Trời nắng nóng làm tăng đột quỵ não

04/04/2021 - 11:57

PNO - Sự thay đổi thời tiết (nóng quá hoặc lạnh quá) không trực tiếp nhưng gián tiếp gây ra đột quỵ.

bác sĩ hướng dẫn cho người đột quỵ
Bác sĩ hướng dẫn trị liệu cho người đột quỵ

Bác sĩ Nguyễn Quốc Thành - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh (Đồng Nai) - cho hay bệnh đột quỵ (hay tai biến mạch máu não) là tình trạng nhu mô não bị thiếu máu nuôi, do mạch máu bị tắc nghẽn (nhồi máu não) hoặc mạch máu vỡ không do chấn thương (xuất huyết não). Khi thiếu máu nuôi, não sẽ ngưng hoạt động rồi chết đi trong vài giây đến vài phút.

Bệnh đột quỵ thường khởi phát đột ngột, bệnh nhân đang lao động, sinh hoạt bình thường đột nhiên xuất hiện các triệu chứng tổn thương thần kinh: khó nói, mặt méo, tay chân yếu liệt… Đặc biệt, trong mùa nắng nóng, liên tục xảy ra các ca đột quỵ khi làm việc ngoài trời. 

Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Thành, thời tiết (nóng quá hoặc lạnh quá) không trực tiếp gây ra đột quỵ nhưng lại gián tiếp thúc đẩy bệnh gia tăng. Và thực tế, vào mùa nắng nóng hoặc mùa đông lạnh, lượng bệnh nhân bị đột quỵ ở Việt Nam tăng cao. 

Chính thời tiết làm thay đổi nội tiết tố, ảnh hưởng trực tiếp đến huyết áp, tim mạch. Cụ thể, nếu đang ở nhiệt độ nóng bức mà đi vào phòng lạnh thì tình trạng co mạch diễn ra đột ngột, dẫn đến huyết áp tăng cao gấp 2-3 lần và gây ra đột quỵ. Do vậy, không thay đổi môi trường đột ngột cũng là cách phòng bệnh huyết áp. Khi mới đi nắng về, không được tắm ngay mà phải tắm vào buổi chiều mát. Với người mắc bệnh tim mạch, tuyệt đối không tắm nước lạnh.

Trong thời tiết nắng nóng, dù nhiệt độ ngoài trời lên đến 38-400C thì vẫn phải giữ nhiệt độ trong nhà khoảng 26-270C, chứ không xuống thấp hơn. Bởi ngoài việc tránh chênh lệch nhiệt độ quá nhiều thì còn ngừa bệnh COVID-19, do virus SARS-CoV-2 bất hoạt trong điều kiện nhiệt độ 250C. 

Khi gặp nạn nhân bị đột quỵ, người nhà nhanh chóng gọi cấp cứu 115 và ghi nhớ thời gian triệu chứng bắt đầu xuất hiện để thông báo cho bác sĩ điều trị. Đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt để tận dụng thời gian vàng (4,5 - 6 giờ kể từ khi khởi phát bệnh) để cứu chữa kịp thời. Qua khoảng thời gian vàng này, sẽ không điều trị tích cực được nữa, dẫn đến nguy cơ tàn phế suốt đời, thậm chí tử vong (đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 sau tim mạch và ung thư).

Còn trong khi chờ xe cấp cứu, hãy đặt bệnh nhân nằm nghiêng về bên lành, đầu hơi nâng nhẹ; không cho bệnh nhân ăn hoặc uống; lấy các vật hoặc đờm dãi trong miệng bệnh nhân để tránh trường hợp bệnh nhân khó thở.

Để phòng tránh đột quỵ, nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và theo dõi, điều trị các căn bệnh tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường. Bởi những bệnh nhân mắc các bệnh trên có nguy cơ đột quỵ cao.

Bên cạnh đó, người dân cần có lối sống lành mạnh, nên ăn thức ăn giàu chất xơ, giảm ăn mặn, giảm chất béo (mỡ, nội tạng động vật). Bệnh nhân bị tiểu đường cần kiêng đường, hạn chế tinh bột, tăng cường rau xanh vào khẩu phần ăn. Tăng cường vận động, đi lại, tập luyện thể thao; tránh các chấn động thần kinh, lo âu, căng thẳng, hút thuốc lá…  

Gia Huy 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI