Chừng 15 năm trước, sau mấy vụ lúa, đậu phộng mà chẳng dư được đồng nào lận lưng, ba tôi quyết định trồng dưa hấu. Làm dưa rất cực, đã làm thì gần như phải xác định ăn ngủ ngoài đồng nhiều hơn ở nhà. Từ ngày xuống giống đến lúc bán là tầm ba tháng. Có lẽ mồ hôi đổ xuống nhiều sẽ tạo thêm vị ngọt cho trái dưa.
Ngày bán, cả gia đình tôi thẫn thờ khi dưa hấu tròn (còn gọi là dưa An Tiêm) rớt giá chỉ còn 200 đồng/ ký. Không chỉ gia đình tôi mà những người trồng dưa ở Quảng Ngãi thời điểm đó đều đổ nợ. Mùa thu hoạch dưa thành mùa của nước mắt người nông dân. Từ đó đến nay, ba tôi không còn dám nghĩ đến việc trồng dưa hấu nữa.
|
Dưa hấu ở Gia Lai được chuyển về TPHCM trong đêm để sáng hôm sau "giải cứu" |
Rất nhiều ý kiến đổ lỗi cho nông dân, thậm chí là nhà nước mỗi kỳ nông sản bị rớt giá. Nào là cơ quan quản lý nhà nước không định hướng thị trường, để người dân tự “bơi” là chính. Nào là nông dân “hùa” theo đám đông, thấy ai làm có thu nhập tốt thì bắt chước mà không suy nghĩ đến vấn đề cung – cầu thị trường.
Có lần, tôi hỏi một ông chú chuyên trồng dưa hấu ở quê: “Trồng dưa bấp bênh như đánh cược mà sao chú trồng hoài dậy?”. Ông hỏi lại tôi: “Không trồng dưa thì mầy nghĩ cho tao phải làm gì là phù hợp, là không đánh cược?”. Từ đó, tôi không bao giờ hỏi ông câu hỏi tương tự nữa vì tôi chưa nghĩ ra câu trả lời cho câu hỏi trên.
|
Một nhóm bạn trẻ bỏ ra 40 triệu đồng mua 10 tấn dưa hấu về TPHCM phát miễn phí |
Mỗi lần xuất hiện “chiến dịch giải cứu”, những “nhà quan sát” hay đặt câu hỏi: Cứ thế này thì “giải cứu” nông sản đến bao giờ? Tôi sẽ học ông chú trồng dưa thay vì trả lời câu hỏi sẽ đặt lại một câu hỏi: “Không giải cứu thì làm gì?”.
Trong lúc cả thế giới đang căng mình chống dịch corona, tôi bị “ngộ độc tinh thần” khi liên tục đọc những dòng tin về chuyện găm hàng, hét giá khẩu trang.
Bất ngờ, cũng trong chính trong sự ngột ngạt ấy, tôi lại tìm thấy nụ cười ở quả dưa hấu đỏ.
Corona làm dưa hấu rớt giá thê thảm (biên giới đóng cửa do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona nên dưa không thể xuất khẩu sang Trung Quốc). Lại một lần nữa nông sản rớt giá, nông dân sắp thành những con nợ.
|
Nhiều bạn trẻ hồ hởi đến nhận dưa hấu miễn phí và quyên góp tiền hỗ trợ nông dân trồng dưa hấu bị thua lỗ |
Trong bối cảnh này, nhiều người đang sẵn sàng lăm lăm bàn phím để phân tích, mỉa mai và thậm chí rủa sả một thực trạng nông nghiệp vẫn còn nhiều điều để bàn. Nhưng, cũng có những anh bạn trẻ đã và đang đi tìm cách “giải cứu” người nông dân.
Ít hôm trước, có mấy anh bạn trẻ tìm về vùng trồng dưa của Gia Lai. Tại đây, chứng kiến thực trạng dưa hấu đang được thu mua với giá 1.000 đồng/ ký, họ không ngồi trước máy tính biên những dòng cảm thán mà đã hành động.
Họ gom góp tầm 40 triệu, mua 10 tấn dưa hấu chở thẳng về để gần cổng Trường ĐH Sài Gòn phát miễn phí cho người dân ăn. Trong tầm 4 tiếng đồng hồ, 10 tấn dưa hấu đã được giải quyết xong. Họ nói, sẽ đi nữa! Đi xuống miền Tây để thu mua thêm 10 tấn để giúp nông dân ở đây. Họ đang làm và sẽ tiếp tục làm trong khả năng của mình.
Một anh bạn trong nhóm phát miễn phí dưa hấu nói với tôi, cũng có người hỏi anh sẽ giải cứu nông sản đến bao giờ? Anh không biết. Nhưng, anh nghĩ: Không “giải cứu” thì làm gì bây giờ?
Thôi thì anh chọn “giải cứu”. Ít nhất việc “giải cứu” của anh sẽ giúp được một hay vài hộ nông dân nở nụ cười. Việc “giải cứu” dưa hấu của anh cũng đã “giải cứu” tinh thần của tôi sau những ngày dài bị “ngộ độc” bởi những dòng tin tiêu cực liên quan đến cái khẩu trang.
Mỗi người làm một chuyện tốt thì xã hội này sẽ tốt lên. Trước những điều tiêu cực, người ta thường phẫn nộ vì nghĩ mình vô can. Nhưng hãy nghĩ lại thật kỹ, biết đâu mình chẳng vô can.
Sơn Vinh