Trong cái rủi không có cái may

17/05/2015 - 08:19

PNO - PN - Một người mẹ 31 tuổi chở hai con nhỏ đi học, nhưng cả ba mẹ con đã không bao giờ đến được cổng trường. Một chiếc cần cẩu đang hoạt động bỗng gãy gục, hiểm họa bằng sắt thép từ trời cao giáng thẳng xuống, chiếc xe...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chuyện vừa xảy ra hôm 5/5 ở Đồng Tháp, thì chỉ mấy bữa sau đó, ở Hà Nội, ngày 12/5, một chiếc cần cẩu đang thi công tuyến đường sắt trên cao, bất ngờ đổ sập lên nóc nhà dân, dây cáp cần cẩu rớt xuống đường làm bị thương một phụ nữ đang mang thai. Những câu chuyện đau lòng ấy khiến người ta phấp phỏng lo sợ. Khi ra đường, nhìn những chiếc cần cẩu ngất ngưởng trên cao, có cảm giác đó là một nỗi ám ảnh, những tai nạn không phải do thiên tai, những thảm họa lơ lửng rình rập trong câm lặng.

Trong cai rui  khong co cai may

Nhưng ai mà tránh được mãi. Ra đường thời buổi này, người ta phải lo tránh kẹt xe, tránh nước ngập, tránh tài xế say xỉn, tránh xe điên… chứ ai mà đi tránh cần cẩu bao giờ. Có tránh cũng không tránh được.

Vậy nên, dù nhiều người phải quay mặt đi trước bức ảnh thương tâm chụp chiếc đầu cần cẩu gục xuống đường trên đó đắp mấy manh chiếu che thi thể của người phụ nữ và hai đứa trẻ, dù người ta ào ào công phẫn về những kẻ coi thường tính mạng con người, thi công ẩu, dù người tài xế nghe nói đã bị bắt, có thể bị truy tố về hành vi vô ý gây chết người… thì chắc rằng chỉ một tuần nữa thôi, mọi chuyện sẽ lại lắng xuống. Cần cẩu đứng trong khu xây dựng, người đi đường sẽ đi trên con đường của mình.

Thỉnh thoảng một đứa trẻ nào đó sẽ chỉ lên trời bảo mẹ “cần cẩu kìa mẹ”, không phải với nghĩa cảnh báo hiểm họa đâu, chỉ là háo hức tò mò con trẻ, và người lớn sẽ lướt xe qua. Biết làm sao được, thành phố đang xây dựng, nơi nơi những tòa nhà cao tầng mọc lên, ngày đêm công trường hối hả.

Cuộc sống bắt người ta phải đi lại, phải tranh thủ từng giây, đôi khi ngang qua lối này biết là đang xây dựng, nguy hiểm có đấy, nhưng sẽ nhanh hơn một chút, sẽ tránh được kẹt xe, người ta vẫn phải chấp nhận chung sống với những rủi ro như thế.

Sau câu chuyện thương tâm của ba mẹ con, có quan chức đã lên tiếng phát biểu, rằng đứng về góc độ chuyên môn, để ngăn chặn các vụ việc sập cần cẩu, giàn giáo hay bất kỳ thiết bị, phương tiện nào trên công trường xây dựng, các cơ quan chức năng như Bộ Xây dựng, Bộ Lao động thương binh xã hội… đều ban hành nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn lao động, an toàn xây dựng, an toàn trong thi công công trình, an toàn lao động trong sử dụng thiết bị nâng…

Phát biểu của vị quan chức đó đúng luật, kín kẽ, nhưng chưa thấu tình. Người gặp nạn không phải là không tuân thủ những quy định đó! Họ không phải là nạn nhân của các quy định, mà là nạn nhân của hệ thống vận hành, của kiểm tra giám sát việc triển khai thực hiện các quy định đó.

Cây cầu đang xây trên cao, nhưng đường giao thông bên dưới công trình, người dân vẫn đi lại. Ba mẹ con tử vong, một gia đình hầu như bị xóa sổ, nhưng mạng người trong vụ này vẫn chưa phải là nhiều, nếu so với mật độ lưu thông và những nguy cơ tiềm ẩn khi những chiếc cần cẩu dài mấy chục mét, cao mấy chục mét trên đầu người ta bỗng nhiên đứt cáp, rớt, gãy. Chẳng lẽ cứ ngồi kiểm đi kiểm lại các văn bản, khi tai nạn đã xảy ra liên hoàn thảm khốc, không còn là chuyện may rủi nữa?

Những người thân trong gia đình nạn nhân đang mong muốn pháp luật công minh, có kết luận về trách nhiệm của những người gây ra vụ việc thương tâm này, không phải chỉ cho con, cho cháu trong gia đình, mà còn cho những người khác. Bởi công trình sẽ còn phải thi công lâu dài, ngoài cần cẩu còn hàng trăm phương tiện thi công khác, nếu không định rõ trách nhiệm, không chấn chỉnh lại vụ việc này, không có cơ chế để đảm bảo an toàn cho cộng đồng khi tiến hành những công trình lớn, thì người dân sẽ còn phấp phỏng với bao nhiêu kiểu rủi ro nào nữa trong những tháng ngày sắp tới.

Không ai muốn tai nạn xảy ra rồi mới đi kiện cáo, không ai muốn phải viện dẫn đến bộ tiêu chuẩn này bộ luật kia, người ta chỉ mong muốn các nhà thầu đặt sự an toàn sinh mạng con người lên trên, để rủi ro không xảy ra vì sự thiếu trách nhiệm.

Thôi đừng tự ru ngủ mình bằng những câu nói kiểu như “trong cái rủi còn có cái may” (là gia đình nạn nhân vẫn còn lại một người!), như “may mà giờ đó đường còn vắng” (nên chỉ có ba mẹ con chết thảm!), “may mà cần cẩu gãy trúng mái tôn nhà dân” (nên chỉ có dây cáp tạt xuống làm bị thương người đi đường!).

Những rủi ro kiểu này, với mật độ này, đã là khủng khiếp lắm rồi, thảm thương lắm rồi. Những nạn nhân là người vô tội. Đô thị phát triển là để trở thành môi trường sống tốt cho mọi người. Xin hãy hành động ngay đi, để môi trường ấy an toàn, để người ta thôi không phấp phỏng lo sợ bởi những tai họa rình rập xung quanh, chực chờ xảy ra, rơi xuống…

 LẬP PHƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI