Trong giông bão thấy cần nhau hơn

09/09/2024 - 14:59

PNO - Tôi thấy những cãi vã, cáu gắt chỉ vì chuyện vặt vãnh bỗng nhẹ như không. Tôi may mắn khi có chồng, người đang lo lắng mọi thứ trong nhà, một lát lại đi lau nước bị hắt vào sàn, đọc tin tức và chuẩn bị các phương án ứng phó cho cả gia đình.

Sáng sớm sau siêu bão Yagi, mấy đứa trẻ con tôi bỗng dưng dậy sớm mà chẳng cần ai gọi. Chúng tôi dắt nhau đi một vòng dưới chung cư xem tình hình tổn thất ra sao. Đến đâu, chúng tôi cũng đau xót trước những cái cây bật gốc, những chiếc xe bị cây đổ ngang lưng.

Đám trẻ thốt lên: “Mẹ ơi, may mà nhà mình không sao!”. Câu nói của con bỗng dưng cũng chính là điều mà tôi muốn nói.

Cây đổ rạp ở dưới chân chung cư nhà tôi (Ảnh: Tác giả cung cấp)
Cây đổ rạp ở dưới chung cư nhà tôi (ảnh tác giả cung cấp)

Trang Facebook của tôi đầy ắp những trường hợp thương tâm, những hình ảnh gió bão ghê người. Mới trưa nay, ngày 9/9, lại thêm vụ sập cầu Phong Châu (bắc qua sông Hồng ở tỉnh Phú Thọ), số người tử vong còn chưa thống kê chính xác. Trước đó là câu chuyện chiến sĩ trẻ hi sinh tại Quảng Ninh trong lúc làm nhiệm vụ; con số về thương vong của những người đi trên đường, cố chạy xe để về nhà mà vĩnh viễn không còn cơ hội gặp lại người thân nữa…

Cơn cuồng phong của mẹ thiên nhiên quá khủng khiếp, khiến ai cũng thấy trong cơn cuồng phong ấy, nếu còn có gia đình, vẫn có điện sáng, có cơm để ăn no đã là rất may mắn.

Buổi chiều trước bão, mẹ chồng tôi gọi điện nhắc: “Con xem có nên cắm cơm sớm không, vì sợ lát nữa mưa to gió lớn lại mất điện đấy. Chờ qua bão, mẹ lại gom thức ăn gửi cho!”. Tôi vâng lời đi nấu cơm tối từ 4 giờ chiều. Và tôi nói với mẹ, vì thịt cá mẹ gửi ra từ lần trước vẫn còn, tôi không phải đi mua thêm đồ dự trữ.

Bữa cơm tối hôm ấy, trong cảnh gió quật ầm ầm, gào rú từng đợt như muốn nhấc bổng những cánh cửa đi, tôi có dịp nhắc cho các con hiểu hơn nữa về sự chu đáo, hết lòng vì con cháu của ông bà nội. Mấy đứa trẻ từng trách cứ ông về việc ông quá nghiêm khắc bỗng cũng lặng yên, nói lời cảm ơn ông bà.

Mọi thứ tan hoang (Ảnh: Tác giả cung cấp)
Mọi thứ tan hoang (ảnh tác giả cung cấp)

Tôi kể cho các con về tuổi thơ trong bão lũ ở miền Trung, về những ngày thơ bé tôi ngồi nhìn qua cửa sổ thấy mưa trắng trời, cây cối bị quật ngả nghiêng và dáng bà ngoại liêu xiêu đẩy xe đi bán rong. Món ăn những ngày đó chỉ có món muối vừng lạc (muối mè, đậu phộng) mà thường thì muối nhiều hơn vừng hay lạc. Những bữa tối ăn của tôi luôn trong cảnh mất điện, mưa dột thẳng xuống mâm.

Trong bão, những câu chuyện dường như chạm đến trái tim lũ trẻ hơn khi mắt đứa nào cũng tròn xoe mắt lắng nghe, xen thoáng sợ hãi, xúc động. Chốc chốc chúng lại hỏi: “Mẹ ơi, cái cửa ấy có chịu được không? Nhà mình còn đồ ăn đến ngày mai không?”.

Còn tôi, trong phút ấy, bỗng dâng lên một cảm xúc rất lạ. Tôi thấy những cãi vã, cáu gắt chỉ vì những chuyện cỏn con vặt vãnh bỗng nhẹ như không. Tôi cảm nhận rõ sự may mắn của mình khi mình có chồng - người đang lo lắng mọi thứ trong nhà, một lát anh lại đi lau nước bị mưa bão hắt vào sàn, đọc tin tức và chuẩn bị các phương án ứng phó cho cả gia đình... Nếu những lần cái tôi dâng cao trước đây khiến vợ chồng chia ly, chắc hẳn mẹ con tôi hẳn đang ngồi co rúm, than thở trong một góc nhà nào đó.

Chị hàng xóm của tôi có chồng đi làm công trình ở Quảng Ninh không về kịp. Một mình chị ở nhà xoay xở với 2 đứa con. Chị kể, suốt cả đêm bão, chị thấp thỏm không yên, vợ chồng cứ gọi video cho nhau rồi để điện thoại trong cả lúc ngủ.

Khi mất điện và nghe gió rít, quần thảo bên ngoài cửa, chị như muốn điên lên. Chị vừa sợ cho 3 mẹ con vừa lo cho chồng. Khi trời sáng, gió ngớt, chị mới thở phào khi nhận được tấm ảnh “check-in” của chồng…

“Vợ chồng chị trước đây cứ nghĩ đi làm xa để kiếm thêm chút tiền. Nhưng sau những lần con ốm đau và lần bão này chị lại thấy nếu tiêu dè xẻn hơn chút để vợ chồng ở gần bên cạnh nhau vẫn tốt nhất”, chị bạn tôi nói.

Đi dạo sau cơn bão, tôi nhặt một cành sấu về chưng trong nhà (Ảnh: Tác giả cung cấp)
Đi dạo sau cơn bão, tôi nhặt một cành sấu về chưng trong nhà (Ảnh tác giả cung cấp)

Tôi cũng cảm thấy ấm áp khi đọc được thông báo trong một cụm cư dân: “Quán cơm anh Thắng, số điện thoại…, sẽ sáng đèn, mở cửa xuyên bão để phục vụ bà con. Những người vô gia cư trong khu có thể qua đây, miễn phí ăn và ngủ. Những bác người già trong nhà chỉ cần gọi điện là có cơm ship tận phòng”.

Rất nhiều những dòng tin tức chia sẻ đồ ăn, chỗ ở tránh bão như vậy. Tôi đưa cho các con đọc và cùng bình luận. Chúng tôi bảo nhau rằng dù sức càn quét của cơn bão quá lớn, nhưng bước qua cơn bão rồi, cũng có bài học tích cực để lại: Gia đình cần có nhau, người với người cũng cần xích lại gần nhau hơn!

Linh Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI