Nguyễn Thanh Hà và Phan Tố Nga là cặp đôi thanh mai trúc mã ngày ấy. Hai nhà liền kề, chung cái sân. Họ cãi nhau chí chóe và tới tuổi cập kê thì mỗi người yêu một người khác. Cho tới một ngày chàng Thanh Hà xao xuyến bắt gặp hình ảnh cô gái Tố Nga dịu hiền trong bộ bà ba, vừa tất bật trông em vừa quét sân, quét nhà.
Tố Nga có mái tóc dài thướt tha, khuôn mặt đẹp như người phương Tây. Cô có cảm tình với chàng công tử Thanh Hà tóc xoăn. Bố chàng là bác sĩ, mấy đời con một, có căn nhà mặt phố Hà thành. Chàng trai không thiếu gì cô gái vây quanh, còn cô gái thì cũng chẳng thiếu người để ý.
|
Vợ chồng anh chị Thanh Hà - Tố Nga thời trẻ |
Những năm 1980, Thanh Hà được bố mẹ sắm cho chiếc xe đạp Peugeot mới để đưa người yêu đi chơi. Cô gái luôn mặc chiếc áo may kiểu thướt tha, xẻ tà. Điều kiện kinh tế của hai gia đình thuộc dạng khá giả so với mặt bằng chung.
Hai người được cả hai bên họ hàng tác thành, một đám cưới linh đình diễn ra trong sự ngưỡng mộ của cả khu phố. Thời ấy họ đã có hình cưới là ảnh màu.
Thời cuộc thay đổi, khi nền kinh tế bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường, anh không còn làm cán bộ của một cơ quan cung cấp thực phẩm tem phiếu, chị cũng không thể trụ mãi ở nhà máy bánh kẹo Hải Hà.
Cuộc sống gia đình trở nên khó khăn khi đứa con gái đầu lòng ra đời, rồi một cô con gái nữa ra đời chỉ sau hai năm. Chàng trai ngày nào tóc để dài xoăn quắn, quần bó sát, áo phông Lào thong dong giờ phải thay bằng bộ ka-ki bạc, tóc cắt ngắn, chuyển đủ nghề miễn sao có tiền nuôi gia đình.
Cuộc sống chật vật, nhưng buổi tối, khi rảnh rỗi, cả nhà quây quần vui vẻ bên nhau. Nhà chật chội, lại có bố mẹ già, đàn em nhỏ dại chưa đi lấy chồng nên khó tránh va chạm. Mỗi lần như thế, anh động viên vợ: “Em ráng chịu nha, anh sẽ cố gắng để chúng ta có không gian riêng”.
Vợ chồng chăm chỉ vun vén, nhưng khó khăn mãi còn. Anh bàn với vợ, quyết định “đánh bắt xa bờ” ở tỉnh xa trên chiếc xe máy cà tàng. Nhọc nhằn lắm, bởi thời ấy “đi buôn” với anh là chuyện mới lạ, anh lại vốn ít nên càng phải đi xa mới mong được đồng lãi.
|
Lên ông, lên bà, hai người vẫn rất mực yêu nhau |
Anh cố gắng để ít vắng nhà vì sợ vợ buồn, con nhớ. Có đêm do nôn nóng trở về nhà nên anh chạy xe một mạch suốt đêm đông rét mướt.
Chàng công tử Hà thành ngày nào, nay bỗng chốc trở thành người đàn ông phong trần, thương vợ con nên gắng gượng hết sức. Cô gái tiểu thư xinh như mộng ngày xưa nhìn chồng vất vả thì càng yêu thương, chiều chuộng. Chị tỉ mẩn nấu món ăn ngon cho chồng. Anh thích món nào là lập tức chị đáp ứng.
Ngày ấy, món ăn có chất đạm hiếm lắm nhưng chị luôn dành tiền mua thịt cá cho chồng con, bản thân chỉ ăn rau, ăn cà. Biết chồng thích vợ để tóc dài và áo bà ba, chị để duy nhất kiểu tóc dài, dù chăm sóc tóc rất cực, chị vẫn không ngại và áo bà ba gần như là kiểu áo duy nhất chị mặc.
Khi anh buôn bán không thuận lợi, có lần mất hết cả vốn lẫn lãi, nhưng chị hiểu anh đã cố gắng hết sức, tình vợ chồng chẳng vơi, hai người vẫn yêu thương nhau như hồi mới cưới. Lúc nào tiếng cười cũng rộn rã.
Dẫu nghèo, nhưng anh chị vẫn thương người nghèo khó hơn mình. Ngày ấy, có rất nhiều người vô gia cư từ các tỉnh lên Hà Nội. Anh chị thường chia sẻ với họ, lúc thì vài đồng, lúc thì bát mì, lúc thì trái bánh dẫu trong nhà cũng chẳng có nhiều.
Đứa con thứ ba ra đời - cậu con trai, cháu đích tôn của mấy đời con một. Niềm vui đồng nghĩa với việc anh chị lại phải nỗ lực gấp năm, gấp mười. Anh lao ra đường làm ngày làm đêm, không từ bất cứ việc gì. Đây là quãng thời gian nhọc nhằn nhất với anh chị.
Gặp người tai nạn, anh chị giúp đỡ chẳng màng báo đáp. Có lần vào đêm ba mươi tết, cả nhà đang chờ đón giao thừa thì “uỳnh”, có tiếng xe cộ va chạm ngay trước cửa nhà, một thanh niên ngất xỉu nằm một mình. Không quản ngại kiêng kỵ, chị bảo anh “Cứu người là trên hết, không sợ điều gì cả. Giao thừa cũng không sao”.
Vợ chồng loay hoay khiêng cậu thanh niên đó vào nhà chăm sóc, giúp hồi sức. Chàng thanh niên nọ thoát chết, rối rít cảm ơn…
Tháng ngày dần trôi, có lẽ vì bản tính hiền lành, chịu thương chịu khó làm ăn nên cuộc sống của anh chị đỡ dần cơ cực và khấm khá hơn khi các con khôn lớn. Hai cô con gái đến tuổi trưởng thành, cậu con út tuổi vị thành niên.
Vợ chồng vẫn thắm thiết như ngày nào, khiến bao người ước ao. Lúc nào anh chị cũng như đôi sam, đi đâu cũng có nhau, có lúc giận dỗi, có lúc to tiếng nhưng chưa bao giờ hết thương nhau.
Sau nhiều đêm thức trắng, mắt anh trũng sâu, mặt hốc hác, thân hình xiêu vẹo. Chỉ một thời gian ngắn mà anh tiều tụy vì muốn cứu con nhưng chưa tìm ra cách. Những lúc ấy, chị ngồi bên, ngấn lệ vì thương chồng. Anh cũng xót vợ, vì mái tóc dài đen ngày nào giờ đã chuyển bạc, gương mặt hằn sâu nét muộn phiền.
Anh nhìn chị, khóc trong bất lực… `Những tưởng khi cuộc sống ổn định, vợ chồng được an nhàn, lại xảy ra chuyện. Đứa con trai của họ khi ấy đang tuổi nổi loạn, đua đòi chúng bạn, hết bỏ học chơi game, rồi cờ bạc, đánh nhau, đua xe...
Đêm hôm đó, trời giông bão, sấm sét. Cậu con trai sau một canh bạc, ướt át trở về nhà thay chiếc áo, định bụng lại đi tiếp. Đúng lúc ấy, bắt gặp một khoảnh khắc đau khổ đó của cha mẹ, hình ảnh tiều tụy của hai người chạm được đến bản ngã lương thiện sâu thẳm của cậu ta.
Như bừng tỉnh, đứa con trai ngộ ra, nó ân hận tự hứa: “Sẽ không cho phép bản thân làm khổ bố mẹ nữa”. Kể từ đó, cậu tu chí làm ăn, lấy vợ, sinh con, vun vén gia đình.
Bây giờ, cậu con rất có hiếu. Dẫu con trai đang làm bất cứ điều gì, dù mệt hay ốm nhưng bố mẹ chỉ cần nói: “Bố mẹ muốn đi đến nhà ông A, bà B hoặc về quê” là cậu lập tức không ngần ngại, sẵn sàng đưa bố mẹ đi. Bố mẹ muốn ăn bất cứ món gì, lập tức tìm mua.
Vượt qua mọi thử thách, nhờ tình yêu son sắt mà giờ đây mọi thứ đều tốt đẹp, chàng công tử hào hoa Thanh Hà, cô gái đẹp Tố Nga ngày nào giờ đã lên chức ông bà, con cháu đông đủ và hai người như trẻ lại. Ông bà là nguồn năng lượng tiếp sức cho con trẻ. Mỗi khi có chuyện gì không hay xảy ra, các con bảo nhau: “Hãy nhìn tấm gương của bố mẹ mà cư xử trong hôn nhân, trong gia đình nhé”.
Khánh Phương