Trong cơn lốc xoáy: Viết để chống lại sự lãng quên...

18/05/2016 - 14:03

PNO - Năm 2005, bà Jeane Anna Villarreal, Việt kiều Mỹ, về Việt Nam tìm gặp tôi, với ý nguyện được kể về cuộc đời dài gần một thế kỷ của bà.

Trong con loc xoay: Viet de chong lai su lang quen...
Tác giả và Jeannette năm 2006 tại Sài Gòn

Không đành nhìn phận người tan vào cát bụi

Bà Jeane Anna Villarreal nói trời sinh bà để lặn vào nhiều cuộc đời, chứng kiến những buồn vui, khổ đau, bất hạnh; lúc nếm trải tận cùng đời sống vật chất xa hoa, khi rơi xuống tận đáy tủi nhục, thống khổ. Bà muốn gặp một nhà văn để được lắng nghe, đồng cảm; liên hệ lịch sử, kết nối những số phận mà bà đã gặp, dựng nên một tác phẩm văn học.

Tôi nói đó là việc rất khó, rất kỳ công. Bà nói vì khó nên bà dành cả phần đời còn lại cho ý nguyện này và tôi là người bà tin cậy, gửi gắm. Tôi thực sự lúng túng. Bà nói nếu ý nguyện không thành, bà không yên lòng nhắm mắt, bởi không đành lòng nhìn một thế kỷ đan xen những phận người, gắn với những thăng trầm lịch sử trôi vút đi, bị chôn vùi dưới những nấm mồ, tan vào cát bụi. Trước sự khẩn thiết của bà, tôi không thể nói lời từ chối.

Gần 10 năm ròng rã, bà liên tục có những chuyến về Việt Nam, tôi tranh thủ làm việc với bà một cách nghiêm túc, cẩn trọng. Tôi dần nhận ra không chỉ có “tim óc” mà “máu thịt” mình như cũng hòa vào đời bà, khi đồng cảm, đặt mình vào nỗi thống khổ của nhân vật. Bi kịch tình yêu và vẻ đẹp lòng nhân hậu, đa cảm, hy sinh, chịu đựng của phụ nữ luôn là đề tài bất tận của văn học.

Mối tình của một người cộng sản với con gái ngài tổng thuế ba miền Đông Dương khởi nguồn cho bi kịch tình yêu. Vì tình yêu ấy, bà đã dấn thân, đánh đổi, đã rơi xuống tận cùng địa ngục nhưng bà không chút oán trách ông. Vì ông là người đàn ông duy nhất khơi dậy trong bà những giá trị tiềm ẩn của con người, cho bà nhìn thấy cội nguồn bất hạnh của số phận một dân tộc, giúp bà thấy khát vọng độc lập tự do để dấn thân, đi cùng ông con đường kháng chiến, cùng ông làm những chuyện mạo hiểm và gian khổ.

Trong con loc xoay: Viet de chong lai su lang quen...
Jeannette - nguyên mẫu nhân vật chính trong tiểu thuyết Trong cơn lốc xoáy thời thiếu nữ

Vì yêu ông, Jeane Anna Villarreal đã dám từ bỏ giai cấp thượng lưu để làm một bà bán gà vịt ngoài chợ Bà Chiểu mà vẫn tràn ngập hạnh phúc… Trên tất cả, đó là người đàn ông giúp bà cảm nhận sức mạnh tình yêu mà vì nó người ta có thể làm được những điều kỳ diệu lẫn điên rồ. Cho đến cuối đời, bà vẫn sống với tình yêu ấy, dù bà không phải là người phụ nữ thủy chung theo cái nhìn thông thường của xã hội.

Trong mối tình dang dở, trái ngang, Jeane chỉ có được niềm an ủi là phút cuối cùng cuộc đời người yêu, bà đã ở bên ông. Và những năm cuối đời, bà trở về Việt Nam, dựng nên mái nhà dưới chân núi ở Long Hải, sống cùng ông trong những kỷ niệm tình yêu, với ước nguyện khi chết đi, tro cốt của bà quyện cùng ông, cùng trở về với dòng sông mẹ, không gì có thể chia lìa nữa...

Trong gần 10 năm cùng bà trao đổi để viết Trong cơn lốc xoáy, nhiều lần tôi không khỏi chạnh lòng khi tiễn bà ra sân bay, chứng kiến người đàn bà bé nhỏ, đẩy chiếc vali đồ sộ, bước vào quầy làm thủ tục đi Mỹ. Bà tỏ ra mạnh mẽ, ung dung nhưng tôi không khỏi lo lắng, bất an nghĩ đến hành trình xa xôi, Jeane tuổi ngoài tám mươi một mình trong lộ trình dằng dặc sang bên kia bờ Thái Bình Dương. Hàng năm, ngoài mấy chuyến đi về, ở bên kia bờ đại dương, bà vẫn gọi điện cho tôi kể chuyện, vẫn rất minh mẫn nhớ từng chi tiết. Bà sốt ruột mong từng ngày quyển sách hoàn thành.

Tiểu thuyết xoay quanh chuyện tình con gái nuôi của ngài giám đốc tổng thuế ba miền Đông Dương và một người cộng sản - sinh viên y khoa năm cuối, nghe tiếng gọi non sông, về Nam, xếp bút nghiên lên đường tranh đấu. Câu chuyện rất dài. Tôi vô cùng cám ơn độc giả vì yêu mến tôi mà chịu khó đọc...

Tổ quốc duy nhất là Việt Nam 

Ước nguyện lớn nhất cuộc đời bà là làm công dân Việt Nam. Tôi chạnh lòng khi nghe bà bộc bạch: “Tôi chỉ có quê mà không có nước”. Tôi thắc mắc, bà cười buồn: “Cho đến bây giờ tôi cũng không biết mình là người nước nào nữa. Tôi là người Việt lai Philippines nhưng mang quốc tịch Pháp, rồi sau đó là Mỹ. Tôi không thể hồi hương vì tôi không có giấy khai sinh ở Việt Nam dù mở mắt ra, tôi đã nhìn thấy ngọn dừa, ao rau muống. Nhưng rõ ràng tôi có một miền quê. Bà ngoại tôi là người khai sinh ra thương hiệu nem Thủ Đức. Tôi chỉ có quê hương duy nhứt là Thủ Đức. Và Tổ quốc duy nhất là Việt Nam”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI