Trông cho chân cứng đá mềm

12/10/2018 - 06:15

PNO - 13/10, ngày của doanh nhân Việt Nam, thay cho mọi lời chúc tụng và hoa hồng, thay cho mọi nghi lễ tôn vinh, hãy nỗ lực một cách thực chất và có hiệu quả trong cung cách điều hành và ứng xử với doanh nghiệp.

Sáu tháng đầu năm 2018 có thể xem là cuộc ra quân rầm rộ của nhiều bộ ngành trong việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, trong đó, Bộ Công thương đang dẫn đầu với việc đưa ra phương án cắt giảm, đơn giản hóa 675 điều kiện, chiếm trên 55% số điều kiện trong toàn ngành công thương. Các Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng… cũng đang chạy đua sát nút. 

Lạ, ở cấp độ tham mưu trực tiếp để ban hành chính sách, nghị định; là cơ quan “nảy mực” cho những thông tư, hướng dẫn thực thi, vậy mà bao nhiêu năm với cả hàng trăm, hàng ngàn tiêu chí, điều kiện kinh doanh bất hợp lý, gây lực cản cho doanh nghiệp vẫn cứ tồn tại, nay nhoáng một nhát, đã nhanh nhảu cắt, giảm, bỏ. Để rồi, lẫn trong những con số (cắt giảm điều kiện kinh doanh) thống kê đẹp như mơ ấy, tính thay đổi thực chất, tính cải cách thật sự lại không đáng là bao, nếu không muốn nói là chồng chất thêm sự làm khó đến vô lý, dẫn tới gây hại cho doanh nghiệp, phá hoại thị trường. 

Trong cho chan cung da mem
 

Một ví dụ về quy định mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may. Tháng 10/2016, sau kiến nghị của Hiệp hội Dệt may Việt Nam lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã ký Thông tư 23/2016 bãi bỏ quy định nói trên. Nhưng chưa đầy một năm sau, Bộ Công thương lại ban hành Thông tư 21/2017, theo đó, tất cả sản phẩm dệt may khi đưa ra thị trường phải công bố quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo và dán nhãn hợp quy.

Khi các doanh nghiệp dệt may còn chưa định thần thì bộ này đã hào phóng ký lùi thời hạn áp dụng từ ngày 1/5/2018 sang ngày 1/1/2019, mà để được lưu thông hàng hóa vào thời điểm 1/1/2019 thì lại phải công bố hợp quy tại Sở Công thương địa phương từ giữa năm 2018. Chưa kể nhiều quy định chi tiết chưa được “mã hóa” cho doanh nghiệp khiến họ dở mếu dở khóc. 

Hay sau cái công bố đầy… hoang tưởng về “asen tổng” của Vinastas đã làm tan hoang một vùng sản xuất nước mắm truyền thống thì lại đến đề xuất đưa ngưỡng histamine 400mg/lít vào trong quy chuẩn nước mắm truyền thống của Ủy ban Codex Việt Nam. Mà thực chất, cá biển có nhiều histidine, nếu không bảo quản tốt sẽ bị nhiễm khuẩn mà phát sinh nhiều histamine. 

Theo chuyên gia an toàn thực phẩm Vũ Thế Thành thì nước mắm truyền thống do độ đạm cao nên lượng histamine cao. Và theo ông, thực tế, mỗi người một ngày chỉ có thể sử dụng một muỗng nước mắm (khoảng 20g) thì tại sao lại gieo rắc cái con số 400mg/lít để làm gì nếu không nhắm tới mưu đồ triệt hạ sự tồn vong của nước mắm truyền thống, để nhởn nhơ cho ngành nước mắm công nghiệp, nhờ công thức pha loãng vi diệu cộng hương liệu màu mè thì mức histamine lọt chuẩn không cần chỉnh! 

Liệu những con người ủ mình trong nắng, trong gió để làm nên cái quốc hồn quốc túy của ẩm thực Việt, một lần nữa có được bảo vệ hay chính họ bị xô dạt bởi những toan tính độc địa đằng sau những con số? 

Ngày 9/10 vừa qua, tại Diễn đàn đầu tư Mekong - Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tái khẳng định: “Chính phủ Việt Nam đặt ưu tiên về chất lượng của các dự án đầu tư hơn là số lượng”. Tôi tin lời ông, tin vào sự lựa chọn và ưu tiên cho lựa chọn phát triển trên nền tảng chất lượng, nghĩa là tiệm cận thực chất, khoa học, hiệu quả, trong đó chất lượng của cải cách thể chế nhằm mang lại một môi trường cạnh tranh minh bạch, lành mạnh, công bằng.

Chỉ như thế, trên con đường kiến tạo, doanh nghiệp mới tự tin, mạnh mẽ và… không hồi hộp mà bước đi, tiến tới. Để trên mỗi chặng đường lập nghiệp, khởi nghiệp, họa chăng sẽ không còn phải “trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm”, nhưng ngậm ngùi thay lại “trông cho chân cứng đá mềm” để những con người với khát vọng làm giàu cho bản thân, cho cộng đồng lại mướt mồ hôi, sôi nước mắt bởi những lực cản vô hình lẫn hữu hình. 

13/10, ngày của doanh nhân Việt Nam, thay cho mọi lời chúc tụng và hoa hồng, thay cho mọi nghi lễ tôn vinh, hãy nỗ lực một cách thực chất và có hiệu quả trong cung cách điều hành và ứng xử với doanh nghiệp. Thay vì tìm mọi cách để xáo trộn, hoán đổi cái tôn ti thứ bậc sĩ - nông - công - thương kia, thì hãy cùng nhau tôn trọng, hành xử với mỗi ngành, nghề bằng chính cái mà nó cần có, xứng đáng được có, bởi cũng rành rành ra đó cái chân lý “phi thương bất phú”. 

Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI