Tròn đầy những “vầng trăng khuyết”

17/04/2024 - 05:56

PNO - Ngày 16/4, Hội LHPN TPHCM tổ chức chương trình “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết”, tặng bằng khen, tuyên dương 20 gương “Phụ nữ vượt khó tiêu biểu” năm 2024. Các chị là những bông hoa của nghị lực, truyền cảm hứng và luôn tỏa sáng giữa đời thường.

Vượt lên số phận

Chúng tôi gặp vận động viên Nguyễn Phạm Tú Uyên (quận Tân Bình) tại hồ bơi Lý Thường Kiệt. Dù thời tiết oi bức nhưng chị vẫn kiên nhẫn ngồi hàng giờ để luyện tập bộ môn Boccia, chuẩn bị cho giải đấu toàn quốc diễn ra trong tháng Tư này.

Tú Uyên sinh ra bị thiếu tháng, vàng da và bại não, dẫn đến bị suy giảm cử động từ bé. Đến năm 7 tuổi, Uyên mới chập chững biết đi và được mẹ gửi vào học tại trường dành cho người khuyết tật. Từ môi trường học tập này, Uyên được phát hiện và bồi dưỡng trở thành vận động viên của Đội tuyển Thể thao Người khuyết tật TPHCM, tham gia thi đấu ở bộ môn Boccia.

Ban đầu, gia đình chỉ muốn tạo điều kiện cho Uyên tham gia để được gặp gỡ, giao lưu, hòa nhập với cộng đồng, nhưng thấy con kiên trì tập luyện nên gia đình đã cố gắng giúp con thỏa sức đam mê.

Bà Trần Thị Phương Hoa (thứ bảy từ phải sang) -  Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM và ông Nguyễn Tăng Minh (thứ bảy từ trái sang) - Phó giám đốc Sở Lao động,  Thương binh và Xã hội TPHCM - tặng bằng khen  cho các gương phụ nữ tiêu biểu vượt khó
Bà Trần Thị Phương Hoa (thứ bảy từ phải sang) - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM và ông Nguyễn Tăng Minh (thứ bảy từ trái sang) - Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM - tặng bằng khen cho các gương phụ nữ tiêu biểu vượt khó

Ông Mai Trí Dũng - huấn luyện viên đội tuyển TPHCM và đội tuyển quốc gia - kể: “Chúng tôi đến các trường khuyết tật trên địa bàn TPHCM để tìm kiếm tài năng. Tú Uyên là một trong những vận động viên khuyết tật nặng nhưng em có năng khiếu, ý thức tập luyện tốt. Ban đầu, Uyên tập rất chậm, các cơ rất cứng. Nhưng nhờ kiên trì, gia đình tạo điều kiện nên em tiến bộ nhanh, tham gia thi đấu ở các giải trong nước lẫn quốc tế và đạt được nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ”.

Suốt chặng đường 12 năm thi đấu, Uyên đạt rất nhiều huy chương. Điển hình là huy chương Đồng đồng đội và huy chương Bạc cá nhân môn Boccia tại ASEAN Para games tổ chức ở Myanmar năm 2014. Gần đây nhất, Uyên đoạt huy chương Bạc, nội dung cá nhân BCI môn Boccia tại giải Vô địch quốc gia dành cho người khuyết tật năm 2023, huy chương Vàng - nội dung đồng đội BCI 2 - môn Boccia tại giải Vô địch quốc gia dành cho người khuyết tật năm 2023…

Hành trình chinh phục ước mơ của Uyên không chỉ có sự kiên trì, nỗ lực tập luyện mà còn có sự đồng hành của mẹ. Với thể trạng của con, từ nhỏ, chị Phạm Thị Hoa (mẹ Uyên) đã phải gác lại mọi công việc để dành thời gian chăm sóc con. Chị Hoa luôn tập cho con tính tự lập, nhưng khi con đi thi đấu thì chị luôn đồng hành, hỗ trợ con mọi chuyện từ ăn uống đến sinh hoạt cá nhân, để con có đủ sức khỏe, tự tin.

Để hiểu con, chị Hoa đã theo học một lớp tâm lý dành cho những bà mẹ có con bị di chứng từ bại não. Gần con, chị hiểu từng hành động, cử chỉ cũng như ý muốn của con. Chị nói: “Những lúc con không vui, giận, bức bối trong lòng, nhưng không bộc lộ ra được, tôi phải quay lưng để giấu niềm đau và tìm cách động viên, an ủi con”. Với chị Hoa, thấy con vui, con được sống với đam mê, được thể hiện mình trên sân thi đấu là hạnh phúc lớn nhất đời chị.

Trường hợp khác là chị Trần Ngọc Mỹ (quận 10). Chị Mỹ bị khuyết tật vận động. Để có cuộc sống ổn định, chị phải nỗ lực gấp bội so với người bình thường. Với chiều cao chỉ hơn 1m, lại bị cong vẹo cột sống, từ nhỏ, chị thường xuyên bị bạn bè trêu ghẹo. Quá uất ức, chị đã khóc và đòi nghỉ học. Biết con mặc cảm, tự ti nên ba mẹ chị phải giải thích, động viên. Rồi dần dà, bạn bè cũng hiểu, quý mến và giúp đỡ nhiều trong việc học tập, đi lại.

Chị Mỹ đã tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh và có được việc làm ổn định với mức lương 8 triệu đồng/tháng.

Sau khi cuộc sống đã tạm ổn định, chị Mỹ tích cực tham gia hoạt động hội. Chị tâm sự: “Lúc tôi khó khăn nhất đã luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của hội, không chỉ tinh thần, các chị còn góp tiền cho tôi mua xe máy đi học, đi làm. Tôi chưa bao giờ quên hội”. Hiện tại, mỗi năm chị Mỹ đều đặn hỗ trợ 1 suất học bổng trị giá 2 triệu đồng cho học sinh khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Sắp xếp được thời gian, chị lại cùng hội tổ chức các lớp chuyên đề khéo tay hay làm, làm hoa giấy cho trẻ em.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Linh - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - tặng quà cho vận động viên Nguyễn Phạm Tú Uyên
Bà Nguyễn Thị Ngọc Linh - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - tặng quà cho vận động viên Nguyễn Phạm Tú Uyên

Những bông hoa của yêu thương và nghị lực

Trong khuôn khổ chương trình Vầng trăng khuyết, cả hội trường đã lắng đọng khi nhìn thấy những dòng nhật ký của anh Trần Khương (quận 12) qua màn ảnh. Anh chia sẻ: ngay khi biết vợ mang thai, anh đã tưởng tượng đến hình ảnh con gái xinh xắn, dễ thương và anh sẽ cho con học múa ballet… nên đặt cho con cái tên là Trần Lê Khả Ái.

Nhưng bao ước mơ của người cha nhanh chóng bị dập tắt khi biết con mình bị câm, điếc bẩm sinh và anh Khương bắt đầu một hành trình dài tìm cách chạy chữa cho con. Anh bán xe để có tiền mua máy trợ thính cho con và từng ngày kiên trì dạy con tập nghe bằng cách gõ vào trống, bế con ra sân ngắm máy bay. Cứ tưởng mọi thứ đều là vô vọng thì một ngày con anh đã nói được tiếng “bay”. Niềm tin trong người cha lớn dần. Anh cho con theo học hòa nhập cùng với các trẻ bình thường và xin ngồi bên ngoài học cùng con để về nhà dạy lại những gì con chưa hiểu...

Cứ như vậy, hành trình trưởng thành của Khả Ái luôn có bóng dáng người cha cận kề tiếp thêm sức mạnh. Khả Ái đã nỗ lực học tập, suốt 12 năm phổ thông đều là học sinh giỏi, thi đỗ vào Trường đại học Hoa Sen (ngành thiết kế đồ họa) và được nhận học bổng toàn phần của trường.

Sau gần 4 năm, Khả Ái tốt nghiệp loại khá và được nhận ở lại làm việc cho trường. Dù trong giao tiếp vẫn còn những khó khăn (chị chỉ có thể nghe được 20 - 30%), nhưng Khả Ái đã nỗ lực, tự thân vượt qua khiếm khuyết để trở thành một cô gái giàu nghị lực và truyền cảm hứng cho mọi người.

Chị Phạm Thị Thu Thủy (bìa trái) và chị Nguyễn Thị Hoa (bìa phải) là 2 tấm gương điển hình phụ nữ vượt khó
Chị Phạm Thị Thu Thủy (bìa trái) và chị Nguyễn Thị Hoa (bìa phải) là 2 tấm gương điển hình phụ nữ vượt khó

Còn chị Nguyễn Thị Hoa (TP Thủ Đức) lại vẽ cuộc đời và ước mơ của mình qua những bức tranh. Bị khuyết tật cả tay chân từ khi còn trong bụng mẹ nhưng với niềm yêu thích, chị đã tự tìm hiểu để vẽ tranh bằng chân. Tranh của chị Hoa đa phần vẽ phong cảnh, bởi chị muốn qua mỗi bức tranh sẽ chuyển tải tình yêu và mong mỏi được phiêu lưu khám phá những vùng đất mới qua trí tưởng tượng của mình.

Khác với nhiều người, chị Phạm Thị Thu Thủy (quận 1) đã lớn lên tại Làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ), bị khuyết tật vận động và phải di chuyển bằng 2 đầu gối. Thế nhưng chị đã không ngừng vươn lên trước nghịch cảnh. Vào đại học sư phạm, chị tham gia sinh hoạt trong Câu lạc bộ Ngôn ngữ ký hiệu của Khoa Giáo dục đặc biệt và đạt giải Ba nghiên cứu khoa học về “Xây dựng vở bài tập luyện từ và câu cho học sinh khiếm thính lớp ba”. Năm 2022, sau tốt nghiệp đại học, chị làm giáo viên dạy trẻ khuyết tật tại Trung tâm An Nhiên.

Báo Phụ nữ TPHCM trao 100 triệu đồng vốn vay cho phụ nữ khuyết tật

Trong khuôn khổ chương trình “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết”, Hội LHPN TPHCM và các đơn vị đồng hành đã tặng quà cho 300 phụ nữ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn (trị giá 2 triệu đồng/phần), tổ chức 18 gian hàng giới thiệu sản phẩm do phụ nữ khuyết tật thực hiện.

Dịp này, Báo Phụ nữ TPHCM đã trao 100 triệu đồng vốn vay hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình cho phụ nữ khuyết tật. Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế cũng trao vốn (45 triệu đồng) cho các chị.

Hưởng ứng hoạt động nhân kỷ niệm 26 năm ngày Người khuyết tật Việt Nam, các cơ sở hội tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, chăm lo cho phụ nữ khuyết tật.

Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - cho biết, thông qua chương trình, Hội LHPN TPHCM mong muốn toàn xã hội, các tổ chức xã hội đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện để người khuyết tật, đặc biệt là phụ nữ phát triển bằng khả năng, tài năng và tự tin theo đuổi, hiện thực hóa đam mê.

Hội LHPN TPHCM luôn đồng hành, hỗ trợ các chị thông qua các chương trình đồng hành, tiếp sức, trợ vốn, dạy nghề, tặng phương tiện sinh kế… giúp các chị có thêm điều kiện để hiện thực hóa ước mơ, có công việc và cuộc sống chủ động, tự lập, lan tỏa năng lượng tích cực đến với mọi người.

Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI