Trong clip bạo lực học đường, có phần lỗi cha mẹ

28/10/2019 - 16:12

PNO - Trẻ con đánh nhau bằng đòn thù, đánh cho thỏa cơn và bất chấp. Và phía sau những clip bao lực học đường man rợ ấy, có phần lỗi của cha mẹ.

Trẻ con đánh nhau bằng đòn thù, đánh cho thỏa cơn và bất chấp. Và phía sau những clip bao lực học đường man rợ ấy, có phần lỗi của cha mẹ.

Liên tiếp những clip nữ sinh đánh nhau dã man được tung lên mạng. Dù báo chí đưa tin biết bao trường hợp bị cảnh cáo, thậm chí đuổi học nhưng trận sau lại ác liệt hơn trận trước, nổi tiếng hơn trận trước. Nhìn những cú tát, cú đấm, cú đạp bằng hết sức mình giáng xuống những thân hình co quắp cố bảo vệ đầu, có phụ huynh nào không xót xa, phẫn nộ.

Mới tối qua, con gái tôi xin mẹ chiều nay đón bé sớm rồi chở đi thăm bạn gái tên Minh đang nằm viện. Hỏi con bạn bị bệnh gì, thì con cứ ấp úng. Mãi con gái mới chịu nói thật là đi thăm “giùm". Và câu chuyện lớp con là như thế này:

Bé Hương - thành viên "nhóm nhà giàu" trong lớp, mới 13 tuổi đã biết đánh son đi học. Váy thì Hương cắt bớt ngắn quá đầu gối, tóc khi kẹp thẳng, khi xù, lâu lâu còn đổi màu. Trong trường, con nổi tiếng vì cá biệt và hay có tiền bao bạn bè.

Có bữa đến lớp với mái tóc nhuộm, bị cô giáo phê bình, Hương thản nhiên nói: "Nhuộm hết tiền rồi, cô cho tiền nhuộm đen lại, không thì thôi". Sinh nhật, Hương đã rủ cả lớp đi ăn và xem phim, tất cả đều quẹt bằng thẻ. 

Trong clip bao luc hoc duong, co phan loi cha me
Sẽ thế nào nếu con em chúng ta là nhân vật chính của các clip bạo lực học đường. Ảnh minh họa

Bé Hương rất thích một cậu lớp trên. Cậu này ngoan hiền nên chỉ thích người ngoan hiền học giỏi như bé Minh. Và Hương bị mất mặt, nên chặn đánh Minh cho... bõ ghét. 

Trận “hội đồng” khiến Minh bị chấn thương đầu, sưng phù khắp người, phải vào viện cấp cứu. Vốn là cô bé chăm ngoan hiền lành, không dưng bị chụp cái mũ "giựt bồ", còn bị quay clip nên Minh xấu hổ nhục nhã, không muốn đến trường, còn đòi chết. 

Và con gái tôi được bé Hương “chỉ đạo” vào thăm Minh để nghe ngóng xem tình hình sao rồi về “báo cáo” lại. Tôi nói không đồng ý cho con đi, sẽ vào báo ban giám hiệu, thì con gái mếu máo: "Con mà không đi sẽ bị chúng nó đánh". Con gái còn nói: "Mẹ có cả ngày đi theo bảo vệ con được đâu!".

Con kể, ngoài chặn đường đánh, ngay trong trường cũng chẳng bình yên. Giờ ra chơi sẽ bị lôi vào nhà vệ sinh cho vài cái tát, đang đi sẽ bị ai đó nhào tới… kéo váy, hoặc đơn giản là dù ngồi trong lớp cũng bị một vài ai đó đi ngang lớp học với nắm đấm giơ lên đe dọa, khủng bố tinh thần. Chưa kể, mỗi lần lên mạng sẽ bị những tin nhắn tới tấp bay tới nhắc nhở, hỏi thăm…

Trước tai bay vạ gió mà con vô cớ gánh chịu, tôi rất lo lắng. Ngoài đường không an toàn, trong sân trường cũng không an toàn, vậy chỗ nào là an toàn cho những đứa trẻ?

Lâu lâu trên mạng lại có clip học sinh đánh nhau, lý do thì vô chừng và cũng không biết chừng. Mới cấp hai thôi mà đã nổi loạn khẳng định mình là trung tâm. Nhiều khi chỉ là "thấy ghét" nên đánh, còn đa phần là hiểu lầm, mâu thuẫn hay tranh bạn, cướp bồ gì đó. Trong cái clip mới đây lại thêm một lý do: Một em vì ngoan quá, cũng bị bạn gái hàng xóm lấy nón bảo hiểm đập tới tấp. Mà sâu xa là vì mẹ em "đại bàng" lấy em ngoan ngoãn ra làm gương, so sánh kiểu "sao không như con nhà người ta".

Trong clip bao luc hoc duong, co phan loi cha me
Ảnh minh họa

Quá trình để một đứa trẻ từ những khó chịu khi thấy bạn bè hơn mình đến mức điên cuồng trút xuống bạn những đòn thù là bao lâu? Hiếm khi chúng ta thấy ngay từ lúc chúng manh nha. Cha mẹ bận công việc, chỉ lo đủ cho con cơm ngày ba bữa và không nợ tiền học đã là cố gắng. Có những nhà cha mẹ bận hoặc có hoàn cảnh riêng, nên con xin tiền là cho, lấy tiền bù đắp sự thiếu hụt quan tâm.

Giáo viên đầu tiết cắp cặp vào, cuối tiết cắp cặp ra, cha mẹ vội vàng, thầy cô vội vàng…. Cũng muốn quan tâm để ý đến lũ trẻ đang tuổi dậy thì, nổi loạn và mất phương hướng, nhưng rồi ai cũng bận.  Chưa kể chúng có quá nhiều kênh thông tin để tiếp thu, học đòi và bắt chước…, để rồi khi xảy ra chuyện thì chỉ biết áp dụng biện pháp kỷ luật.

Kỷ luật liệu có làm các em sợ mà thay đổi? Đuổi học thì các em đi đâu? Có phải đuổi học là trường sẽ thoát, sẽ yên? Có bao nhiêu gia đình khi con bị đuổi học sẽ kèm cặp con, hay nghe tin con bị đuổi học còn bồi thêm những trận đòn, những cơn chửi và những đứa trẻ học đòi người lớn càng trượt ngã dài hơn...

Trong clip bao luc hoc duong, co phan loi cha me
Ảnh minh họa

Tôi đành ghé vào cửa hàng trái cây mua ít quà để cho con đi thăm bạn. Trước mắt đành nhượng bộ chứ biết làm sao, tối nay tôi sẽ liên lạc với hội phụ huynh, bàn cách nào tốt nhất, thậm chí phải nghỉ làm đến trường con để nói chuyện… 

Thùy An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI