Khi còn đang “nướng” trên giường, tôi bỗng nghe tiếng hét của hai cô con gái Gạo - Nếp, chín tuổi: “Lên rồi, lên rồi”. Tôi chạy ra thì thấy hai con vừa cười nói, vừa ngắm nghía, mân mê hai khay rau đang lún phún những mầm xanh. Các con tôi gọi đây là “siêu phẩm” do chính chúng làm đất và gieo hạt giống.
Năm nào, dịp hè, hai con tôi cũng được về quê ngoại chơi vài tuần. Năm nay, dịch bùng phát bất ngờ, mẹ con tôi bị kẹt ở quê ngoại An Giang đã ba tháng và hiện vẫn chưa biết ngày nào có thể về lại Sài Gòn.
Trong lúc người lớn lo lắng, bọn trẻ vẫn hồn nhiên, vui vẻ với kỳ nghỉ hè có lẽ dài nhất trong cuộc đời bởi hai con tôi rất thích sống ở quê, muốn được gọi là người quê và mơ ước trở thành nông dân. Kỳ nghỉ hè này, các con ấp ủ kế hoạch trồng một vườn rau, nuôi gà, vịt, mèo…
Tôi cứ tưởng bọn trẻ nói cho vui, nào ngờ, một ngày thấy dì Tới hàng xóm đội rau đi bán, hai đứa chặn đường hỏi: "Dì Tới ơi, dì chỉ cho tụi con trồng rau được không?". Rồi chúng rủ thêm em My nhà bên, sáu tuổi, đến nhà dì Tới xin hạt giống. Ba đứa xách về nào hạt rau muống, rau dền, cải xanh cùng mớ rơm.
Qua hôm sau, dì Tới gặp tôi, nói: "Ngộ thiệt heng, Gạo - Nếp ở thành phố mà mê trồng rau. Chúng hỏi tui chuẩn bị đất sao, rải hạt giống sao, tưới sao… Hỏi tùm lum, y như nông dân thứ thiệt". Trước đó, các con tôi đã xem hướng dẫn trồng rau trên YouTube khá nhiều.
Tôi buông các con sau khi tuyên bố: "Các con cứ hỏi dì Tới và mọi người. Mẹ sẽ để tụi con tự do trồng, chăm sóc; khi nào thu hoạch mẹ sẽ… ăn phụ". Tụi nhỏ lấy hai khay nhựa, hốt đất vào, gieo hạt giống, phủ rơm và tưới nước.
Từ hôm đó, ngày nào Gạo - Nếp cũng dậy sớm hơn mọi ngày, xách nước tưới rau và trông hạt giống nảy mầm. Nhìn mầm rau mới nhú, bọn trẻ vui đến nỗi khoảng đất trống nào cũng rải hạt giống, kể cả mấy chậu kiểng chỉ còn vài chỗ trống nhỏ.
Có bữa, mợ Út đi tìm cà-mên đem cơm ra ruộng cho cậu Út, tìm khắp nhà cũng không thấy. Hóa ra bọn trẻ đã lấy hai ngăn cà-mên để trồng cải xanh.
Mỗi ngày, tôi lại nghe tiếng các con reo: "Lớn rồi, dễ thương quá hà". Gạo - Nếp thủ thỉ với tôi: "Mẹ, giờ con mới hiểu ý nghĩa bài thơ Ai trồng cây con học hồi lớp Ba. Vì ai trồng cây cũng mong cây lớn lên từng ngày và vui lắm khi thấy cây lớn, tươi tốt".
Ngoài mê trồng rau, kỳ nghỉ hè đặc biệt này, tôi phát hiện hai con gái mê sống ở quê không chỉ vì tò mò trước sự khác biệt giữa nông thôn với thành thị mà con thật sự yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, lao động ở quê. Gạo - Nếp về quê cùng lúc nhà cậu Út ấp 20 chú vịt.
Vậy là ngày nào các con và bé My cũng ra chuồng vịt cho vịt ăn, múc nước cho vịt uống, bồng và nói chuyện với "các bé vịt" - như cách bọn trẻ gọi. Một vài ngày, Gạo - Nếp lại "báo cáo":
"Mẹ, hôm nay các bé vịt hết lông vàng rồi, lớn nhanh lắm mẹ, cậu Út nói các bé vịt chuẩn bị vô lớp Một rồi"; "Mẹ, bữa nay em vịt bơi xa lắm, đi kiếm mồi ở tuốt nhà mợ Sáu luôn"…
Chứng kiến bầy vịt từ khi nằm trong quả trứng đến hiện nay đã gần 3kg/con, Gạo - Nếp và bé My rất vui. Tụi nhỏ vẫn cần mẫn cho vịt ăn, thả vịt ra ao và nói chuyện suốt.
Mợ Út nói với tôi: "Hồi trước nuôi vịt, tính để ăn trong mùa dịch, giờ muốn ăn cũng không biết làm sao ăn được. Tụi nhỏ đếm mà thiếu một con thì không biết trả lời sao với tụi nó. Chắc nuôi vịt đẻ luôn".
Tôi vốn là dân quê, tuổi thơ của tôi ngày xưa rất “dữ dội” với những ngày ra đồng mò cua, bắt cá, thả diều, cỡi trâu, tắm sông, leo trèo… Tôi từng nghĩ hai con gái sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn sẽ không có được những trải nghiệm này.
Nhưng qua lần trốn dịch này, hai con đã và đang trải qua tuổi thơ “thần tiên” như mẹ chúng đã từng. Hai con gái dù thiếu những món đồ chơi công nghệ như iPad, máy game, ti vi có kết nối Internet… vẫn không bứt rứt, vật vã như lúc ở nhà.
Sáng sáng, sau khi tưới rau, Gạo - Nếp và My ra bờ sông chơi, lấy vợt vớt cá lau kiếng, cá lìm kìm về nuôi trong thau, trong những vỏ hộp bánh bằng thiếc. Tụi nhỏ vớt bèo thả vào thau để "xây nhà cho em cá" rồi mở cả điện thoại cho cá nghe nhạc và tự kết luận "có nhạc là em cá vui, bơi tung tăng liền".
Chuyến về quê này, tôi cũng phát hiện ra sự dạn dĩ và thân thiện của hai con gái. Mấy lần trước, do bơi chưa rành nên các con làm gì cũng trong tầm mắt tôi. Giờ, con lớn hơn, bơi giỏi nên tôi thả cho các con được chơi tự do.
Ngoài nhà dì Tới bọn trẻ hay đến xin rơm, hạt giống; tụi nhỏ còn đến nhà mợ Năm cùng xóm - làm nghề kéo lưới - gỡ cá phụ. Có hôm, thấy nhà mợ Năm còn mớ cá chưa bán hết, Gạo - Nếp và cháu nội mợ Năm bèn thả hết cá xuống sông vì "tội em cá bị nhốt". Một trong những hoạt động yêu thích nhất của Gạo - Nếp là tắm sông.
Mặc cho mùa nước nổi, phù sa đỏ quạch và lục bình trôi đầy sông, bọn trẻ vẫn thấy sông sạch và mát. Có những ngày lục bình trôi dày đặc sông, bọn trẻ vớt lên vừa chơi nhà chòi, vừa phủ lên những gốc xoài, ổi, mận khắp xóm.
Niềm vui lớn của con tôi là có nhiều bạn. Có hôm, Gạo - Nếp tắm bên này sông và chu "mỏ" cãi với bọn trẻ bên kia sông vì bị chúng chọc quê vì bơi không giống ai (do Gạo - Nếp biết bơi sải, bơi ếch theo kỹ thuật được học ở trường).
Tôi chỉ lẳng lặng quan sát, không can thiệp, vậy mà mấy hôm sau đã thấy tụi nhỏ tắm cùng nhau và nhảy cầu khỉ đùng đùng. Tôi hỏi Gạo - Nếp sao mới cãi đó mà lại thành bạn, Gạo - Nếp trả lời:
"Mấy bạn thích nhìn tụi con bơi lắm nên con biết không phải mấy bạn ghét con, chắc là mấy bạn tò mò thôi. Con rủ các bạn đó qua tắm chung. Các bạn không qua thì tụi con bơi qua. Vậy là chơi với nhau luôn".
Thật ra, Gạo - Nếp về quê cũng có gây phiền hà cho hàng xóm đôi chút (vì những trò nghịch ngợm trẻ con: lấy đường, gạo, dầu ăn, rau củ quậy bột chơi đồ hàng; lấy nước rửa chén pha với nước rồi vò lá gòn, lá nhãn lồng tạo bọt thổi bong bóng chơi…).
|
Mùa hè đáng nhớ của Gạo - Nếp ở quê ngoại |
Tuy nhiên, có một điều các con đã thật sự lan tỏa được là thói quen trồng rau. Trước đây, người dân ở xóm nhà ngoại hiếm khi nào trồng rau ở sân (vì rau ở chợ rất rẻ nên chủ yếu mua ăn hoặc hái rau mọc dại sau hè).
Thấy Gạo - Nếp trồng rau quá đơn giản, chỉ cần gieo hạt và chờ ngày thu hoạch, làm chơi ăn thiệt, cải xanh, cải thìa nấu canh, xào… nhà ngoại ăn không hết, còn cho hàng xóm nên giờ mọi người đều tận dụng những khoảng trống quanh nhà rải hạt giống.
Người trồng được ít rau tần ô, người trồng xà lách, người trồng rau dền… Vậy là cái xóm nhỏ tiết kiệm được tiền rau vài ngày.
Mùa hè đang dần trôi qua, nhưng dịch bệnh vẫn đang vây bủa. Các con tôi may mắn được về quê, có không gian để vui chơi, khám phá và trải nghiệm làm nông dân… Những điều này giúp bọn trẻ và cả "bọn lớn" chúng tôi vượt qua từng ngày dịch bệnh ảm đạm khá nhẹ nhàng.
Bài và ảnh: Mẹ GẠO - NẾP