Trồng cây chiếm lề, lấn hẻm: Đẹp mà không đẹp

14/08/2024 - 18:54

PNO - Hành vi trồng cây lấn hẻm là vi phạm pháp luật 1 cách đồng bộ, đồng bộ đến mức người ta tưởng như chuyện đó là hợp lý, hiển nhiên.

"Đi các hẻm to nhỏ ở Sài Gòn mình thấy người dân hay để chậu cây lấn ra lòng đường. Theo mọi người thì trường hợp này là do người dân họ yêu thiên nhiên hay có ý gì khác?"

Câu hỏi trong một nhóm trên Facebook khiến nhiều người hơi... nhột. Cách đặt vấn đề nhìn qua có vẻ đơn giản nhưng cả trăm comment bên dưới bài đăng có độ sát thương không hề nhỏ.

Người dễ tính, dễ cảm thông thì nhận định: “Tạo không gian xanh trên bề mặt bê tông. Mặt khác, các hộ dân cảm thấy an toàn khi có các chậu cây để trấn cửa”.

Người ý tứ sâu xa nhưng nói tránh, nói giảm: “Họ cũng muốn có cây cối, tạo không gian xanh mát, tạo môi trường trong lành, tạo bình an trong tâm hồn. Nhưng nhà có sân hay không sân, nhà nhỏ nhà lớn gì vẫn thích để chậu cây ngoài cửa để… tối ưu không gian nhà mình”.

Nhưng hầu hết mọi người thẳng thắn chỉ mặt, đặt tên cho sở thích làm đẹp mặt tiền nhà bằng cách lấn chiếm hẻm.

Một con hẻm ở quận 5 bị lấn chiếm gần 1m bởi những chậu cây

Ở nước ta, các công trình công cộng có vẻ như là chiếc bánh ngon, người ta cứ đua nhau dòm ngó, chiếm giữ. Ở các con đường lớn thì người ta lấn chiếm lòng đường, lề đường để kinh doanh. Trong các ngõ hẻm thì cơi nới để đồ đạc, sinh hoạt và tinh vi nhất là hành vi chiếm đoạt hẻm chung để trồng cây.

Người ta thường ngụy biện rằng trồng cây, trồng hoa để làm đẹp không chỉ riêng căn nhà họ mà cho cả không gian chung. Quả thật, ở những con hẻm nhà nhà đều có các chậu cây xanh thì trông tươi mát, xinh xắn hẳn. Nó như là những mảng xanh dễ thương đáng yêu của đô thị ngột ngạt.

Nhưng khi hữu sự như hai xe tránh nhau, cần đưa ô tô vào hẻm hoặc cấp bách nhất là có sự cố cháy nổ cần cứu hộ thì những chậu cây xinh xắn trở thành vật cản nguy hại. Khi đó, ai cũng dễ dàng nhận ra trồng cây lấn hẻm đẹp mà không đẹp, thậm chí phản ánh mặt xấu xí của con người: Tham lam, ích kỷ.

Con người vốn có tâm lý làm hùa, đám đông, đặc biệt là những hành vi xấu, chúng có tính lây lan rất nhanh. Nếu trong hẻm có một vài hộ mang chậu cây đặt trước cửa nhà, lấn hẻm thì thể nào sau đó những nhà khác cũng làm theo và theo thời gian là cả con hẻm sẽ xanh mướt cây xanh, hẻm từ rộng 3m chỉ còn 2m.

Sẽ rất hiếm khi hành vi trồng cây lấn hẻm bị ngăn chặn khi chỉ mới manh nha. Vì tâm lý con người vốn muốn luôn muốn kiếm thêm, có nhiều hơn - khi cơ hội tới. Đặt 1-2 chậu cây, vừa thỏa thú vui hoa lá vừa trang trí nhà cửa lại chẳng phải trên phần đất của nhà mình, tại sao không?

Ở các đô thị, tấc đất tấc vàng. Vậy nên khi xây nhà, người ta tận dụng tối đa diện tích để bảo đảm không gian sinh hoạt thoải mái nhất có thể và hiếm ai dành 1 khoảnh để dành cho cây xanh. Thậm chí trong quá trình sinh sống, việc lấn chiếm vài tấc đất giữa hàng xóm với nhau cũng sẽ dẫn tới kiện cáo. Vậy mà người ta có thể dễ dàng, thản nhiên lấn hàng chục tấc đất công cộng với lý luận “trước nhà tôi là của tôi”.

Có thể nói hành vi trồng cây lấn hẻm là vi phạm pháp luật 1 cách đồng bộ, đồng bộ đến mức người ta tưởng như chuyện đó là hợp lý, hiển nhiên.

Trước khi bàn đến ý thức chấp hành pháp luật, lối hành xử văn minh, có lẽ cần bàn đến vấn đề quản lý Nhà nước. Ở TPHCM nói riêng, việc lấy lại lề đường bị lấn chiếm gặp nhiều khó khăn do đụng tới sinh kế người dân. Với việc lấn chiếm hẻm bằng cây xanh, thiết nghĩ không đụng tới lợi ích chính đáng nào cả nên cần mạnh tay xử lý triệt để.

Văn minh đô thị không thể trông chờ vào ý thức mà phải có sự can thiệp đúng mức, đầy đủ của pháp luật. Văn minh đô thị không chỉ là bộ mặt bên ngoài mà trong từng con hẻm nhỏ. Dẹp “phong trào trồng cây xanh” đẹp mà không đẹp để trả lại sự thông thoáng cho các con hẻm là việc cần làm ngay!

An Chi

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI