“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ để phần ai”
Sau 3 ngày chạy xe cứu thương chi viện cho Bắc Giang chống dịch COVID-19, anh Nguyễn Hoàng Hà (46 tuổi, trú tại xã Nam Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) nói “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ để phần ai” như một lời khẳng định cho chuyến đi vào tâm dịch không hẹn ngày về của mình. Hơn 1 năm gắn bó với công việc lái xe cứu thương, người đàn ông 46 tuổi này cho hay đã quá quen với những chuyến xe xuyên đêm đưa đón bệnh nhân nghèo nên không còn quá căng thẳng khi ở “tâm dịch” Bắc Giang.
|
Anh Hà cùng anh Quảng (ở giữa) có mặt tại Bắc Giang để tham gia hỗ trợ địa phương này chống dịch |
Chiếc xe cứu thương Giáo xứ Lâm Xuyên do linh mục quản xứ Giuse Nguyễn Xuân Phương cùng các mạnh thường quân khuyên góp mua từ đầu năm 2020, thường xuyên chở miễn phí bệnh nhân nghèo đi khám, chữa bệnh, không phân biệt đồng bào lương hay giáo.
Tiền xăng xe hoạt động hằng ngày do bà con giáo dân trong giáo xứ quyên góp. Đến nay, chiếc xe này đã chạy hơn 12.000km, đưa đón hàng trăm bệnh nhân nghèo.
|
Theo anh Hà, đây là chiếc xe cứu thương của Giáo xứ Lâm Xuyên (xã Nam Thành) mua từ hơn 1 năm trước với mục đích đưa đón người dân nghèo đi viện. Khi biết tin Bắc Giang đang thiếu nhân lực và phương tiện hỗ trợ công tác cấp cứu thông qua một người quen làm ở CDC Bắc Giang, anh Hà thao thức không ngủ được, rồi nảy sinh ý định ra chi viện cho địa phương này chống dịch.
“Tôi nói chuyện này với linh mục quản xứ là Giuse Nguyễn Xuân Phương thì được cha đồng ý và nói chỉ sợ anh em không dám đi thôi” - anh Hà nói và cho hay khi nhận được sự đồng ý của linh mục quản xứ, anh Hà cùng một thành viên trong tổ lái xe cứu thương Giáo xứ Lâm Xuyên là anh Nguyễn Đình Quảng (48 tuổi) lập tức lên đường ra Bắc Giang.
Sáng 26/5, sau khi chở một bệnh nhân ở quê vào Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An cấp cứu, 2 tài xế này bắt đầu chuyến đi không hẹn ngày về của mình. Sợ vợ con “níu chân”, nam tài xế không quay về nhà lấy đồ dùng cá nhân mà quyết định mua ít bộ đồ tạm để mặc. Hơn 5 tiếng liên tục lái xe, anh Hà cùng người bạn đồng hành đã có mặt tại CDC Bắc Giang để làm các thủ tục trước khi bắt tay vào nhận nhiệm vụ.
“Hơn 1 năm làm việc này nên vợ con cũng hiểu và ủng hộ. Nhưng nói thật là đi vào vùng dịch thì ai chẳng lo. Sáng đó tôi cũng chỉ nói với vợ là chạy xe chở bệnh nhân đi cấp cứu như bình thường chứ có dám nói ra Bắc Giang đâu, sợ vợ níu chân. Khi xe chạy nửa đường thì mới gọi về thông báo” - anh Hà kể.
|
Anh Hà vận chuyển thiết bị, vật tư y tế trong đêm tại Bắc Giang |
Hết dịch sẽ về
Sau khi có mặt tại Bắc giang, chiếc xe cứu thương của giáo xứ Lâm Xuyên cùng 2 tài xế được “biên chế” cho CDC Bắc Giang quản lý, điều động thực hiện công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Những ngày qua, 2 tài xế này thay phiên nhau túc trực bên chiếc xe cứu thương để chờ lệnh điều động đưa đón, chở mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm... không kể ngày đêm.
Quá quen với những chuyến xe xuyên đêm, những bữa cơm vội ngay trên vô lăng song anh Hà cho hay chưa bao giờ vội vã đến mức “ăn vội hộp cơm trên ghế lái cũng không kịp” do nhận lệnh từ CDC Bắc Giang chạy gấp. Để người thân ở quê nhà yên tâm, anh cũng thường xuyên cập nhật thông tin trên Facebook, tranh thủ lúc nghỉ ngơi gọi điện thoại về thăm hỏi, chuyện trò với bố mẹ, vợ con.
|
Bữa cơm vội ngay trên vô lăng xe cứu thương của anh Hà |
2 tài xế xứ Nghệ cũng nhận được nhiều tin nhắn hỏi thăm, anh Hà chỉ cười rồi nói “Bắc Giang cũng như quê hương tôi, bất cứ nơi nào trên dải đất hình chữ S cũng là quê hương. Khi Tổ quốc gọi, tôi sẽ lên đường và xác định ở lại phục vụ bà con cho đến khi nào hết dịch mới trở về. Kết thúc một ngày được làm việc, được sống cuộc đời thật ý nghĩa”.
Có người nói sao anh thích lo chuyện bao đồng, anh cũng chỉ cười với suy nghĩ “chỉ cần làm việc không hổ thẹn với lương tâm, có ích cho xã hội”. Theo anh Hà, để theo đuổi công việc “bao đồng” này, hậu phương vững chắc nhất vẫn là vợ con ở quê nhà luôn thấu hiểu và tạo điều kiện để anh lên đường mỗi lúc có người cần đến mình.
|
Anh Hà thường xuyên cập nhật tin tức, sức khỏe và kết quả xét nghiệm của mình lên Facebook để người thân ở quê nhà yên tâm |
Lao vào “tâm dịch”, mỗi ngày chở hàng chục thùng mẫu xét nghiệm COVID-19 song anh Hà nói “Có gì phải sợ đâu, nếu sợ thì đã không đi”. Nam tài xế cho rằng, việc làm của mình cũng không có gì to tát, rất nhiều người đã quyên góp của cải, vật chất để chung tay đẩy lùi dịch bệnh. “Chỉ là tôi có thể vượt qua rào cản gia đình để đi vào vùng dịch mà thôi. 2 anh em tôi cũng thống nhất khi nào Bắc Giang không cần nữa thì sẽ về” - anh Hà chia sẻ.
Xúc động trước những hình ảnh các y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch đang ngày đêm thầm lặng cống hiến, anh Hoàng Văn Ngọc (trú huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã tạo bức bản đồ Việt Nam cùng dòng chữ “Bắc Giang cố lên” trên sân lúa với mong muốn thông qua dòng chữ này để gửi lời động viên, chia sẻ với tỉnh Bắc Giang và cả nước nói chung sớm vượt qua đại dịch.
Câu khẩu hiệu được tạo hình ngộ nghĩnh trên sân phơi lúa của anh Ngọc nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Bức tranh này cũng được nhiều người lan tỏa trên mạng xã hội như một thông điệp gửi tới các lực lượng, đặc biệt là ở Bắc Giang đang căng mình chống dịch.
|
Phan Ngọc