Trông chờ diện mạo mới của vỉa hè TPHCM

18/03/2023 - 07:45

PNO - Năm 2022, lực lượng quản lý đô thị quận Bình Tân giải tỏa 44.030 lượt tụ tập mua bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, xử phạt 19.379 vụ với hơn 8,3 tỉ đồng, tạm giữ 1.016 xe lôi và 3.583 dụng cụ liên quan.

 

UBND TPHCM và các sở, ban, ngành hiện đang triển khai thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 6/2/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về tiếp tục tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị. Liệu bộ mặt lòng, lề đường sẽ có những khởi sắc gì từ chỉ thị nêu trên?

Chiếm lòng lề đường để mưu sinh

Người đàn ông lao xe máy lên vỉa hè ở góc ngã tư Lãnh Binh Thăng - đường số 5 (quận 11) rồi dừng lại cạnh chiếc xe đẩy bán xôi chiên, hô lớn: “Đô thị kìa, X. ơi”. Chị X. đang chiên mấy khoanh xôi cho khách, ngưng tay, mặt tái mét, nhìn quanh. Chị thở phào: “Có ngày cưng làm chị chết vì đau tim. Bạn hàng gì kỳ quá”. Người đàn ông cười lớn. Ông bán trái cây, trứng gà gần đó nửa đùa nửa trách: “Hết chuyện giỡn, suýt nữa tui cũng bỏ chạy chứ bưng sao hết chỗ này”.

Hàng quán chiếm hết vỉa hè đường Ngô Đức Kế, quận 1 (chụp cuối tháng 2/2023) - ẢNH: NGUYỄN VĂN
Hàng quán chiếm hết vỉa hè đường Ngô Đức Kế, quận 1 (chụp cuối tháng 2/2023) - Ảnh: Nguyễn Văn

Khoảng nửa tháng trước, lúc dừng xe đẩy ở công viên Lãnh Binh Thăng, chị X. bị đội trật tự đô thị quận bắt quả tang, lập biên bản, xử phạt 3 triệu đồng. Chị kể: “Họ mời tui làm việc, bắt ký cam kết không tái phạm. Nghe nói đang có chủ trương dọn vỉa hè gì đó nên giờ tui đâu dám đứng yên một chỗ bán, cứ đẩy đi lung tung, đậu tạm đâu đó chừng 2 giờ rồi đi”. 

Sau gần 7 năm đẩy xe bán xôi dạo, chị X. đã nhiều lần bị phạt tiền về hành vi lấn chiếm lòng đường. Chị than: “Bán mỗi bánh xôi 5.000 đồng rồi lên 7.000 đồng mà bị phạt là đi cả gia tài”. Sau khi ly hôn, chị X. nghỉ làm công nhân may, đẩy xe bán xôi chiên. Công việc này có giờ giấc và thu nhập bấp bênh hơn nhưng nó giúp chị tiện chăm sóc con cái, lo việc nhà khi cần.

Một cán bộ đô thị nhìn nhận: “Không thể để hàng rong sinh sôi nhưng cũng khó mà dẹp được họ. Các cuộc ra quân lâu nay chỉ mang tính tình thế, không hiệu quả về mặt quản lý vỉa hè, lòng đường”. 

Việc các hộ kinh doanh cơi nới mặt bằng càng khiến bộ mặt đô thị nhếch nhác, bị cắt khúc. Dường như vỉa hè càng khang trang, nhiều bóng mát, lại càng thiếu chỗ cho người đi bộ. Trên đường Thành Thái (quận 10), Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp), các quán cà phê, quán ăn, tiệm tạp hóa, cửa hàng kinh doanh dụng cụ y khoa, bán quần áo bày bàn ghế, treo biển hiệu, trưng sản phẩm ra sát lòng đường. 

16g hằng ngày, anh V. - chủ quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng - mang bàn ghế đặt sát lề đường. Anh gãi đầu lý giải: “Cũng bị nhắc nhở, phạt hoài nhưng nếu không chòi ra vỉa hè thì mặt bằng không đủ lớn, khách lại thích ngồi ngoài hè hơn phía trong”. 

Không thể chăm chăm xử phạt

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa - giảng viên đô thị học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM - nhận định, từ lâu, vỉa hè ở các đô thị của Việt Nam đã gánh thêm nhiều chức năng, trong đó có chức năng kinh tế. Thế nhưng, công tác quy hoạch, quản lý lại chỉ tập trung vào mục đích “trả vỉa hè cho người đi bộ” nên không đạt được hiệu quả. 

Vỉa hè đường Tôn Thất Đạm, quận 1 bị xe máy chiếm trọn (chụp tháng 3/2023) - Ảnh: Tam Nguyên
Vỉa hè đường Tôn Thất Đạm, quận 1 bị xe máy chiếm trọn (chụp tháng 3/2023) - Ảnh: Tam Nguyên

Theo lãnh đạo UBND quận Bình Tân, số tiền thu được từ việc xử phạt vi phạm tháng sau luôn cao hơn tháng trước nhưng tình trạng lấn chiếm lòng lề đường vẫn diễn ra. Bình Tân hiện có trên 800.000 người sinh sống, trong đó, công nhân và người làm nghề tự do chiếm 46,52% và phần đông từ nơi khác đến, có thói quen mua hàng ở những nơi thuận tiện nên hàng rong vẫn phổ biến. 

Đại diện UBND quận Phú Nhuận cũng cho hay, người buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè vẫn đối phó: khi có đoàn kiểm tra thì chấp hành, khi đoàn rời đi thì tiếp tục vi phạm. Công tác xử phạt cũng gặp khó khăn do người buôn bán hàng rong thường là người nhập cư, họ chấp nhận bị tịch thu hàng hóa, phương tiện. 

Mới đây, bên lề hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế), Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, trên tất cả vẫn là công tác quy hoạch. 

Ông cho hay, trong đề án về thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố mà UBND TPHCM đang xây dựng, vỉa hè của một số tuyến đường, khu vực có thể có thêm chức năng phù hợp. Hiện các địa phương đang rà soát hiện trạng hạ tầng, lập tuyến đường có lòng đường, vỉa hè đủ điều kiện để tổ chức các hoạt động (có thu phí) ngoài mục đích giao thông. 

Ông Phan Văn Mãi nói: “Nhìn theo góc khác, kinh tế vỉa hè có thể coi là một nét văn hóa, bản sắc của TPHCM và bản sắc đó chỉ hình thành nếu được tổ chức kỹ lưỡng lại”.

Xe máy được xếp gọn chừa một phần vỉa hè cho người đi bộ trên đường Nguyễn Huệ - Ảnh: Tam Nguyên
Xe máy được xếp gọn chừa một phần vỉa hè cho người đi bộ trên đường Nguyễn Huệ - Ảnh: Tam Nguyên

Ông Nguyễn Minh Hòa nhận định, sự quyết tâm và nghiêm túc tổ chức theo hướng của đề án nói trên có thể tạo sắc diện mới cho vỉa hè đô thị: “Các nước đều quy định rất chặt chẽ việc sử dụng vỉa hè với quan niệm vỉa hè là đa chức năng và phải trả tiền nếu sử dụng vỉa hè cho mục đích ngoài giao thông bởi đó là công sản, không gian công cộng”. Theo ông, việc tổ chức kinh doanh hàng rong có thời hạn, trong diện tích nhất định một cách bài bản, quy củ không chỉ đem nguồn thu mà còn thu hút khách du lịch, mang đến cho du khách cảm giác bất ngờ thú vị.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Hòa, với vỉa hè có các hộ kinh doanh mặt tiền đường, cần quy hoạch rõ phần vỉa hè dành cho người đi bộ và phần được kinh doanh. Đặc biệt, các hộ kinh doanh phải đáp ứng bộ tiêu chí về chiều cao công trình, sự an toàn, diện tích nhất định nhằm tạo sự đồng bộ, chỉn chu cho vỉa hè, đường phố. Song song đó, các quy định xử phạt cần rõ ràng, việc xử phạt cần nghiêm minh, việc quản lý và sử dụng nguồn thu phải minh bạch. 

Khu ẩm thực Nguyễn Văn Chiêm giúp nhiều hộ thoát nghèo

Mô hình khu phố ẩm thực Nguyễn Văn Chiêm đang được UBND phường Bến Nghé, quận 1 xem xét, nhân rộng  - ẢNH: TUYẾT DÂN
Mô hình khu phố ẩm thực Nguyễn Văn Chiêm đang được UBND phường Bến Nghé, quận 1 xem xét, nhân rộng - Ảnh: Tuyết Dân

6g sáng mỗi ngày, ông Đỗ Quốc Vĩnh - 58 tuổi - bắt đầu bán bánh mì, trứng và nước ngọt ở khu ẩm thực đường Nguyễn Văn Chiêm, phường Bến Nghé, quận 1. Năm 2016, hộ bà Lê Thị Tuyết - 88 tuổi, mẹ ông Vĩnh - cùng 39 hộ khác được UBND phường bố trí bán thức ăn, nước uống cố định ở vỉa hè này; được tặng quầy, bàn ghế, miễn thuế kinh doanh. Hộ bà Tuyết khi đó là hộ nghèo nên được cho vay 40 triệu đồng để làm vốn. 

Ông Vĩnh bán ở đây hơn 6 năm qua, mỗi ngày bán từ 6g đến 9g, sau đó nhường lại cho hộ khác bán tới 15g. Công việc này giúp hộ của ông thoát nghèo. Điều quan trọng là ông không còn nơm nớp lo bị xử phạt, tịch thu phương tiện như khi còn bán rong. 

Theo UBND phường Bến Nghé, mô hình “khu ẩm thực thí điểm kinh doanh có thời gian” trên tuyến đường Nguyễn Văn Chiêm vừa giúp nhiều hộ có công ăn việc làm, thu nhập, ra khỏi diện nghèo, vừa hạn chế tình trạng buôn bán hàng rong tự phát. Do đó, UBND phường tiếp tục rà soát, đề xuất một số địa điểm, khu vực tổ chức kinh doanh ăn uống có thời gian, như vỉa hè đường Chu Mạnh Trinh (bên hông Bệnh viện Nhi Đồng 2), hẻm 17 Lê Duẩn - 34 Nguyễn Du, vỉa hè đường Huỳnh Thúc Kháng, vỉa hè đầu đường Thái Văn Lung.

 

Các địa phương sẽ quản lý lòng đường, vỉa hè ra sao?

Chỉ thị 22 của Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu cấp ủy các địa phương không để tình trạng kinh doanh chiếm dụng lòng đường, vỉa hè gây cản trở giao thông, yêu cầu có biện pháp sắp xếp khu vực tạm sử dụng để mua bán, giải quyết việc làm cho người dân, đồng thời có chế tài các trường hợp vi phạm. Dưới đây là ý kiến của một số lãnh đạo UBND, phòng quản lý đô thị.

Xử lý cả người đậu xe mua hàng rong

Theo Quyết định 699 ngày 6/2/2013 của UBND TPHCM, quận Bình Tân không có tuyến đường thuộc danh mục các tuyến đường được phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè cho mục đích ngoài giao thông có thu phí. Vừa qua, UBND quận đã hoàn chỉnh dự thảo chỉ thị về tiếp tục tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị. Theo đó, dự kiến đến năm 2025, chấn chỉnh 20/35 khu vực và xóa 15/35 khu vực kinh doanh tự phát, không để phát sinh thêm khu vực kinh doanh tự phát mới.

Trước mắt, phòng sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân hình thành thói quen mua sắm ở các siêu thị, khu mua sắm tập trung, mua hàng online. Phòng cũng sẽ đẩy mạnh việc xử lý vi phạm hành chính. Để xử lý dứt điểm một số chợ tự phát, bên cạnh việc xử lý người buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, chúng tôi cũng xử lý luôn cả người đậu xe mua hàng rong.

Ông Nguyễn Văn Sử

Trưởng phòng Quản lý đô thị, UBND quận Bình Tân

Đẩy mạnh việc tuần tra ở một số khu vực

Việc bố trí, sắp xếp khu vực bán hàng rong theo giờ cho các hộ nghèo ở quận Phú Nhuận gặp nhiều khó khăn do chưa có địa điểm phù hợp. 
Phần lớn các tuyến đường ở quận Phú Nhuận có vỉa hè nhỏ, không đủ điều kiện để quy hoạch làm nơi giữ xe có thu phí và chỉ có 8 tuyến đường có vỉa hè rộng từ 3m trở lên, trong đó 6/8 tuyến đã kẻ vạch sơn, cho phép người dân được để xe 2 bánh tự quản trước cửa nhà (không thu phí), 2/8 tuyến còn lại không kẻ vạch sơn, không cho phép kinh doanh. Với các tuyến đường có vỉa hè nhỏ hơn 3m, UBND quận chỉ cho phép dựng 1 làn xe máy ngang mặt tiền nhà, nhô ra không quá 0,6m so với mặt tiền nhà. 

Chúng tôi sẽ tăng cường tuần tra, xử phạt ở khu vực quanh các chợ truyền thống, công viên Gia Định, trước cổng các cơ sở y tế, trường học và các địa điểm có nguy cơ trở thành khu mua bán tập trung. 

Ông Phan Công Trường

Trưởng phòng Quản lý đô thị, UBND quận Phú Nhuận

Quản lý vỉa hè là tiêu chí đánh giá người đứng đầu

Ngày 27/2, Quận ủy quận 8 đã ban hành Chỉ thị số 14 về tiếp tục tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị, trong đó yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải nêu gương và chịu trách nhiệm cao nhất khi để xảy ra tình trạng vi phạm quy định về buôn bán, lấn chiếm trái phép lòng đường, vỉa hè trên địa bàn mà mình quản lý. Chỉ thị cũng xác định, công tác quản lý lòng đường, vỉa hè, vệ sinh môi trường là một trong các tiêu chí để đánh giá cán bộ, kết quả hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền hằng năm.

Để tăng cường quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè, đảm bảo quyền ưu tiên cho người đi bộ và quyền tiếp cận phương tiện giao thông công cộng, UBND quận tiếp tục duy trì 5 tuyến đường văn minh, mỹ quan đô thị gồm Phạm Thế Hiển, Hưng Phú, Tạ Quang Bửu, Phạm Hùng, Tùng Thiện Vương, đưa các tuyến đường này trở thành tuyến đường kiểu mẫu. UBND quận cũng tiếp tục triển khai việc lắp đặt camera để giám sát, quản lý và xử phạt ở những khu vực thường xuyên vi phạm. 

Đặc thù đô thị của quận là tự phát, hầu hết đường giao thông có vỉa hè dưới 3m. Việc cho phép sử dụng vỉa hè có thu phí (nếu có) chỉ áp dụng được với một số tuyến đường gồm Tạ Quang Bửu đoạn Phạm Hùng - Quốc lộ 50 và đoạn thuộc phường 4, các đường Cao Lỗ, Dương Quang Đông, Dương Bạch Mai, Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Ba Đình, Bình Đông.

 Ông Phạm Quang Tú

Phó chủ tịch UBND quận 8

Phong Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI