Trong 5 năm, vẫn có quyền bán căn hộ cho người cùng đối tượng

13/06/2013 - 16:20

PNO - PN - Gói tín dụng 30 ngàn tỷ cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Thông tư 11/2013/TT-NHNN ban hành ngày 15/5 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và mang đến cơ hội sở hữu nhà ở cho người thu nhập thấp.

Tuy nhiên, tính đến nay, sau hơn mười ngày có hiệu lực, không ít người dân cũng như các doanh nghiệp vẫn lúng túng khi muốn “chạm” tới gói tín dụng này. Cụ thể, tại nhiều ngân hàng thương mại, thông tin về gói tín dụng 30 ngàn tỷ đồng mới chỉ được triển khai ở các trụ sở chính. Trong khi đó, tại các phòng giao dịch, người dân tìm hiểu thông tin thì chỉ nhận được những cái… “lắc đầu”. Lý giải về vấn đề này, tại Hội nghị “Đối thoại trực tuyến về gói tín dụng 30.000 tỷ đồng” chiều 11/6, ông Trần Xuân Hoàng - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, không phải tất cả các phòng giao dịch của BIDV đều có chức năng cho vay. Vì vậy, có thể khách hàng đã… “tìm nhầm” phòng giao dịch - vốn chỉ có nhiệm vụ huy động vốn nên chưa nắm được cụ thể thông tin về gói vay này. Nếu khách hàng có nhu cầu vay thì nên đến trụ sở chính và phòng giao dịch lớn để được trả lời cụ thể, thấu đáo. Ông Hoàng cũng phủ nhận thông tin về việc “gợi ý” người vay hạ thấp thu nhập để đạt tiêu chuẩn cho vay và cho vay thời hạn dài hơn (14 - 15 năm) thay vì 10 năm như quy định của Thông tư 11 để có lợi cho… cả đôi.

Trong 5 nam, van co quyen ban can ho cho nguoi cung doi tuong

Không chỉ khó khăn trong tiếp cận thông tin, tại cuộc đối thoại, ông Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ xây dựng cho biết, ông cũng đã nhận được thắc mắc trong việc sử dụng chính căn nhà mua làm vật thế chấp trong quá trình vay vốn bởi tài sản này không được giao dịch, mua bán trong 10 năm. Tuy nhiên, theo ông Nam, việc hiểu như vậy là chưa đúng, bởi theo dự thảo Nghị định của Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ thì trong 5 năm, căn hộ không được giao dịch, buôn bán ra ngoài theo giá thị trường, nhưng vẫn có quyền được bán lại cho chủ đầu tư hoặc cho người cũng thuộc đối tượng thu nhập thấp. “Ngân hàng hoàn toàn có thể nhận tài sản này làm tài sản thế chấp. Trong trường hợp phải có xử lý về tài sản thế chấp, ngân hàng có quyền bán lại ngôi nhà cho chủ đầu tư hoặc bán lại cho người cũng thuộc đối tượng thu nhập thấp không kể 5 năm hay mấy năm”, ông Nam nói.

Theo thống kê nhu cầu nhà ở xã hội, riêng tại Hà Nội con số đã là gần 100.000 căn trong khi lượng cung vẫn còn hạn chế. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là yếu tố khiến gói 30 ngàn tỷ đồng sẽ không thể thực hiện được những mục tiêu đề ra, đặc biệt là tại Hà Nội, TP.HCM. Trước thực tế này, ông Nguyễn Trần Nam cũng cho rằng: “Chúng ta không hy vọng với quy mô gói 30.000 tỷ đồng sẽ đáp ứng hoàn toàn nhu cầu nhà ở xã hội cho người dân mà là để tạo cú hích ban đầu, còn lâu dài phải kết hợp các nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân… Vì vậy, việc xây nhà ở xã hội sẽ phải kéo dài nhiều năm, với những chính sách phù hợp từng thời kỳ để giải quyết dần dần từng bước…”.

 H. Anh

Cả nước có 114 dự án nhà ở xã hội

Ngày 11/6, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản đã công bố danh sách các dự án nhà ở xã hội trong cả nước tính đến nay với tổng cộng là 114 dự án.

Cụ thể, có 47 dự án vừa qua được chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, 38 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân và 29 dự án xây dựng mới dành cho người thu nhập thấp. Trong đó, đối với dự án chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, TP.HCM chiếm số lượng nhiều nhất với 23 dự án, kế tiếp là Hà Nội 21 dự án, Đồng Nai hai dự án và Bà Rịa-Vũng Tàu một dự án. Tương tự, nhà ở dành cho công nhân, TP.HCM và Hà Nội chiếm số lượng nhiều nhất với 11 dự án, còn lại rải rác ở các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Hải Dương, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai… Dự án dành cho người thu nhập thấp Hà Nội chiếm số lượng nhiều nhất với năm dự án, Bình Dương bốn dự án, TP.HCM chỉ có một dự án đang triển khai tại huyện Bình Chánh.

Hùng Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI