Trong dịch giã mới biết… vợ là ai

19/06/2021 - 06:30

PNO - Giờ đây, ngoài giờ làm, anh còn kiêm luôn chân giao hàng giúp vợ. Bài toán kinh tế gia đình được giải quyết, anh cũng trút được gánh nặng trong lòng.

Anh từng ngại ngùng khi mọi người hỏi thăm về nghề nghiệp của vợ. Bình thường anh sẽ đánh trống lảng qua chuyện khác để khỏi phải trả lời. 

Mỗi khi thấy đồng nghiệp hãnh diện khoe vợ, anh cũng có chút chạnh lòng. Những buổi gặp gỡ dâu rể trong công ty, hiếm khi anh đưa chị theo.

Có lần, đứa con trai út mới vào cấp II, cô giáo phát phiếu lấy thông tin, ở chỗ ghi nghề nghiệp của mẹ, nó ngập ngừng hỏi: “Giờ ghi thế nào hả bố?”. Anh bảo con để trống cũng được, nhưng thằng bé nhất quyết không chịu, ấm ức khóc. Hôm sau, con trai về khoe, sau khi giải thích, cô giáo bảo mẹ là nghề “nội trợ”, nghe thế, anh chỉ biết thở dài.

Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK

Ngày trước, anh đi làm trên thành phố, hơn 30 tuổi vẫn chưa lấy vợ nên ba mẹ ở quê lo lắng hối thúc. Sau nhiều lần mai mối, anh đồng ý cưới chị cho vừa lòng gia đình.

Nhà chị nghèo, học hết cấp III đành nghỉ học phụ ba mẹ nuôi em. Chị không đẹp nhưng giỏi thu vén chuyện nhà cửa và nấu ăn rất ngon.

Anh đi làm xa, ở nhà chị thay chồng cáng đáng từ việc ngoài đồng, lo giỗ chạp đến chăm sóc ba mẹ già. Đến khi ông bà qua đời, các con lớn hơn, anh mới tính chuyện chuyển cả nhà ra thành phố sống để khỏi “một cảnh hai quê”. 

Bán hết đất đai nhà cửa ở quê, gom tiền dành dụm, vợ chồng anh mua được một căn chung cư nhỏ làm tổ ấm. Chị theo chồng, bỗng dưng trở thành người sống bám vì không có việc làm.

Ở quê, chị tháo vát buôn bán, chăm chỉ làm ruộng cũng đủ vén khéo cho chi phí sinh hoạt gia đình. Tiền anh đưa về chủ yếu để lo việc lớn hoặc gửi tiết kiệm tích lũy. 

Khi vợ chồng con cái đoàn tụ, cuộc sống gia đình ấm cúng hơn, nhưng kinh tế eo hẹp. Trước đây, anh tính sẽ xin cho chị làm phụ bếp ở nhà hàng của một người bạn, con gái lớn ra trường đi làm cũng đỡ đần một phần. Nhưng người tính không bằng trời tính, nhà anh vừa ổn định chỗ ở được vài tháng thì dịch COVID-19 ập đến, mọi dự định lỡ dở.

Con gái học ngành du lịch được một công ty hứa nhận vào làm sau khi tốt nghiệp cũng phải chờ. Nhà hàng của bạn anh đóng cửa vô thời hạn, chị chỉ biết quanh quẩn ở nhà, nấu ăn dọn dẹp…

Trở về nhà sau một ngày làm việc, anh được vợ chăm sóc chu đáo từ bữa ăn, giấc ngủ đến quần áo, nhưng đêm nằm xuống, anh lại đau đầu suy nghĩ làm thêm gì để tăng thu nhập cho gia đình.

Công ty anh cũng lao đao trước dịch, thu chẳng đủ bù chi, chỉ đủ trả tiền lương chứ các khoản tiền thưởng, phụ cấp đều cắt. Bao nhiêu tiền dành dụm đều đã dồn vào việc mua nhà, nhiều khi anh nghĩ mình đã sai khi chuyển cả nhà ra thành phố trong khi người ta tìm cách “bỏ phố về làng”.

Anh còn ước giá như vợ mình có một nghề nghiệp ổn định thì gánh nặng kinh tế đã được chia đôi. Tuy nhiên, anh giữ điều đó trong lòng chứ không nói ra với vợ, vì nghĩ nói cũng chẳng giải quyết được gì.

Anh rất bất ngờ khi vợ thông báo hai mẹ con sẽ bán thực phẩm online. Anh nghi ngờ mức độ thành công khi vợ hiếm khi tiếp xúc với máy tính, thậm chí dùng điện thoại thông minh còn chưa thạo. Nhưng anh đã nhầm, con gái phụ trách việc nhận đơn hàng và giao dịch còn vợ anh lo khâu chế biến, nên việc buôn bán rất thuận lợi. 

Trong khi việc kinh doanh mùa dịch bệnh gặp khó khăn thì cách bán hàng của vợ anh lại được đón nhận. Nắm bắt tâm lý mọi người ngại đi chợ vào mùa dịch và các bà nội trợ bận rộn, vợ anh lên thực đơn các món ăn hằng ngày của gia đình, nhận sơ chế ướp sẵn, ai gọi món gì thì giao tận nhà, khách mua chỉ việc bỏ vào nồi nấu.

Vốn đầu tư cho việc bán hàng chỉ là một chiếc tủ đông cũ để trữ thực phẩm và một máy hút chân không. Đơn hàng đặt trước một ngày, tiền thanh toán ngay sau khi nhận hàng nên không lo lỗ vốn. Thêm nữa, chị chủ động kết nối với người quen ở quê, cung cấp thực phẩm tươi sạch đảm bảo chất lượng mà giá rẻ nên khách hàng ưa chuộng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Với sự năng động tháo vát cùng sự giúp sức của con gái, sau vài tháng việc bán hàng của chị đã ổn định, có lượng khách đặt mua đều đặn. Đến bây giờ, khi làn sóng dịch COVID-19 quay lại lần thứ tư, anh đã thực sự tin vào khả năng kinh doanh của vợ. 

Lần đầu tiên, anh đăng bài bán hàng giúp vợ trên trang cá nhân làm nhiều đồng nghiệp ngỡ ngàng. Nhiều người còn đùa, có vợ đảm đang thế mà cứ giấu làm anh thấy vui vui.

Giờ đây, ngoài giờ làm, anh còn kiêm luôn chân giao hàng giúp vợ. Bài toán kinh tế gia đình được giải quyết, anh cũng trút được gánh nặng trong lòng. Anh nhận ra, trước đây mình nghĩ cạn, thậm chí giáo điều sách vở, nghề nghiệp là một cái tên ghi trên giấy không quan trọng bằng khả năng, kinh nghiệm xoay xở trước sóng gió cuộc đời. 

Vũ Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI