa là đã chọn đúng.
“Chênh lệch tuổi tác khiến chúng tôi bất đồng quan niệm sống, cũng có cãi nhau đó, vì chênh lệch nhiều đôi khi còn cả sự chênh lệch suy nghĩ của thế hệ. Câu nói “Em lớn tuổi hơn anh phải biết điều này chứ…” luôn là câu cửa miệng của anh, khiến hôn nhân đôi khi căng như sợi dây đàn”, người phụ nữ chia sẻ thêm câu chuyện của mình.
Tuy nhiên chị cho biết, sự khỏe khoắn tươi mới của thứ mang tên tình yêu chính là yếu tố then chốt giúp chị vượt qua tất cả. Yêu chính là sống cho mình, làm gì có chỗ nào là chơi trội!
Vậy, hôn nhân là một chặng dài của hai con người, thì tuổi tác có nghĩa gì đâu…
Lan Khôi