Suốt 20 năm khám và điều trị hen suyễn, PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM, Trưởng khoa Hô hấp, Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 từng chứng kiến nhiều trường hợp bệnh nhân tử vong do quá tin vào máy phun khí dung và cấp cứu sai cách khi lên cơn hen cấp.
Chết nhanh chóng vì "lơ" thuốc hen suyễn
Chỉ vài phút sau cơn hen bộc phát, ông D.V.T. (53 tuổi, nhà ở Bình Chánh) lịm dần, bên cạnh là máy phun khí dung không hoạt động do nhà đang cúp điện. Gia đình phát hiện vội đưa ông đi cấp cứu nhưng mọi chuyện đã quá trễ. Ông tử vong trước khi đến được cổng bệnh viện.
Vừa than khóc, con gái ông cho biết lúc còn sống, ông tin tưởng tuyệt đối vào máy phun khí dung, dù hiện nay có rất nhiều loại thuốc xịt hen suyễn. Lúc còn sống, ông T. cho rằng các loại thuốc xịt hen không bằng máy phun khí dung, bởi máy phun có nồng độ thuốc cao hơn, ông cảm nhận thuốc nhiều hơn.
Mấy tháng trước, ông còn đi khám bệnh, bác sĩ nhắc chứng hen suyễn của ông nặng hơn. Ngoài ra, ông còn được chẩn đoán đái tháo đường, hở van tim. Dù bác sĩ có khuyên thế nào, ông cũng nhất quyết không mua thuốc xịt hen.
Và rất nhiều gia đình có con nhỏ bị hen suyễn vẫn "ghiền" phun khí dung hơn là dùng thuốc cắt cơn. Đến khi bệnh nhân rơi vào nguy kịch thì dùng thuốc điều trị đã không còn kịp; thậm chí vội vàng dùng thuốc dẫn đến quá liều và tử vong.
Đơn cử như bé N.D.H.K. (10 tuổi) đang chơi tại nhà đột ngột lên cơn hen. Thay vì xịt cắt cơn theo định lượng 2 nhát một lần, mỗi lần cách nhau 20 phút, cha mẹ quá nôn nóng, xịt rất nhiều thuốc hen cho con. Bé lịm dần rồi tím tái, người nhà tiếp tục hô hấp nhân tạo. Đến khi bé ngưng tim, ngưng thở, hết phản xạ, đưa vào bệnh viện đã muộn màng.
Bác sĩ Lan cảnh báo: hiện nay hen suyễn được kiểm soát tốt nhưng không có nghĩa ai cũng biết cách điều trị, cấp cứu hen. Thế nhưng, nhiều người vẫn chần chừ không đưa người bệnh đi cấp cứu mà lo cho phun khí dung tại nhà để chữa hen suyễn. Thậm chí, ngay cả nhân viên y tế cũng mắc sai lầm khi sơ cấp cứu kiểu này, dù rất ít.
Khi nào mới được phun khí dung?
|
Phun khí dung phải được bác sĩ chỉ định. Bệnh nhi cần tới các bệnh viện có khoa Hô hấp để điều trị. |
“Trong suốt 20 năm điều trị bệnh nhân hen suyễn, tôi không bao giờ chỉ định máy khí dung trong cấp cứu bệnh nhân hen suyễn. Máy phun khí dung có nồng độ thuốc cao hơn thuốc xịt cắt cơn gấp nhiều lần. Do đó, máy phun khí dung chỉ nên dùng để điều trị hen suyễn đợt cấp và các bệnh thuyên tắc phổi mạn tính trong các cơ sở y tế khi cơn suyễn không cắt được ở nhà. Việc lạm dụng máy phun khí dung không chỉ gây nguy hiểm cho người bệnh mà còn rất tốn kém”, bác sĩ Lan nhận định.
Chưa kể, khi một người lên cơn hen suyễn, biến chứng của bệnh rất khó lường nên cần phải cho nhập viện ngay. Nhưng vì tin vào máy phun khí dung, người bệnh được giữ lại ở nhà thay vì đưa đi cấp cứu.
Trong khi, một lần phun khí dung mất khoảng 30 phút và chờ thêm một quãng thời gian mới biết bệnh nhân có "thoát cửa tử" hay không. Đến khi, máy phun khí dung không hiệu quả, bệnh nhân đang bị siết khí quản, đáng lý phải dùng thuốc xịt để khí quản giãn ra thì lại bị ấn tim, thổi ngạt càng làm cho cơn hen trầm trọng hơn.
Bác sĩ Lan khẳng định, hen suyễn hay các bệnh thuyên tắc phổi mạn tính, nguyên tắc là ngừa cơn chứ không đợi lên cơn mới cắt. Bệnh nhân lúc nào cũng phải có thuốc ngừa cơn hen và thuốc cấp cứu hen, tránh tối đa các yếu tố nguy cơ lên cơn hen. Hiện nay đã có thuốc vừa ngừa cơn, vừa cắt cơn hen suyễn rất tiện dụng.
Phải mang theo chai xịt cắt cơn
|
Đối với trẻ cần cấp cứu, chỉ cần dùng một buồng đệm nối vào chai xịt cắt cơn, phun thuốc cho trẻ. |
PGS Lê Thị Tuyết Lan cứ trăn trở: “Thuốc cắt cơn hen chai nhỏ gọn, dễ mang bên người tại sao chúng ta không sử dụng mà lại xài máy phun khí dung. Chiếc máy này cồng kềnh, phụ thuộc vào điện, giá gần 1 triệu đồng, khó đảm bảo vệ sinh, lại tốn thời gian.
Và chẳng may cơn hen bộc phát khi nhà bị cúp điện sẽ rất nguy hiểm. Trong khi bệnh nhân dùng thuốc cắt cơn, xịt 2 nhát thuốc chỉ mất vài giây.
Đối với trẻ cần cấp cứu, chỉ cần dùng một buồng đệm nối vào chai xịt cắt cơn, phun thuốc cho trẻ. Buồng đệm như một chiếc mặt nạ, đảm bảo thuốc không bị phân tán khi phun".
Bên cạnh thuốc cắt cơn, thuốc xịt điều trị hen cũng rất quan trọng nhưng phần lớn bệnh nhân bỏ quên, hoặc từ chối sử dụng. Có loại thuốc điều trị xịt vô sẽ không có cảm giác dễ thở ngay như thuốc cắt cơn. Bệnh nhân thường có tâm lý thuốc phải tác dụng nhanh, cắt cơn ngay mà quên rằng thuốc trị hen giúp ngừa cơn hen rất hiệu quả. Hơn hết, việc lạm dụng thuốc cắt cơn sẽ khiến người bệnh bị lờn thuốc, không còn thuốc cấp cứu khi cần.
Bác sĩ Lan khuyến cáo: “Bệnh nhân hen không nên dùng thuốc trị hen suyễn xách tay, mua qua người quen mà phải mua đúng theo tên thuốc do bác sĩ chỉ định. Bác sĩ và tiệm thuốc nào cho thuốc không tên, không toa tuyệt đối không sử dụng và không đến điều trị nữa. Bệnh nhân hen suyễn luôn có nguy cơ dị ứng gây ngứa, khó thở, đau bụng, nếu nặng sẽ có nguy cơ rơi vào sốc phản vệ, tử vong ngay tại chỗ”.
Khi bị lên cơn hen, người bệnh dùng chai xịt cắt cơn, xịt 2 nhát. 20 phút sau nếu hết có thể ngưng, nếu chưa hết thì tiếp tục xịt thêm 2 nhát nữa, không hết thì xịt thêm 2 nhát nữa.
Trong trường hợp đã xịt 6 nhát trong 1 tiếng mà cơn hen vẫn không hết thì phải nhờ người bên cạnh đưa đi cấp cứu ở bệnh viện gần nhất.
Người bệnh cũng không nên quá lo lắng, bởi nếu được chẩn đoán đúng, điều trị đúng, tuân thủ toa thuốc đúng, kiêng cữ đúng, hen suyễn hoàn toàn ổn định, không lên cơn, không khò khè, không khó thở, không phải dùng thuốc cấp cứu và có thể sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi như một người bình thường khác.
Có nhiều lực sĩ đạt huy chương vàng Olympic dù bị hen suyễn, vì vậy bệnh nhân hen suyễn nên yên tâm điều trị vì Việt Nam, phương tiện thuốc men điều có đủ.
|
Phạm An