Trông con về

22/01/2024 - 18:38

PNO - Có bữa kẹt xe, chúng tôi về đến nơi lúc đã gần nửa đêm, ba vẫn kiên nhẫn chờ; xe vừa đến cửa, nghe tiếng chó sủa thì ông đã lăn xe ra trước hiên đón.

Hồi ba tôi còn sống, ông luôn muốn các con sống gần gũi với anh em, cha mẹ. Cậu Tám tôi tuy nhà nghèo, đông con, nhưng các anh con của cậu vẫn sống quây quần nơi mảnh đất khá nhỏ được ông bà để lại. Ba tôi nói cậu Tám hạnh phúc.

Ba tôi hay ước có thể sống đến khi tôi về hưu để trở về quê sống gần ông, dù biết điều đó rất khó có thể thực hiện nên cứ vài tuần ông lại gọi điện giục tôi về. Từ Sài Gòn về Đồng Nai chỉ hơn trăm cây số nhưng không phải lúc nào tôi cũng dễ dàng về vì bận nhiều việc, rồi các con còn phải đi học…

Tôi bận, vì tôi học ba rằng “ngày làm tháng ăn”, rằng “khi người ta nghỉ thì mình làm”… nên có cơ hội được làm việc thì nhất định phải nắm bắt, dù biết phải “bào sức” không ít.

Nhưng tôi cũng biết lý do bận rộn để ít về thăm nhà là có phần chống chế, là chưa hết lòng với cha mẹ nên tôi cố gắng bù đắp phần nào bằng cách hoặc tôi hoặc vợ điện thoại thường xuyên. Có khi tôi vừa ra khỏi cơ quan thì đã bắt đầu cuộc gọi cho ba, nhưng thường thì vợ tôi sẽ dành hàng giờ để trò chuyện với ông bà.

Những lần về nhà được, tôi ít khi cho ba mẹ biết trước, vì sợ ông bà trông, vì lắm khi trong suốt chặng đường, ba tôi gọi không biết bao nhiêu cuộc, chỉ 1 câu hỏi: “Các con về đến đâu rồi?”. Vì biết tôi đang lái xe nên vợ tôi được ba ưu tiên gọi hỏi. Sau này có kinh nghiệm, vợ tôi đều trả lời “trừ hao” theo kiểu dù đã đi thì cũng nói là bận không về được, để khi đến nơi thì ông bà tha hồ mừng.

Có bữa kẹt xe, chúng tôi về đến nơi lúc đã gần nửa đêm, ba vẫn kiên nhẫn chờ; xe vừa đến cửa, nghe tiếng chó sủa thì ông đã lăn xe ra trước hiên đón, rồi lật đật kêu đứa cháu ra mở cổng. Có lần chúng tôi còn phải ghé vài nơi khác nên về muộn hơn dự kiến, làm ba chờ lâu nên ông giận, vào phòng đóng cửa. Ấy vậy mà sáng hôm sau lại nói chuyện như chưa có việc gì xảy ra.

Hoặc có bữa tôi dạy trực tuyến nên rút êm vào phòng, ông sốt ruột lăn xe tới, mở cửa rồi trách: “Đã về nhà mà còn làm việc gì nữa”. Đến khi biết tôi còn bận lên lớp ông mới không giận, thậm chí ông còn lấy việc đó để “khoe” với người khác.

Đương nhiên tôi biết là từ khi ba bị cụt 1 chân, việc đi lại hạn chế nên càng có nhu cầu trò chuyện, nhất là với con cháu. Vì vậy, chúng tôi cố gắng gần gũi với ba hơn, nhưng càng về sau tôi càng nhiều việc, rồi thêm thời gian dịch bệnh, cơ hội đại gia đình sum họp cũng không nhiều.

Tôi nhớ mãi buổi sáng sớm ngày mùng Năm tết đó, gia đình chúng tôi chuẩn bị ra về, ba lăn xe ra trước hiên để tiễn. Trông ông vẫn mạnh khỏe, bình thường. Trước đó mấy ngày, ông còn liên tục bảo “tết này ba vui quá”, vì sau đại dịch, gia đình chúng tôi đều may mắn, nhiều thành viên có những thành tựu mới…

Ai ngờ đó là lần cuối cùng chúng tôi còn gặp ba, bởi ngay hôm sau, ông trở bệnh nặng. Khi được đưa đến bệnh viện phẫu thuật, ông chỉ tỉnh được một lúc rồi hôn mê suốt 5 ngày cho đến khi ra đi.

Tôi có phần ân hận là đã không dành thời gian cho ba mẹ nhiều hơn, cũng như chưa kịp làm một số việc cho ba, dù rằng những năm cuối đời ba luôn nói ông hoàn toàn mãn nguyện, hạnh phúc. 

Tôi nghĩ đến mình khi về già, chỉ có 2 đứa con, chắc sẽ trông chờ chúng đến mỏi mòn. Đó là chưa kể chúng có thể sống ở nước ngoài. Điều đó làm tôi vừa thương ba mẹ hơn vừa lo đến ngày xa đó. 

Ngô Đồng Vũ

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI